Những lợi ích của công nghệ mạng 6G
Xã hội số - Ngày đăng : 14:27, 15/05/2022
Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-BTTTT về việc thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển CNTT di động 6G. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, ứng dụng, an toàn thông tin, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G tại Việt Nam.
Các nghiên cứu của Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển CNTT di động 6G còn đóng góp vào hoạt động của các tổ chức quốc tế trong hoạt động nghiên cứu, phát triển tiêu chuẩn công nghệ thông tin di động 6G trên cơ sở hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất thiết bị và triển khai thương mại dịch vụ thông tin di động 6G của doanh nghiệp Việt Nam.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G của các tổ chức quốc tế, các quốc gia tiên tiến trên thế giới; Kết hợp nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của thị trường viễn thông trong nước và quốc tế. Dựa trên cơ sở đó, sẽ đề ra lộ trình nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thiết bị 6G, lộ trình thử nghiệm và thương mại hóa dịch vụ 6G; Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ 6G.
Công nghệ mạng 6G có thể biến các mạng di động ở các quốc gia trở thành một mạng di động duy nhất trên toàn thế giới, như cách chúng ta đã từng ứng dụng các mạng di động trước đây. Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Everthings (IoE) sẽ được tích hợp vào hệ thống mạng 6G. Tất cả các thành phần mạng như các thiết bị vật lý, xử lý tín hiệu, quản lý tài nguyên, dịch vụ kết nối... sẽ được hợp nhất và quản lý sử dụng AI.
Công nghệ mạng 6G sẽ có thay đổi đột phá về mặt kiến trúc với thành phần như: Tích hợp mạng vệ tinh, cho phép mạng 6G có khả năng di động toàn cầu; Chuyển đổi và nâng cấp kết nối thông thường thành kết nối thông minh; Tích hợp truyền thông tin và năng lượng, không chỉ cho phép truyền thông tin mà còn truyền năng lượng không dây nhằm sạc pin cho các thiết bị.
Ứng dụng của mạng 6G hướng đến một xã hội siêu thông minh bao gồm: Công nghệ thực tại ảo mở rộng (Là bước tiếp theo của thực tại ảo, thực tại ảo tăng cường, thực tại ảo hỗn hợp) cũng cần đến mạng 6G; Việc các đối tượng được mô phỏng 3D và điều khiển bằng AI, trải nghiệm người dùng sẽ được hỗ trợ bởi cả 5 giác quan nghe, nhìn, khứu giác, vị giác, xúc giác thông qua các cảm biến. Với băng thông tốc độ và ổn định cao, độ trễ thấp, mạng 6G sẽ đảm bảo chất lượng trải nghiệm của người dùng.
Các đặc tính truyền thông không dây của mạng 6G cho phép thiết lập công nghệ của tương lai là hệ thống giao diện bộ não và máy tính (BCI) trong cuộc sống hàng ngày. BCI sẽ thu nhận các tín hiệu từ bộ não và chuyển đến các thiết bị số, phân tích và diễn dịch tín hiệu thành các lệnh điều khiển thiết bị. Cụ thể, đó là băng thông tốc độ cao, độ phủ khắp nơi và thông minh hơn.
Trong khi tốc độ mạng 5G đạt tới 20 Gbps thì mạng 6G hướng tới tốc độ Tegabit (Tbps), nhanh hơn cỡ vài trăm đến vài nghìn lần mạng 5G. Tuy nhiên, mục tiêu của mạng 6G không chỉ ở tốc độ, mà còn nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại của mạng 5G và hướng tới giải quyết các yêu cầu của tương lai.
Mục tiêu của mạng 5G là gắn kết tất cả các lĩnh vực KTXH, nhằm xây dựng hệ sinh thái thông tin mà trung tâm là người dùng. Nhưng do hạn chế về công nghệ, mạng 5G vẫn còn nhiều giới hạn về truyền thông như độ cao, độ sâu, độ rộng. Mặc dù được coi là mạng của Internet vạn vật (IoT) nhưng mạng 5G vẫn còn khoảng cách khá xa để đạt được tính phổ quát khắp nơi (ubiquitous). Về không gian truyền thông, mạng 5G hạn chế truyền thông trong độ cao cỡ vài nghìn mét so với mặt đất và ở độ sâu dưới mặt đất, mặt biển.
Mục tiêu của mạng 6G là giải quyết các hạn chế của mạng 5G, hướng tới khả năng kết nối không gian, khí quyển, mặt đất, dưới biển. Bốn định hướng chính về kết nối đang được nghiên cứu là: Kết nối thông minh (Intelligent Connectivity), kết nối sâu (Deep Connectivity), kết nối không đồng nhất (Holographic Connectivity) và kết nối khắp nơi (Ubiquitous Connectivity).
Hiện nay, có khá nhiều công nghệ tiềm năng, kể cả các công nghệ của tương lai được xem xét đưa vào mạng 6G như: Truyền thông không dây quang, truyền thông lượng tử, thiết bị bay không người lái, vệ tinh tầng thấp... các công nghệ AI phân tích dữ liệu lớn cũng được đưa vào hỗ trợ mạng 6G nhằm bảo đảm các mục tiêu về chất lượng mạng (QoS).
Lợi ích trong cuộc sống hàng ngày đó là tốc độ Terabit của 6G chắc chắn sẽ làm cho trải nghiệm giải trí trên các nền tảng Streaming (Truyền trực tuyến) được nhanh hơn hay các cuộc gọi Facetime sẽ không còn giật, lag, phạm vi phủ sóng rộng và nhiều thiết bị, vật dụng được kết nối với nhau hơn có thể sẽ thay đổi cách chúng ta tương tác với công nghệ.
Thay vì các cuộc gọi Zoom phục vụ cho việc học tập, họp trực tuyến, mạng 6G sẽ cho phép người dùng có thể nói chuyện với những người khác trong cuộc gọi theo thời gian thực thông qua công nghệ VR. Người dùng có thể sẽ sử dụng các thiết bị đeo có cảm biến đặc biệt để có cảm giác thực tế hơn như đang ở trong cùng một phòng với nhau.
Mạng 6G còn cho phép IoT mở rộng hơn và trở nên tiên tiến hơn, cung cấp nhiều dữ liệu và nhiều khả năng hơn. AI xử lý với tốc độ theo thời gian thực có thể biến đổi robot, trong khi đó việc mở rộng phạm vi phủ sóng 6G tới các vùng biển và bầu trời có thể ứng dụng vào những lĩnh vực như hàng hải, hàng không hay thậm chí cả trong vũ trụ. Và cũng vì 6G tiết kiệm năng lượng hơn so với 5G, chúng ta có thể cho các thiết bị IoT có mức năng lượng thấp được sạc qua mạng chẳng hạn.
Một công dụng thú vị của mạng 6G đó là "3D Hologram Displays" (Màn hình trình chiếu ảnh nổi 3 chiều) theo một đề xuất của Samsung. Để thực hiện được, điều kiện cần thiết là tốc độ dữ liệu mạng 580Gbps trên các thiết bị cầm tay và "vài Tbps" cho một hình ảnh ba chiều có kích thước bằng con người. Nhà mạng SK Telecom của Hàn Quốc đã từng trình bày ý tưởng này.
Còn rất nhiều lĩnh vực khác mà mạng 6G có thể phát huy khả năng. Tuy nhiên, với đa phần người dùng phổ thông tại Việt Nam hiện nay, việc được sử dụng một loại mạng có thể đảm bảo tính ổn định cũng như nhanh chóng khi kết nối Internet đã là quá đủ./.