Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW

Tin tức - Ngày đăng : 14:13, 28/08/2022

Ngày 27/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tại Lào Cai. Đây là hội nghị "ba trong một", được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Ngày 10/2/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW, với mục tiêu phát triển Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; Quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; Khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị cũng đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-9%/năm. Quy mô nền  kinh tế đến năm 2030 gấp 2,5-3 lần so với năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 12-13%; công nghiệp – xây dựng khoảng 45-46%, dịch vụ khoảng 37-38%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ đã đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm: Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW; Hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng; Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời đề ra 17 nhiệm vụ cụ thể, 33 dự án liên vùng, kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện với lộ trình thời gian cụ thể.

Đại diện lãnh đạo 5 bộ, ban, ngành trung ương và 3 tỉnh đã tham luận tại Hội nghị. Trong đó tập trung vào các nội dung chính như: Các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, an ninh trật tự góp phần ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Tư duy mới về phát triển nông nghiệp bền vững vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Vai trò của giao thông trong tạo động lực tăngtrưởng mới cho phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc; Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của vùng trung du và miền núi phía Bắc; Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng trung du và miền núi phía Bắc; Một số giải pháp tạo động lực phát triển vùng, nhiệm vụ của tỉnh Lào Cai trong triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nhiệm vụ và giải pháp phát triển tỉnh Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ vùng trung du và miền núi phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Một số đề xuất về cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Đại diện các đối tác nước ngoài, nhà tài trợ, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước tham luận về một số khuyến nghị về chính sách giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao mức sống tại vùng trung du và miền núi phía Bắc. Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng du lịch vùng trung du miền núi phía Bắc. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đồng hành cùng với sự phát triển khu vực trung du miền núi phía Bắc. Tiềm năng cơ hội vùng trung du miền núi phía Bắc và cơ hội hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Khai thác tiềm năng nguyên liệu vùng trung du miền núi Bắc Bộ trong phát triển năng lượng bền vững.

Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong đề xuất một số giải pháp tạo động lực phát triển vùng, nhiệm vụ của tỉnh Lào Cai triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị: Đổi mới tư duy về liên kết vùng; Cần xác định, nhận thức rõ bản chất, nội hàm của liên kết để xác định thứ tự, cụ thể hóa những nội dung ưu tiên thực hiện. Từ sự liên kết toàn diện nêu trên sẽ "biến thách thức thành cơ hội, tiềm năng thành tiềm lực, tiềm lực thành nguồn lực" cho Vùng phát triển kịp với vùng kinh tế động lực khác; cụ thể hoá Nghị quyết, Chương trình hành động cho vùng kinh tế đặc thù bằng cơ chế, chính sách đặc thù theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đó là "Những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm"; Đi đôi với tạo mới nguồn lực cần phát huy sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực hiện có, trọng tâm là sớm hình thành "Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung" của vùng gắn với chuyển đổi số. 

Để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Lào Cai đề xuất với Chính phủ quan tâm, chỉ đạo một số nội dung: Sớm triển khai xây dựng đề án phát triển một số cực tăng trưởng, trung tâm kết nối vùng theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW; Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, riêng biệt để tạo nguồn lực thúc đẩy liên kết - phát triển vùng và tạo sự bứt phá cho các địa phương.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh những vấn đề có tính chất nền tảng, lí luận của đảng để vận dụng sáng suốt vào thực tiễn. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trọng tâm vẫn là yếu tố con người, trí tuệ, phẩm chất năng lực của người Việt Nam. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Văn hóa, quốc phòng an ninh, hội nhập quốc tế là quan trọng.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19; Các địa phương vùng trung du và miền núi phía Bắc cần tích cực triển khai vùng quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùngtrung du và miền núi phía Bắc; Đẩy mạnh hợp tác công tư và giải ngân vốn đầu tư công; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giải hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; Khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương, quan tâm đến an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; Tập trung xây dựng các kế hoạch và đầu tư cơ sở vật chất nhằm đầu tư toàn diện cho giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Có chương trình, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng rằng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, vùng trung du và miền núi phía Bắc se có sự phát triển mạnh mẽ và đột phát. trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; Người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo thích ứng, an toàn trước thiên tai; Tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; Đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử, văn hóa dân tộc vùng cao, văn hóa bản địa đa dạng được duy trì và tôn tạo./.

PV