Đổi mới tư duy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 16:11, 22/12/2022
Với việc cho phép mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, 1 trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến dịch COVID -19. Năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3,5/5 triệu lượt khách quốc tế, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2022. Trong khi đó khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt xa so với các năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019. Các doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường, mở thêm nhiều dịch vụ, kế hoạch kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của du khách. 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường với công suất phòng ngày cuối tuần đạt trung bình trên 55%. Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới.
Du lịch nội địa hồi phục mạnh mẽ, vượt kế hoạch đặt ra nhưng du lịch quốc tế vẫn có nhiều điểm nghẽn. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do thời điểm Việt Nam mở cửa du lịch vào thời gian chưa phải mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế; Một số thị trường truyền thống của Việt Nam tại Đông Bắc Á còn chưa mở cửa và khá dè dặt; Khách du lịch châu Âu còn hạn chế do có xu hướng chọn điểm đến gần thay vì tới thị trường xa như Đông Nam Á sau 2 năm dịch COVID-19. Bên cạnh đó, chính sách thị thực của Việt Nam còn một số rào cản. Tại thời điểm mở cửa, Việt Nam miễn visa cho 24 quốc gia với thời gian là 15 ngày, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, qua đó làm giảm năng lực cạnh tranh. Nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả, đến nay vẫn chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch; Chưa triển khai được việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng việc Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch COVID-19 là chủ trương hết sức đúng đắn. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế xanh, phát triển bền vững. Việt Nam là đất nước đặt trưng, có nền văn hoá đặc sắc, có nhiều di sản; Trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh thì du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, tháo gỡ các vướng mắc để thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và bàn giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch bền vững trong tương lai.
Hội nghị cũng tập trung thảo luận nội dung quan trọng liên quan đến chuyển đổi số trong du lịch như: Số hóa các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể; Nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông phục vụ khách du lịch; Áp dụng sản phẩm đánh giá, nhận diện khuôn mặt đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường khách quốc tế tiềm năng của Việt Nam; Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn kết với phát triển du lịch; xem xét áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường, kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày; Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đáp ứng xu hướng mới của khách du lịch hậu COVID-19; Tăng cường công tác quản lý người nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam; Tiếp tục nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên phục vụ tại các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ...
Đối với du lịch trên địa bàn tỉnh, trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2019, Lào Cai đã đạt mốc đón 5,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 806 nghìn lượt. Tổng thu từ các hoạt động du lịch đạt trên 22.800 tỷ đồng, đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh. Ước năm 2022 tổng lượng khách đến Lào Cai đạt khoảng 4,5 triệu lượt; Trong đó khách quốc tế đạt khoảng 108 nghìn lượt. Năm 2023 Lào Cai đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách, trong đó 350.000 lượt khách quốc tế.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ khó khăn với ngành du lịch và các chủ thể có liên quan trên cả nước đã chịu ảnh hưởng, tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua. Đồng chí nhấn mạnh cần có sự đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch; Thực hiện cơ cấu, cấu trúc lại ngành du lịch một cách toàn diện,bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong xây dựng, phát triển du lịch Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng; Có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Chúng ta cần định vị thương hiệu du lịch quốc gia để thu hút khách quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc tế thông qua việc xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc; Phát triển các dịch vụ du lịch; Đào tạo nhân lực... Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp; Có cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để phát triển du lịch trong thời gian tới. Đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch; Phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh; Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế, gắn với văn hóa, thể thao. Chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch./.