Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ
Tin tức - Ngày đăng : 16:07, 13/08/2022
Việc ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị phải được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TƯ nhằm xây dựng và phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 11-NQ/TƯ bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết; Là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng chương trình hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu cao nhất đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TƯ.
Chương trình hành động nhằm thể hiện được vai trò kiến tạo, chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá; Huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, mở rộng hợp tác quốc tế, đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du và miền núi phía Bắc với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Mục tiêu của Chương trình phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030
- Trong giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8,0 - 9,0%/năm; Đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (Giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12 - 13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 45 - 46%, dịch vụ chiếm 37 - 38%; GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm (Giá hiện hành); Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
- Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 65 - 70%; Có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; Tỉ lệ nghèo đa chiều giảm 2 - 3%/năm; Đạt 32 giường bệnh viện/vạn dân; 11 bác sĩ/vạn dân; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số.
- Tỉ lệ che phủ rừng đạt khoảng 54 - 55%. Tỉ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95 - 100%, tỉ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là 93 - 95%. Tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế đạt 90%; Chất thải rắn đô thị đạt 100%. 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.
Chương trình tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về: (I) Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ; (II) Hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng; (III) Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; (IV) Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; (V) Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Trong đó, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Chính phủ và các cấp chính quyền. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18 và 19-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, đặc biệt là hoàn thành kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phấn đấu các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ; Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; Xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong các cơ quan hành chính các cấp; Thực hiện tốt văn hóa, đạo đức công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân; Phát huy hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng ở các cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; Phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng; Sự cần cù và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong vùng; Xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân vùng giáp biên của nước ta với các nước./.