Những sáng chế hay của học sinh, sinh viên Singapore dành cho người khuyết tật

Quốc tế - Ngày đăng : 08:58, 05/10/2022

Tại sự kiện Tech For Good diễn ra mới đây, nhiều giải pháp công nghệ hay đã được các em học sinh, sinh viên Singapore đưa ra nhằm hỗ trợ người khuyết tật trong cuộc sống.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, người khuyết tật ngày càng nhận được nhiều hỗ trợ để cuộc sống dễ dàng hơn. Công nghệ giúp cho người khuyết tật có cuộc sống khỏe mạnh, không bị lệ thuộc vào người khác, và tham gia các hoạt động giáo dục, tham gia thị trường lao động và hoạt động xã hội. 

Công nghệ hỗ trợ làm giảm nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc dài hạn và giảm công việc của những người chăm sóc. Nếu không có công nghệ hỗ trợ, người khuyết tật thường bị cô lập, cảm giác bị loại trừ khỏi các hoạt động của xã hội, do đó làm tăng tác động lên gánh nặng bệnh tật và tàn tật không chỉ đối với họ mà cả gia đình và xã hội.

Tech For Good là ngày hội đổi mới sáng tạo hàng năm do Engineering Good tổ chức tại Singapore nhằm tôn vinh những ứng dụng công nghệ hỗ trợ người khuyết tật có thêm nhiều cơ hội mới trong cuộc sống.

Được tổ chức tại Thư viện quốc gia Singapore, cuộc thi Tech For Good lần thứ tư đã trưng bày một số sáng chế đoạt giải từ 30 bài dự thi của các em học sinh, sinh viên từ 15 - 25 tuổi.

Mã nguồn cho những sáng chế công nghệ này có sẵn miễn phí tại GitHub, một nền tảng phát triển phần mềm trực tuyến, nhằm thúc đẩy sự hợp tác, cho phép nhiều người phát triển ý tưởng và sản phẩm để giúp đỡ những người khác. Dưới đây là 3 sáng chế nổi bật và giành được giải thưởng tại cuộc thi

Hộp chứa ống tiêm lấy cảm hứng từ chữ nổi Braille

Sinh viên phân tích và trí tuệ nhân tạo (AI), Cody Tan, 20 tuổi, cho biết việc xác định lượng thuốc chính xác thường là một thách thức lớn đối với những người khuyết tật thị giác.

Trong quá trình nghiên cứu của mình, Cody Tan đã gặp gỡ và trao đổi với một người lớn tuổi có thị lực kém, người này cho biết ông ấy thường phải vật lộn để xác định lượng thuốc cần thiết cho chú chó của mình uống mỗi khi nó ốm.

Những sáng chế hay của học sinh, sinh viên Singapore dành cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Nguyên mẫu của hộp chứa ống tiêm in 3D mà nhóm đến từ trường Bách khoa Singapore đã thiết kế.

Đội của Cody Tan đến từ trường Bách khoa Singapore đã thiết kế một hộp chứa ống tiêm in 3D với các đường dập nổi, dày với số đo đến từng mililit để những người khuyết tật thị giác có thể định lượng bằng ngón tay khi họ hút chất lỏng.

Được lắp trên một ống tiêm tiêu chuẩn, hộp chứa hướng dẫn người dùng hút lượng chất lỏng chính xác thông qua chạm, cảm nhận những đường nét dày giống như cách thức sử dụng của chữ nổi Braille.

Cody Tan cho biết sản phẩm cũng có thể giúp ích cho những người có nhu cầu hút chất lỏng ở những nơi tối tăm hoặc góc hẹp nơi tầm nhìn của họ về ống tiêm bị che khuất.

Thành viên của nhóm Faith De Vera, 20 tuổi, cho biết nhóm hy vọng sẽ cải tiến sản phẩm và phát triển các kích cỡ mới để phù hợp với bút tiêm insulin trị tiểu đường hoặc các ống tiêm thông dụng khác.

"Mã cho sản phẩm của chúng tôi là mã nguồn mở. Những người khác có thể sử dụng để thiết kế những sản phẩm tốt hơn", Faith De Vera cho biết.

Cánh tay máy ảnh robot

Những người bị chứng loạn dưỡng cơ, một căn bệnh gây yếu cơ tiến triển, cuối cùng dẫn đến teo cơ, thường cần trợ giúp để cầm thiết bị di động của mình để thực hiện các cuộc gọi video hoặc chụp ảnh.

Theo Alencia Tan, sinh viên thiết kế và chế tạo cơ khí 22 tuổi, một thành viên của nhóm đến từ Viện Công nghệ Singapore, chụp ảnh có thể là một thách thức đối với những người này vì họ sẽ phải cầm điện thoại di động của mình trong một thời gian tương đối dài.

"Một số em rất đam mê nhiếp ảnh nhưng sau một thời gian mắc bệnh họ phải từ bỏ. Đó là một thách thức đối với họ và chúng tôi muốn giúp những người này chụp ảnh một cách độc lập", Tan cho biết.

Những sáng chế hay của học sinh, sinh viên Singapore dành cho người khuyết tật - Ảnh 2.

Nhóm sáng chế cánh tay máy ảnh robot

Một cánh tay robot do nhóm thiết kế giúp những người mắc chứng loạn dưỡng cơ tự chụp ảnh một cách độc lập. Cánh tay có thể được lắp vào xe lăn để giữ thiết bị di động của người dùng và được kết nối với một ứng dụng cho phép tự động căn chỉnh hình ảnh được chụp.

Công nghệ theo dõi mắt sử dụng camera của điện thoại cho phép người dùng ứng dụng hướng dẫn cánh tay robot chụp ảnh bằng cách chớp mắt mà không yêu cầu người dùng phải chạm vào điện thoại.

Bộ lọc thư rác

Một ứng dụng khác được phát triển bởi một nhóm học sinh trung học từ Trường Khoa học và Công nghệ Singapore, nhằm lọc ngôn ngữ xấu và tin nhắn rác để giúp những người có vấn đề về trí tuệ dễ dàng giao tiếp với xã hội hơn.

Ứng dụng, được gọi là Friendly, tạm thời cấm người dùng gửi tin nhắn khi phát hiện thấy tin nhắn rác.

Những sáng chế hay của học sinh, sinh viên Singapore dành cho người khuyết tật - Ảnh 3.

Kiran Lim, 15 tuổi, thành viên nhóm cho biết kết quả phỏng vấn các nhân viên xã hội của nhóm cho thấy gửi tin nhắn rác trong cuộc trò chuyện là phản ứng phổ biến ở những người có vấn đề về trí tuệ, đặc biệt là khi họ không nhận được câu trả lời ngay lập tức.

Theo Kiran Lim, bộ lọc này sẽ "khuyến khích các kỹ năng xã hội tốt và tạo ra một không gian an toàn để học hỏi" và thời gian chờ có thể dạy cho người dùng tính kiên nhẫn và "chống lại sự thôi thúc gửi thư rác, nhắc nhở họ rằng gửi thư rác không làm tăng khả năng tiếp cận những người khác".

Bộ lọc còn cung cấp cho người dùng lời nhắc giao tiếp xã hội nhẹ nhàng khi phát hiện các tin nhắn vô nghĩa hoặc lặp lại có thể xúc phạm người nhận. Người dùng được yêu cầu xác nhận lời nhắn để giao tiếp tử tế trước khi các hạn chế hay cấm được dỡ bỏ./.

Ngọc Diệp