Sản phẩm ngành TT&TT cần thực hiện đáp ứng các tiêu chuẩn hoá mới
Diễn đàn - Ngày đăng : 09:14, 23/12/2022
Đó là quan điểm nhấn mạnh của ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hội nghị tập huấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá phù hợp và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực TT&TT do Vụ KH&CN, Bộ TT&TT tổ chức ngày 22/12.
Các chỉ tiêu kỹ thuật quốc gia cần hài hòa với các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, khu vực
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Xuân Công, nhấn mạnh, thời gian qua nhờ có các văn bản ban hành, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc nâng cao NSCL các sản phẩm hàng hoá, nhất là đối với các sản phẩm KH&CN, TT&TT đã thu được nhiều thành tựu, kết quả tích cực. Cũng nhờ việc chúng ta thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo quan trọng trên, góp phần giúp chúng ta hướng đến mục tiêu đạt chuẩn các chỉ tiêu kỹ thuật quốc gia theo hướng hài hòa với các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, khu vực.
"Giờ đây, để tăng NSCL, chúng ta cần đẩy mạnh việc áp dụng, thực hiện ứng dụng thông qua các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật (TCKT); cần sáng tạo, cải tiến NSCL thông qua việc kế thừa, phát triển các thành tự của KHKT cũng như áp dụng các hệ thống quản lý kỹ thuật tiên tiến…", Vụ trưởng Lê Xuân Công nhấn mạnh.
Cũng theo Vụ trưởng Lê Xuân Công, để nâng cao NSCL các sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực TT&TT, thời gian qua, Bộ TT&TT đã tích cực đẩy mạnh việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ năm 2022 bám sát với quản lý hiệu quả các mục tiêu NSCL, thành tựu của ngành. Đồng thời, Bộ TT&TT từng bước cụ thể hóa các nhiệm vụ và tổ chức triền khai các nhiệm vụ nhằm đạt mục tiêu đối với lĩnh vực ngành TT&TT.
"Đến nay, các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ TT&TT đã đạt được sự hài hòa theo các tiêu chuẩn tổ chức quốc tế, khu vực ở ngưỡng mức độ cao (đạt gần 90% tiêu chuẩn CLSP chất lượng cao)", Vụ trưởng Lê Xuân Công cho biết.
Bên cạnh đó, các hệ thống quản lý chất lượng đã được áp dụng tới tất cả đơn vị trong Ngành. Bộ TT&TT đã đầu tư, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, phát triển các ứng dụng công nghệ số, nền tảng số để nâng cao chất lượng các sản phẩm TT&TT; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thúc đẩy NSCL sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam…
Để nâng cao hơn nữa những thành tựu, hiệu quả của nhiệm vụ này, Vụ trưởng Lê Xuân Công kiến nghị các đơn vị cần mạnh mẽ, chủ động cập nhật các văn bản, chính sách, quy định liên quan đến việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…
"Đặc biệt, các đơn vị quản lý, nghiên cứu, DN, tổ chức chứng nhận, kiểm định, kiểm nghiệm… cần đẩy mạnh việc hợp tác, chia sẻ kinh ngiệm, giải pháp với nhau để thúc đẩy tăng NSCL của các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ trong lĩnh vực TT&TT", ông Lê Xuân Công đề xuất.
Sản phẩm ngành, lĩnh vực TT&TT cần thực hiện đáp ứng các tiêu chuẩn hóa mới
Tại hội nghị, nhiều kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp đã được trình bày. Chia sẻ về các kiến thức cơ bản đối với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chuyên ngành TT&TT cần phải áp dụng hiện nay, đại diện Vụ KH&CN cho rằng các đơn vị cần áp dụng thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn cơ sở quy định trong: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Điều 23); Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn (Điều 3); Thông tư số 13/2019/TT-BTTTT ngày 22/11/2019 quy định hoạt động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT (Điều 7).
Cũng với đó, các đơn vị cần xây dựng, ban hành quy chuẩn Việt Nam (QCVN)/công bố tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN); rà soát bãi bỏ QCVN/TCVN không còn phù hơp; các văn bản quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Đặc biệt, các đơn vị cần lưu ý đảm bảo các sản phẩm thuộc ngành, lĩnh vực TT&TT cần thực hiện đáp ứng các tiêu chuẩn hóa mới: Tiêu chuẩn hóa một số công nghệ nền tảng (5G, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây…); tiêu chuẩn hóa nền tảng số; tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng.
Cụ thể, khi yêu cầu đối với tiêu chuẩn ở các sản phẩm công nghệ nền tảng như: Thông tin di động 5G (khuyến nghị ITU-R M.2150-1 (02/2022) phiên bản thứ 2); tiêu chuẩn IoT dựa trên ITU-T, ISO/IEC, có khả năng hỗ trợ thiết bị đeo tay, có dữ liệu lớn, đảm bảo bảo mật và riêng tư; tiêu chuẩn dữ liệu lớn dựa trên tiêu chuẩn ISO/IEC (kiến trúc tham chiếu)…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ và tiêu chuẩn các lĩnh vực trên, đại diện Vụ KH&CN, Bộ TT&TT cũng nêu ra xuất Chính phủ cần tăng cường rà soát, chỉnh sửa hành lang pháp lý: Luật, Nghị định liên quan đến tiêu chuẩn hóa, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá; cải cách thủ tục hành chính, đổi mới kiểm tra hàng hóa nhập khẩu; áp dụng các thực hành tốt phù hợp với thông lệ quốc tế…
Đối với cấp quản lý Bộ TT&TT tích cực, mạnh mẽ hơn để hoàn thiện bổ sung hệ thống QCVN, TCVN phục vụ quản lý nhà nước; khuyến khích, thúc đẩy xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện; quản lý tổ chức đánh giá sự phù hợp…
"DN tăng cường công tác tiêu chuẩn cơ sở; chủ động tham gia công tác QCVN/TCVN để hướng đến mục tiêu chiếm lĩnh thị trường…", đại diện Vụ KH&CN đề xuất.
Mặt khác, nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm ngành TT&TT ngày càng chất lượng, hiệu quả, theo đại diện Vụ KH&CN, thời gian tới: Bộ TT&TT sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ và giải quyết các vướng mắc liên quan từ các đơn vị, DN; nghiên cứu xây dựng phòng thí nghiệm/thử nghiệ trọng điểm/chuyên ngành theo định hướng chung của nhà nước; tạo thêm điều kiện để các trường đại học, viện nghiên cứu khai thác, sử dụng (có điều kiện và chi phí)…
Trong khi đó, đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho rằng, mặc dù hiện nay chúng ta đã có các quy định quản lý đầy đủ, rõ ràng; sự thống nhất quan điểm, chính sách quản lý chất lượng dịch vụ (CLDV) của các cấp quản lý; hệ thống phòng thử nghiệm chỉ định được trang bị phương tiện, thiết bị, có đầy đủ quy trình, bài đo CLDV; có đội ngũ cán bộ đo giàu kinh nghiệm… Tuy nhiên vẫn còn vướng những hạn chế về trang bị hệ thống thiết bị đo kiểm và chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, dịch vụ.
Để khắc phục hạn chế này, chúng ta cần áp dụng việc: đo định kỳ, đột xuất, chuyên đề (phối hợp với Sở TT&TT đo theo Quy chuẩn Bộ TT&TT; tăng số lượng tỉnh được đo, đo theo khu vực nhất định…); tăng cường văn bản quy phạm pháp luật (Bổ sung QCVN 126:2021/BTTTT vào danh mục bắt buộc đo; hướng dẫn áp dụng quy chuẩn QCVN 34:2022/BTTTT, QCVN 36:2022/BTTTT, QCVN 126:2021/BTTTT; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các QCVN khác; khắc phục tồn tại (đầu tư, mua sắm trang bị hệ thống thiết bị đo; cập nhật công nghệ mới; trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức đo kiểm trong và ngoài nước).
Đặc biệt, trong quá trình đo kiểm cần có phương án: khảo sát (Địa bàn, dịch vụ, mạng lưới; bản đồ số, tuyến, địa điểm đo; bài đo, mẫu đo, kịch bản, PA thu thập số liệu DN); phối hợp (Sở TT&TT xây dựng lộ trình, điểm đo; phối hợp các đơn vị liên quan để thống nhất phương án đo kiểm); ban hành (Báo cáo và trình Cục Viễn thông, các đơn vị có thẩm quyền ban hành phương án đo kiểm; thông báo đến các Sở TT&TT để quản lý, báo cáo)./.