Năng suất của nhà khoa học và năng suất khu vực dịch vụ công
Quản trị - Ngày đăng : 09:58, 14/11/2022
Bảng xếp hạng các nhà khoa học trên thế giới dựa vào năng suất công bố khoa học
Website Research.com - cổng thông tin điện tử uy tín hàng đầu dành cho các nhà khoa học trên thế giới, trong năm 2022 đã công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học.
Trong bảng xếp hạng này, vị trí của một nhà khoa học được đánh giá dựa trên chỉ số D - chỉ số đánh giá trên cơ sở các bài báo khoa học và giá trị trích dẫn trong một lĩnh vực cụ thể. Đợt này, Research.com đã xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa học có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới. Research.com phân chia thành 24 lĩnh vực để xếp hạng.
Có 10 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước được xếp hạng trong 6 lĩnh vực: Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Máy tính, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật liệu, Cơ khí và Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng.
Các nhà khoa học Việt Nam được xếp hạng đều làm việc tại các trường đại học, là trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn đầu khi có 4 nhà khoa học được thế giới xếp hạng trong 3 lĩnh vực: Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học môi trường, Khoa học máy tính.
Cụ thể như sau:
- Lĩnh vực Hóa học, có Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Phiiippe Derreumaux), Việt kiều Úc, Trường đại học Tôn Đức Thắng.
- Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, có Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và vật liệu composite. Ông đã công bố trên 300 công trình khoa học, trong đó có 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 ông lọt vào top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới.
- Lĩnh vực Khoa học Môi trường, Việt Nam có 2 người là Giáo sư Phạm Hùng Việt và Phó Giáo sư Từ Bình Minh đều thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Giáo sư Phạm Hùng Việt hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh. Ông có hơn 100 công trình, bài báo công bố, sở hữu nhiều bằng sáng chế.
Phó Giáo sư Từ Bình Minh là nhà khoa học trong lĩnh vực hóa học. Chỉ trong 2 năm 2019 và 2020, nhóm nghiên cứu của ông đã công bố trên 20 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín, nhiều tạp chí trong số đó thuộc TOP 5% theo lĩnh vực chuyên sâu. Hướng nghiên cứu chính của nhóm là tập trung vào xây dựng các phương pháp phân tích chính xác đạt đến lượng vết (trace), siêu vết (super trace level) các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và các hợp chất hữu cơ gây rối loại nội tiết (Endocrine disrupting chemicals) trên các thiết bị phân tích hiện đại.
- Lĩnh vực Khoa học Máy tính, có Phó Giáo sư Lê Hoàng Sơn, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Lĩnh vực Khoa học Vật liệu, có Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Trường đại học Phenikaa.
- Lĩnh vực Cơ khí và Kỹ thuật hàng không vũ trụ có 4 nhà khoa học Việt Nam, trong đó Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh có 2 người là Giáo sư Nguyễn Xuân Hùng và Phó Giáo sư Phùng Văn Phúc; Trường đại học Tôn Đức Thắng có hai người là Phó Giáo sư Nguyễn Thời Trung và Phó Giáo sư Thái Hoàng Chiến.
- Lĩnh vực Y học - Y học cộng đồng có Phó Giáo sư Trần Xuân Bách, Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 (năm 2016), Trường đại học Y Hà Nội. Ông có hơn 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế được đánh giá cao về khoa học sức khỏe toàn cầu.
Trước đó, tháng 10/2021, tạp chí PLoS Biology của Mỹ đã công bố kết quả xếp hạng 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021. Theo thứ tự bảng xếp hạng này, Giáo sư Nguyễn Đình Đức và Phó Giáo sư Lê Hoàng Sơn là 2 trong số 5 nhà khoa học Việt Nam vào nhóm 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Những con số thống kê trên cho thấy, lao động của các nhà khoa học cũng được đo đếm bằng những chỉ số cụ thể để phản ánh năng suất và chất lượng. Điều đặc biệt thú vị là năng suất của các nhà khoa học, hay nói rộng hơn là năng suất trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ không phải chỉ là năng suất đơn thuần biểu hiện ở các sản phẩm cụ thể họ tạo ra, mà sản phẩm ấy có khi làm thay đổi năng suất của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, và có thể là cả của nền kinh tế.
Năng suất khu vực dịch vụ công là làm tăng sự hài lòng của người dân
Cũng trong năm 2022, có một tin vui, TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Giám đốc APO (Tổ chức Năng suất châu Á) tại Việt Nam, đã vinh dự trở thành Chuyên gia năng suất trong lĩnh vực dịch vụ công được APO công nhận. Đây đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy năng suất khu vực công quốc gia, khi đây là lần đầu tiên Việt Nam có Chuyên gia năng suất quốc tế trong lĩnh vực này.
Chính phủ hoặc khu vực công tạo ra chính sách, cơ sở hạ tầng và môi trường cung cấp dịch vụ để khu vực tư nhân, xã hội dân sự, tổ chức phi chính phủ, công dân và các tổ chức quốc tế có thể trở thành động cơ tăng trưởng trong phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia. Vai trò của khu vực công là vô cùng quan trọng ở tất cả các nền kinh tế thành viên thuộc Tổ chức Năng suất châu Á (APO) vì những đóng góp trực tiếp và gián tiếp của khu vực này đối với GDP và trong việc phát triển kinh tế và tạo việc làm.
Tương tự, khu vực công cũng đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp an sinh xã hội và mạng lưới an toàn ở nhiều nền kinh tế thành viên APO. Rất nhiều các NPO đã được chính phủ của họ ủy quyền thực hiện các sáng kiến khác nhau nhằm nâng cao năng suất của khu vực công.
Nâng cao năng suất trong khu vực công có nghĩa là tạo ra các hoạt động hiệu quả và năng suất từ nguồn lực hạn chế của chính phủ. Nói chung, đó là việc đảm bảo giá trị đồng tiền của người nộp thuế vì các nguồn lực công phần lớn đến từ thuế.
Trong những năm qua, năng suất khu vực công đã được cải thiện thông qua việc tăng cường động lực và kỹ năng của người lao động, tăng cường hệ thống quản lý và đánh giá người lao động cùng với các chương trình khuyến khích, cải tổ lại công việc và quy trình làm việc, tái cấu trúc bộ máy hành chính, cải cách ngân sách, cải thiện chất lượng dịch vụ, và ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhận thấy tầm quan trọng và vai trò ngày càng tăng của các tổ chức khu vực công đối với sự phát triển và cạnh tranh quốc gia, APO và một số NPO đã giới thiệu các khái niệm, cách tiếp cận, công cụ và kỹ thuật về năng suất và chất lượng trong khu vực công, bắt đầu từ năm 2009 cho tới nay.
APO đã khởi động một loạt các dự án liên quan đến khu vực công để giải quyết nhu cầu của các nền kinh tế thành viên, bao gồm Khung Chương trình Năng suất Khu vực Công của APO, Trung tâm Xuất sắc về Năng suất Khu vực Công và Sổ tay Khóa học về Phát triển Chuyên gia Năng suất trong Khu vực Công.
Tất cả những sáng kiến đó được thiết kế để nâng cao hiệu quả của khu vực công ở các nền kinh tế thành viên và năng lực của các cá nhân thông qua chứng nhận, đồng thời nuôi dưỡng cộng đồng chuyên gia và củng cố vai trò lãnh đạo của APO trong lĩnh vực này.
Việc Việt Nam có chuyên gia năng suất khu vực dịch vụ công đầu tiên chính là bước đệm cần thiết, hướng tới mục tiêu chung về tầm nhìn APO 2025 và Khung Chương trình Năng suất Khu vực Công của APO, thể hiện tầm quan trọng trong việc nâng cao năng suất làm tăng sự hài lòng của người dân và mức độ tin cậy công chúng, hiệu quả chi phí, tăng cường trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng các nguồn lực công, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và chất lượng cuộc sống./.