Phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn huyện Kim Sơn
Xã hội số - Ngày đăng : 10:37, 07/10/2022
Trên địa bàn huyện hiện có trên 300 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó có 5 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức Đảng, 20 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn và 7 doanh nghiệp có tổ chức Đoàn thanh niên. Trong 2 năm 2020 và 2021, mặc dù bị tác động lớn bởi đại dịch COVID-19, nhưng tổng số vốn đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện Kim Sơn vẫn đạt trên 2 nghìn tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước một phần không nhỏ đồng thời giải quyết việc làm và thu nhập cho trên 27 nghìn lao động địa phương.
Cùng với xu thế chung của đất nước cũng như từng địa phương trong chuyển đổi số, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng kinh tế, phát triển quê hương, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đang từng bước thay đổi để xây dựng những doanh nghiệp số như ứng dụng sản phẩm thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư vào sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cấp lãnh đạo có thể hoàn toàn chủ động trong việc theo dõi các báo cáo, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, hiệu suất làm việc của nhân viên bất cứ lúc nào nhờ hệ thống theo dõi và báo cáo tự động. Nhờ đó, tất cả thông tin và số liệu về công việc đều được thể hiện rõ ràng, minh bạch, chính xác và nhanh chóng. Những số liệu này giúp ích cho người đứng đầu doanh nghiệp rất nhiều trong quá trình ra quyết định và hoạch định chiến lược quản trị.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp giúp cải thiện và nâng cao năng suất làm việc của nhân viên nhờ giảm thiểu được những công việc thủ công, tốn nhiều thời gian. Nhờ vậy, nhân sự của doanh nghiệp có thể tập trung nhiều hơn vào chuyên môn và tăng hiệu quả công việc.Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể vận hành mọi lúc, mọi nơi. Nếu như trước đây, nhân viên khó có thể làm việc tại nhà hay xử lý những việc phát sinh ngoài giờ do không có tài liệu, máy móc tại chỗ. Hiện nay, người lao động đã có thể làm việc tại nhà với chỉ một chiếc máy tính hoặc điện thoại, nhờ đó, nhân sự doanh nghiệp có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số có được những kết quả nhất định, thay đổi căn bản những thói quen vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp thì cần có sự hỗ trợ của địa phương cũng như các cấp chính quyền. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính quyền huyện Kim Sơn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới chuyên gia, các nhà tư vấn, các nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số.
Bước đầu tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức về phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế - xã hội; Tích cực sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh và của Việt Nam trong hoạt động của cơ quan, tổ chức. Tổ chức truyền thông rộng rãi về tầm quan trọng của chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực KTXH của huyện, trong đó các lĩnh vực ưu tiên như: Y tế, Giáo dục, Văn hóa -Thể thao, Du lịch, Giao thông, Nông nghiệp, Tài nguyên -Môi trường, Tài chính... ; Giúp quảng bá Kim Sơn là thị trường tiềm năng, là môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài tỉnh đầu tư vào Kim Sơn.
Đồng thời, tuyên truyền về việc đảm bảo an toàn an ninh trong hoạt động của doanh nghiệp trên không gian mạng. Triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về thủ tục tiếp cận, gia nhập thị trường. Hỗ trợ trong việc tạo ra các môi trường thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới ứng dụng công nghệ số tại Kim Sơn
Mục tiêu đến năm 2025, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn huyện chuyển dịch sản xuất kinh doanh từ bị động về công nghệ số sang tiếp cận, ứng dụng các sản phẩm công nghệ số. Tăng cường ứng dụng công nghệ số và hoạt động trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký mới trong lĩnh vực công nghệ cung cấp các giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển KTXH đảm bảo đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, tư vấn về chuyển đổi số sẽ thực hiện chuyển đổi số thành công theo kế hoạch đặt ra của mỗi doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn.
Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong huyện về phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Cụ thể như, cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các phát kiến đổi mới trong điều kiện thị trường thực tế của huyện. Hỗ trợ các giải pháp tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số trong xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án về Chính quyền điện tử/Chính quyền số, chuyển đổi số, giáo dục thông minh, y tế thông minh, dịch vụ đô thị thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh...
Phối hợp tổ chức Diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại huyện, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài tỉnh tham gia nhằm mục đích xúc tiến doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào Kim Sơn; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số; Hỗ trợ tư vấn về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi của doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số tham gia Chương trình để chuyển đổi số; Khảo sát, thu thập các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số và các nền tảng số phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp; Thu hút nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mạng lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, chính vì vậy mỗi doanh nghiệp trên địa bàn huyện cần tập trung tiếp cận và hòa mình vào quá trình chuyển đổi số, vì lợi ích doanh nghiệp cũng như sự phát triển của quê hương./.