Nghị quyết 02/NQ-CP: Môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện tốt hơn
Tin tức - Ngày đăng : 08:23, 22/07/2022
Việc cải cách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tốt nhất trong môi trường kinh doanh có mức độ cạnh tranh cao, đồng thời tạo sân chơi tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài là một nhu cầu tất yếu. Sau khi triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP, vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được nâng lên đáng kể so với năm 2018: Năng lực cạnh tranh 4.0 đứng thứ 67/141 tăng 10 bậc; Chính phủ điện tử xếp thứ 86/165, tăng 2 bậc; Phát triển bền vững ở vị trí 51/165, tăng 37 bậc; An toàn an ninh mạng đạt thứ 25/194, tăng 25 bậc. Hơn 60% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh trong nước đã cải thiện tốt hơn, rõ rệt hơn ở cả 10 lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó việc thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng được đánh giá có cải thiện tốt nhất.
Việt Nam đã thăng hạng trong nhiều năm liên tiếp, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây hoạt động cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ở lại có dấu hiệu trùng xuống do đại dịch COVID-19. Một vài chỉ số đã cho thấy sự thiếu bền vững và thậm chí còn giảm đi, như chỉ số đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cùng giảm 2 bậc, quyền tài sản giảm 6 bậc. Tuy nhiên những con số trên chỉ mang tính tương đối và đã chịu tác động bởi những yếu tố khách quan, cần phải tiếp tục thực hiện đúng lộ trình để đạt được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên hai yếu tố quan trọng là cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ. Hoạt động cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra rất hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu nhìn qua góc độ phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chúng ta có lẽ còn những hạn chế nhất định.
Trên thế giới hiện nay có tới 1.336 thành phố thuộc 61 quốc gia cung cấp dịch vụ 5G, trong đó có 5 nước ASEAN đã thí điểm tại 5 địa điểm sân bay, khách sạn, trung tâm mua sắm, còn Việt Nam vẫn đang thử nghiệm trong phòng nghiên cứu của một số tập đoàn, tổng công ty viễn thông trong nước. Chính phủ cần phân bổ nguồn vốn phù hợp để dành cho phát triển ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, và nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói riêng trong lộ trình từ nay đến năm 2025.
Tiếp theo, liên quan đến cải cách hành chính, trong những năm gần đây, vai trò trung gian của các tổ chức đại diện doanh nghiệp là hết sức nổi bật. Các liên hiệp, hiệp hội như VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và một số hiệp hội khác đã phát huy rất tốt vai trò tổng hợp thông tin, phản ánh và phản biện những vấn đề khó khăn, vướng mắc, thậm chí là cả thuận lợi cần được phát huy từ doanh nghiệp tới Nhà nước. Để các hiệp hội thực hiện tốt nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thường xuyên tham vấn VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội khác trong quá trình thực hiện cải cách hành chính. Phương án tối ưu nhất là các hiệp hội có thể tham gia từ đầu.
Để thực sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thì điều thiết yếu, cơ bản là các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được thụ hưởng những chính sách và cơ hội phát triển như nhau. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi được tham gia vào các dự án đầu tư công thì sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh ở nhiều khâu, từ chuẩn bị tài chính, con người đến lập hồ sơ dự thầu và thi công, quyết toán. Khi Nhà nước trao cơ hội nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trải qua một thời gian họ sẽ trở thành các doanh nghiệp lớn. Nghị quyết 02/NQ-CP là hoạt động thường xuyên của Chính phủ, nhưng trong từng bối cảnh thì cách thức triển khai lại khác nhau. Đặc thù của năm 2022 - 2023 là phục hồi kinh tế và trong đó có những mục tiêu mang tính ngắn hạn và trung hạn. Việc triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP phải bám sát vào các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời phải phù hợp với bối cảnh thay đổi của tình hình thế giới, bao gồm cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội./.