Primedata: Nền tảng giúp giải bài toán tăng trưởng của DN thông qua "mỏ vàng" dữ liệu

Make in Vietnam - Ngày đăng : 06:35, 25/12/2022

Tại Việt Nam, doanh nghiệp (DN) thường không chú trọng, dẫn đến lãng phí “mỏ vàng” dữ liệu, từ đó làm giảm sức đề kháng trước những rủi ro có thể xảy ra.

Tóm tắt nội dung:

* Nền tảng Prime Data

- Prime Data, nền tảng khoa học dữ liệu vừa công bố đã nhận được đầu tư từ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo VIISA. - Prime Data tập trung giải 2 bài toán: (1) giải bài toán làm thế nào để doanh nghiệp có thể tận dụng được dữ liệu mà họ đang sở hữu; (2) lắng nghe được ý kiến xã hội (Social Listening) dựa trên ngôn ngữ của mỗi quốc gia.

* Khó khăn của Prime Data

- Nhiều DN chưa sẵn sàng cho việc đầu tư dài hạn về dữ liệu.

- Khi đưa Prime Data ra thị trường, doanh nghiệp khách hàng thường gặp khăn về mặt chi phí nên việc đầu tư dành cho dài hạn gặp rất nhiều thách thức.

*Cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý để quảng bá các sản phẩm Make in Viet Nam

Đối với DN, quan trọng nhất vẫn là tầm nhìn và đội ngũ. DN rất cần sự hỗ trợ về tầm nhìn từ các cơ quan quản lý: từ đào tạo, xây dựng chiến lược, kỹ năng... cho đến xây dựng các sàn giới thiệu sản phẩm để quảng bá các sản phẩm của startup cho DN tiềm năng.

Điều này đã được bộc lộ rất rõ trong dịch COVID-19 khi hàng loạt DN lao đao khi không nắm được sự thay đổi hành vi người dùng trên các kênh trực tuyến. Đó là lý do tại sao nền tảng PrimeData được ra đời, giúp mang lại dữ liệu duy trì tăng trưởng cho DN cũng như giúp họ bắt kịp xu hướng kỹ thuật số.

Ra đời giúp DN không còn lãng phí dữ liệu

Mới đây, Prime Data, nền tảng khoa học dữ liệu công bố đã nhận được đầu tư từ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo VIISA. Giá trị thương vụ không được công bố nhưng theo ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch của VIISA cho biết quy mô gọi vốn là vòng Seed (hạt giống).

Theo VIISA, hiện nay phần lớn doanh nghiệp đều ý thức được dữ liệu khách hàng là “vàng” trong môi trường kinh doanh số hiện nay. Tuy nhiên việc thu thập, xây dựng, phân tích và đưa vào phục vụ ứng dụng cho các các hoạt động kinh doanh không dễ và đôi khi vượt quá kinh phí đầu tư công nghệ của các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ. Dịch vụ cung cấp bởi nền tảng Prime Data sẽ hỗ trợ DN giải quyết phần nào các khó khăn đó, giúp họ thu thập, hiểu rõ cũng như khai thác hiệu quả dữ liệu khách hàng mà họ đã có và các dữ liệu phát sinh trong tương lai.

Primedata: Nền tảng giúp giải bài toán tăng trưởng của DN thông qua

Ông Nguyễn Hải Triều kỳ vọng sau 3 năm tiếp theo, PrimeData sẽ có mặt tối thiểu ở 5 quốc gia trong khu vực.

Chia sẻ về lý do ra mắt nền tảng PrimeData, ông Nguyễn Hải Triều, Founder & CEO PrimeData cho biết, từ năm 2019, ông Triều nhận thấy có một bài toán đặt ra là làm thế nào để DN có thể tận dụng được dữ liệu mà họ đang sở hữu rất nhiều, thay vì để lãng phí vì không biết giá trị của nó. Trong khi đó, các công cụ theo dõi mạng xã hội (social listening) của Younet mà ông Triều phát triển trước đây chủ yếu chỉ có thể đo lượng phản hồi, nhận xét của người sử dụng mà không đi đến những hành động tạo ra tác động lớn cho sự tăng trưởng, duy trì trung thành của khách hàng.

Nguyên nhân thứ 2 là do phạm vi của các công cụ social listening, do nó lắng nghe dựa trên ngôn ngữ của quốc gia đó nên sẽ khó khăn trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài.

- Khi đưa Prime Data ra thị trường, DN khách hàng thường gặp khăn về mặt chi phí nên việc đầu tư dành cho dài hạn gặp rất nhiều thách thức.

"Đó là nỗi đau đáu của tôi trong việc mang lại dữ liệu duy trì tăng trưởng cho DN cũng như giúp họ bắt kịp xu hướng kỹ thuật số (Go Digital)", ông Triều nhấn mạnh.

Ngoài ra, giai đoạn 2019 cũng đang là trào lưu các DN Việt Nam chuyển biến mạnh mẽ nhất trong chuyển đổi số (CĐS) với 2 yếu tố quan trọng là con người và công nghệ. Ngoài những công nghệ lõi phục vụ việc vận hành như ERP, CRN thì công nghệ dữ liệu sẽ giúp DN đưa ra chiến lược, vận hành hiệu quả. Các quốc gia trên thế giới, do chi phí nhân công cao nên họ rất nhanh chóng trong việc ứng dụng công nghệ để đổi mới sáng tạo (ĐMST), hiểu và tận dụng giá trị dữ liệu trong việc ra quyết định, phục vụ khách hàng tốt nhất.

Còn tại Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác, do chi phí cho nhân lực còn đang rẻ nên thường không chú trọng về dữ liệu, dẫn đến việc không biết cách sử dụng và lãng phí "mỏ vàng" dữ liệu, để từ đó tạo ra sức đề kháng đối với các rủi ro của các kênh bán hàng khác nhau. "Điều này đã được bộc lộ rất rõ trong dịch COVID-19, nếu không đủ nền tảng công nghệ và dữ liệu khách hàng, thì DN sẽ không thể phục vụ được khách hàng trên các kênh online, thương mại điện tử, mạng xã hội, hay ứng dụng. Đa phần DN Việt hiện nay rất yếu trong chuyện "đề kháng" trước những rủi ro của các kênh bán hàng", ông Triều nhận định.

PrimeData là nền tảng hợp nhất dữ liệu và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng (CDP) thuộc thế hệ tiên phong của Việt Nam, sáng lập bởi chuyên gia trên 20 năm ngành digital và tiếp thị, giúp DN am hiểu khách hàng và tiếp thị - kiến tạo trải nghiệm khách hàng đa kênh O2O xuất sắc dựa trên data, tăng trưởng giá trị khách hàng và doanh số.

Nền tảng cho phép DN nắm được: Chân dung khách hàng cả trên môi trường trực tiếp (offline) và trực tuyến (online); Tự động hóa tiếp thị & trải nghiệm cá nhân hóa đa kênh; Phân tích hành trình khách hàng.

Trong các hoạt động đa kênh, dữ liệu hỗ trợ rất lớn, thậm chí nếu không có thì DN sẽ không thể CĐS hay có những bước chuyển đổi lớn được. Vì vậy, đội ngũ phát triển PrimeData đã phải nghiên cứu hơn 1 năm trời về các nền tảng liên quan đến dữ liệu, nền tảng có thể giúp DN trong các hoạt động marketing, bán hàng... Sau khi quyết định xây dựng Nền tảng dữ liệu khách hàng (Customer Data Platform - CDP), ông Triều cho biết mình đã nghiên cứu và tìm kiếm đội ngũ chuyên gia về công nghệ phù hợp.

Theo ông Triều, để ứng dụng được CDP cần rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, trong khi ở Việt Nam không có trường lớp nào đào tạo. Vì vậy, PrimeData đặt mục tiêu xây dựng được một giải pháp CDP phục vụ DN Việt Nam trước khi mở rộng thị trường ra nước ngoài. Chỉ có nắm được dữ liệu khách hàng, DN Việt Nam mới có thể chuyển mình được, đồng thời đưa ra các quyết định về chiến lược, chiến thuật để tăng trưởng, duy trì lòng trung thành của khách hàng.

“Tôi đã nghiên cứu CDP từ năm 2019, mất hơn một năm để tìm đội ngũ phát triển để bắt đầu dự án từ năm 2020. Điều may mắn là đội ngũ đồng sáng lập cũng là về kỹ thuật, đã từng phát triển các nền tảng tương tự, bởi vì CDP có rất nhiều thành phần, liên quan đến hệ thống tăng trưởng, năng lực phân tích, marketing...”, ông Triều cho biết thêm.

Sau khi chạy phiên bản thử nghiệm từ năm 2021, đến thời điểm hiện tại, PrimeData đang có khoảng 10 khách hàng trong một số lĩnh vực như bán lẻ, thời trang, thực phẩm... Về kế hoạch trong thời gian tới, ông Triều cho biết, sau khi khai thác thị trường Việt Nam để tạo các bài học kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống, nền tảng sẽ tập trung tấn công thị trường Đông Nam Á. “Chúng tôi kỳ vọng sau 3 năm tiếp theo, PrimeData sẽ có mặt tối thiểu ở 5 quốc gia trong khu vực”, ông Triều bày tỏ.

Gặp khó khăn khi nhiều DN chưa sẵn sàng cho việc đầu tư dài hạn về dữ liệu

Cũng theo ông Triều, PrimeData được thành lập với tham vọng sẽ phát triển ở Việt Nam và đi ra nước ngoài. Tuy nhiên, do đây là một nền tảng rất mới, thuộc dạng đầu tiên ở Việt Nam nên trong 2 năm qua, PrimeData chủ yếu mới chỉ ở dạng ứng dụng thử nghiệm và đại đa số các DN chưa biết cách sử dụng nó. Trong quá trình phát triển đúng vào thời điểm COVID-19 bùng nổ nên dù sẽ khiến mọi người tập trung làm việc hơn nhưng lại làm cho kế hoạch xây dựng sản phẩm bị dài hơn. 

Primedata: Nền tảng giúp giải bài toán tăng trưởng của DN thông qua

Nếu như ngày xưa, khi xây dựng nền tảng social listening thì nhóm phát triển chỉ mất khoảng 4 tháng là đã có thể ra phiên bản đầu tiên để thử nghiệm với khách hàng, khoảng từ 2 - 3 tháng để cải tiến sản phẩm và đưa ra thị trường. Nhưng với PrimeData thì công ty bị kéo dài hơn khoảng 50% so với kế hoạch, chưa kể các bản thử nghiệm cũng gặp khó khăn trong việc đưa các doanh nghiệp dùng thử sản phẩm.

Một khó khăn khác là trong quá trình khi đưa sản phẩm ra ngoài thị trường, DN khách hàng thường gặp khăn về mặt chi phí nên việc đầu tư dành cho dài hạn gặp rất nhiều thách thức. Bởi vì, với DN, chỉ khi nào họ ổn định về quy mô/doanh thu, có chi phí đủ lớn thì mới tiếp tục đầu tư hoặc muốn khi đầu tư phải có được ngay “đầu ra”.

Mặc dù vậy, PrimeData cũng gặp những thuận lợi nhất định về tư duy thị trường, khi một số doanh nghiệp có nghe và hiểu về giá trị của dữ liệu, dù chưa nhiều. Chưa kể đến, sau dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra vấn đề của việc chậm ứng dụng công nghệ nên lãnh đạo đã thay đổi tư duy trong việc đầu tư.

Khi được hỏi về những khó khăn khi thuyết phục khách hàng, vì dữ liệu thường là vấn đề nhạy cảm của DN, ông Triều cho rằng, rào cản chủ yếu đến từ quy định của một số lĩnh vực đặc thù như tài chính ngân hàng. Còn đối với các DN khác, PrimeData đã có những giải pháp phù hợp. Cụ thể, nền tảng này cho phép các DN sử dụng dữ liệu của chính họ cũng như tích hợp giải pháp lên trên các kênh hoạt động đơn vị mình như tiếp thị bán hàng, marketing... PrimeData sẽ lấy dữ liệu được sinh ra trên các kênh đó và xử lý, giúp nó trở nên có ý nghĩa hơn với hoạt động của DN.

PrimeData có 2 phiên bản, bao gồm một phiên bản trên đám mây (cloud) và phiên bản “on- premise” cho phép khách hàng đặt Nền tảng dữ liệu khách hàng bên trong hệ thống IT của doanh nghiệp, để đảm bảo dữ liệu hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của đơn vị đó. “Mặc dù xu hướng hiện nay là cloud nhưng điều này cần phải có lộ trình từng bước, nhất là với dữ liệu. Do đó, trước khi sử dụng phiên bản cloud, khách hàng của PrimeData có thể sử dụng phiên bản “on-premise” trong 2 - 3 năm đầu tiên”, ông Triều nói.

Về các quy định hiện nay đối với việc phát triển dữ liệu nói chung và nền tảng dữ liệu khách hàng, theo ông Triều, PrimeData không gặp phải rào cản nào nhưng cũng không có bất kỳ chính sách hỗ trợ nào. Nếu được, cơ quan quản lý cần có các hoạt động để DN biết được các giá trị của dữ liệu cũng như cởi bỏ các rào cản về dữ liệu xuyên biên giới, thúc đẩy lĩnh vực cloud. “Các quy định hiện nay còn khá chung chung và chưa có nhiều yếu tố ủng hộ, thúc đẩy dữ liệu ở Việt Nam phát triển”, ông Triều khẳng định.

Cụ thể, ông Triều cho rằng, các DN ĐMST là những đơn vị mang lại sự “cách tân” cho nền kinh tế nên cần được chú trọng, quan tâm hơn. Nhưng khó khăn nhất của các DNĐMST là độ hiểu biết của họ về khách hàng chưa đủ. Vì vậy, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh, thúc đẩy các giải pháp để DN nhận ra giá trị của dữ liệu để qua đó giúp họ hiểu hơn về khách hàng của mình.

Còn đối với các DN, việc sử dụng những nền tảng dữ liệu khách hàng không phức tạp và chi phí cũng không cao, nhất là khi so với lợi ích mà nó đem lại như giúp tiết kiệm nhân lực, rút ngắn thời gian trong việc ra quyết định... Trên thế giới, nếu các DN dành khoảng khoảng từ 20 - 30% cho các giải pháp liên quan đến công nghệ trong chi phí marketing, thì mức giá để sử dụng các nền tảng dữ liệu khách hàng chỉ chiếm khoảng 2 - 3%. 

Primedata: Nền tảng giúp giải bài toán tăng trưởng của DN thông qua

Cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý để quảng bá các sản phẩm Make in Viet Nam Khác với các nền tảng trước đây, PrimeData được xây dựng với tư duy “go global” - tấn công thị trường nước ngoài ngay từ ban đầu nên mô hình kinh doanh, nền tảng công nghệ, chăm sóc khách hàng... đều được xây dựng phù hợp với mục tiêu này. “Để “go global” thì công ty phải có mô hình phù hợp, chứ không nhất thiết là công ty to thì mới nghĩ đến việc ra thị trường nước ngoài, vì sản phẩm không phù hợp thì cũng không thể thành công được”, ông Triều nói. Đánh giá về thị trường các nước Đông Nam Á, theo ông Triều, Thái Lan và Indonesia là những thị trường tương tự Việt Nam và rất nhiều tiềm năng nhưng khó khăn nhất là Indonesia, vì nhiều đối thủ nhưng nhờ đó mà PrimeData sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm để phát triển. Đổi lại, do có sự khác biệt về văn hóa và thị trường khá chật chội nên đòi hỏi kỹ năng của đội ngũ nhân sự phải thực sự tốt.

Khi được hỏi về việc so sánh giữa các giải pháp Make in Viet Nam với các nền tảng của nước ngoài, ông Triều cho rằng, các sản phẩm nói chung về CDP thì các nước như ở Thái Lan cũng có mức độ trưởng thành giống với Việt Nam. Do đó, có thể nói, chất lượng các giải pháp của startup Việt không thua kém, chỉ khác nhau ở tư duy vận hành khi đưa sản phẩm ra ngoài thị trường, nhất là các thị trường nước ngoài. Chưa kể, một số sản phẩm Việt được xây dựng quá đặc thù với văn hóa Việt Nam, dẫn đến việc gặp khó khi ra các nước trong khu vực.

Về các quy định hỗ trợ cho các sản phẩm Made in Vietnam cũng như startup hiện nay, theo ông Triều, hệ sinh thái của Việt Nam có thể nói chưa thực sự tốt, đầu tiên là những hỗ trợ về nguồn lực, công nghệ. Khi mà ngay cả thị trường nội, các DN Việt cũng gặp nhiều khó khăn khi các công ty công nghệ lớn thế giới dễ dàng chiếm được thị phần, thu hút người dùng hơn so với các sản phẩm trong nước.

Thiếu hụt hỗ trợ tiếp theo là việc đào tạo cho đội ngũ sáng lập startup, để mở rộng tầm nhìn như các chương trình phối hợp với các nước có nền công nghệ phát triển để tìm hiểu mô hình kinh doanh, nhu cầu của thế giới. Tuy nhiên, đa phần đội ngũ sáng lập phải tự tìm hiểu, tự mày mò mô hình kinh doanh phù hợp thay vì được hỗ trợ của cơ quan quản lý.

Cuối cùng, Việt Nam có rất nhiều giải thưởng nhưng lại thiếu hụt những kênh quảng bá cho DN startup để có được khách hàng tiềm năng. DN hầu hết phải tự thân vận động. Các nước như Singapore, Thái Lan, họ có được các hiệp hội để giúp quảng bá, tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ startup rất tốt, cũng như có được sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý để tổ chức các sự kiện lớn. Từ đó, startup có thể lắng nghe ý tưởng, hợp tác với các doanh nghiệp lớn, bởi vì công ty khởi nghiệp rất cần được thử nghiệm, có khách hàng để cải tiến sản phẩm của mình.

Qua đó, ông Triều khẳng định, quan trọng nhất vẫn là tầm nhìn và đội ngũ. Nguồn lực DN có thể tự thân vận động được. Nhưng tầm nhìn để phát triển thị trường, hay thậm chí đi ra thị trường nước ngoài thì rất cần sự hỗ trợ, từ đào tạo, xây dựng chiến lược, kỹ năng... cho đến xây dựng các sàn giới thiệu sản phẩm của startup cho DN tiềm năng./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2022)

Thế Phương