Chuyển đổi số là yêu cầu của thời đại

Xã hội số - Ngày đăng : 10:31, 26/03/2022

Công nghệ thông tin đã và đang đem lại cách tiếp cận, làm việc mới, nhanh gọn, hiệu quả cho con người.

Khoảng cách không gian được thu hẹp, giao dịch thuận lợi, minh bạch hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, vai trò của công nghệ thông tin, công nghệ số càng được khẳng định rõ nét. Với các nền tảng mạng xã hội, thông tin công khai, đa chiều, dễ tiếp cận, nếu có khả năng phân tích, người dân có cái nhìn khách quan, chính xác về nhiều vấn đề trên thế giới. Đại dịch cũng khiến người dân tích cực, chủ động hơn trong việc tiếp cận, sử dụng các ứng dụng khoa học, đặc biệt là công nghệ thông tin nhằm phục vụ đời sống hằng ngày.

Chuyển đổi số là yêu cầu của thời đại - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, phải đưa toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên mức độ 4 và lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá kết quả chuyển đổi số.

Dù chỉ ở mức độ đơn giản, nhưng sự kết nối cộng đồng thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo... đã tạo hiệu ứng và hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là trong kết nối, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ nhau trong thời gian giãn cách, phong tỏa. Lực lượng y tế, đặc biệt là trên tuyến đầu, cũng tích cực sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin, kinh nghiệm xử lý ca bệnh, những tình huống mới phát sinh để chống dịch hiệu quả. Đặc biệt, chính quyền cơ sở và các tổ chức xã hội, đoàn thể tại nhiều phường, xã, quận, huyện cũng lập các tài khoản mạng xã hội để cung cấp thông tin chính thức kịp thời tới người dân cũng như các hội, nhóm thiện nguyện. Tất cả tạo nên sự liên kết hữu hiệu, tương tác, phản hồi kịp thời để cộng đồng cùng nhau vượt qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Không chỉ cung cấp thông tin, phản hồi kịp thời, mà thông tin có tính định hướng, có sức thuyết phục còn khiến tin giả, tin xấu, tin độc mất đi "đất diễn".

Hệ thống chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nước ta đang có sự phát triển vượt bậc. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến nay cổng dịch vụ công đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố; Hàng chục triệu hồ sơ được xử lý, tiết kiệm ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.

Năm 2020, thứ hạng phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 2 bậc lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6, khiến lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển chưa thực sự bứt phá. Dịch bùng phát, dưới sự chỉ đạo vào cuộc của các cơ quan chức năng, những phần mềm như Bluezone, Ncovi, Khai báo y tế, Sổ sức khỏe điện tử... đã nhanh chóng xuất hiện, được người dân hưởng ứng, cài đặt sử dụng.

Những kết quả đạt được rõ ràng là rất đáng khích lệ, nhưng so với thế giới, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong chuyển đổi số. Việt Nam cần nhanh chóng tìm ra giải pháp nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong nhận thức và hành động. Không bắt kịp xu thế của thế giới sẽ làm giảm đi sức hấp dẫn, cạnh tranh, nếu không muốn nói còn gây cản trở cho du khách và nhà đầu tư quốc tế.

Tại Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử năm 2021, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả chính phủ điện tử để tăng sức cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, cần tập trung vào những lĩnh vực nhiều tiềm năng, như đô thị thông minh, thương mại điện tử. Được biết, hiện có 38/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai đề án Đô thị thông minh. Việt Nam cũng đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G; Khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao. Thương mại điện tử năm 2020 của nước ta cũng tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và đạt quy mô 52 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Việt Nam đã ban hành văn bản chiến lược ở tầm quốc gia về phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số. Đây là kim chỉ nam xuyên suốt cho tất cả các hành động của Việt Nam trong thập niên tới - thập niên được Liên hợp quốc đánh giá là hành động theo mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số Việt Nam gắn liền với việc phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Để làm được điều đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, phải đưa toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên mức độ 4 và lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá kết quả chuyển đổi số./.

PV