TPM - giúp doanh nghiệp cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng

Quản trị - Ngày đăng : 10:23, 01/09/2022

Năng suất chất lượng của doanh nghiệp sẽ được cải tiến và nâng cao nhờ việc thực hiện hệ thống quản lý TPM (Total Productive Maintenance - Bảo trì năng suất toàn diện). Đây là phương pháp quản lý liên kết hai khái niệm Bảo trì và Năng suất chất lượng. Phương pháp này đang được áp dụng mạnh mẽ vào công nghiệp sản xuất và công nghiệp dịch vụ.

10 mục tiêu của TPM

1. Đạt được 3 Không: Không Sản phẩm lỗi, Không Sự cố, Không Tai nạn;

2. Lôi cuốn toàn thể người lao động vào các hoạt động nhóm để bảo dưỡng tự giác và cải tiến thiết bị;

3. Nâng cao năng suất chất lượng và Chỉ số hiệu suất thiết bị toàn bộ (OEE);

4. Giảm thiểu chi phí sản xuất sinh ra do máy hỏng, máy dừng;

5. Giao hàng đúng hạn 100%;

6. Không để khách hàng phàn nàn;

7. Không để xảy ra tai nạn;

8. Khuyến khích các sáng kiến cải tiến của người lao động;

9. Chia sẻ kinh nghiệm;

10. Cải thiện môi trường làm việc.

Phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới.

Áp dụng thành công TPM, Công ty Cổ phần Công nghệ Bắc Việt đã thực hiện các hội thảo tìm ra các lãng phí, tổn thất trong quá trình sản xuất và quyết định thực hiện các đề tài cải tiến thí điểm tập trung vào khu vực xưởng tạo khuôn. Để thực hiện cải tiến cho khu vực xưởng tạo khuôn, các thành viên của xưởng bao gồm nhân viên vận hành, quản đốc phân xưởng và các bộ phận hỗ trợ như QC, quản lý hệ thống và hành chính đều sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ các buổi làm việc của nhóm để cùng nhau xác định các cơ hội cải tiến, phân tích và tìm giải pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Đại diện Ban lãnh đạo công ty đã hỗ trợ định hướng các mục tiêu và cùng với nhóm xác định chủ đề cải tiến trong thời gian tới: Giảm thời gian chuẩn bị công cụ, dụng cụ phục vụ sản xuất tại máy S33, S56.

Công ty CP Bắc Việt đã cải tiến thí điểm tập trung vào khu vực xưởng tạo khuôn.

Công ty CP Bắc Việt đã cải tiến thí điểm tập trung vào khu vực xưởng tạo khuôn.

Với đặc thù sản xuất khuôn là sản xuất đơn chiếc, nhiều sản phẩm không lặp lại trong quá trình làm việc nên thời gian chuẩn bị công cụ, dụng cụ chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng thời gian máy dừng. Nhóm đã đánh giá lại các dữ liệu sản xuất đã thu thập với 1000 lần chuẩn bị công cụ dụng cụ để cùng tìm hiểu các bước thực hiện cụ thể, tiến hành quay video phân tích thao tác và thảo luận tìm cơ hội cải tiến. Kết thúc hoạt động phân tích, nhóm đã thống nhất một số giải pháp như sau: Chuyển hoạt động chuẩn bị dao cụ khi máy dừng sang thực hiện khi máy đang gia công chi tiết trước; Thực hiện 5S bố trí, sắp xếp lại đồ gá, dụng cụ đo; Tạo thẻ công đoạn để quản lý và dễ dàng tìm kiếm các đồ dùng sử dụng chung.

Từ hoạt động trên nhóm dự kiến sẽ giảm thời gian chuẩn bị công cụ, dụng cụ cho máy S33, S56 từ 29-74 phút còn 16-33 phút và số bước thực hiện giảm từ 9 bước xuống 5 bước.

Hay tại Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà (VPP Hồng Hà), Ban lãnh đạo Công ty đã quyết định tham gia chương trình hỗ trợ áp dụng TPM.

Các chuyên gia tư vấn TPM nhận định việc quản lý, sử dụng thiết bị của VPP Hồng Hà còn nhiều bất cập như: Máy móc hay hỏng hóc trong quá trình sử dụng; Người vận hành chỉ biết sử dụng máy mà chưa quan tâm đến việc chăm sóc máy; Không duy trì chế độ bảo dưỡng máy định kỳ mà chờ khi máy hỏng mới sửa; Chưa có các hoạt động cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết bị; Năng lực của  thợ vận hành chưa đồng đều dẫn đến khả năng phối hợp công việc chưa cao gây mất nhiều thời gian dừng máy khi cần thực hiện chuyển đổi sản phẩm hoặc khi cần xử lý sự cố.

Để giải quyết những tồn tại trên, tư vấn đã đề xuất với Ban lãnh đạo Công ty, trong thời gian đầu áp dụng TPM, VPP Hồng Hà nên tập trung vào 3 trụ cột của TPM là AM (Bảo trì tự quản) và PM (Bảo trì có kế hoạch), E&T (Giáo dục và Đào tạo). Phạm vi áp dụng thí điểm TPM của VPP Hồng Hà trong giai đoạn này là các máy in liên động và máy Z nằm trong khu vực xưởng Giấy - Vở.

Công ty đã thành lập Ban TPM gồm các thành viên đến từ Ban lãnh đạo Công ty, bộ phận kỹ thuật, bộ phận quản lý sản xuất, bộ phận vận hành và bộ phận cơ điện. Các thành viên trong Ban TPM đã được đào tạo nhận thức chung về TPM, các bước thực hiện AM, PM, E&T, cách xác định hiệu suất thiết bị toàn phần, phân tích tổn thất thiết bị.  

Những  điều doanh nghiệp cần làm khi  muốn thực hiện  phương pháp TPM

Theo chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam, khi áp dụng công cụ TPM để tăng năng suất chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp nhất thiết phải: Thiết lập các chính sách và mục tiêu của TPM; Xây dựng triển khai TPM; Khởi động TPM và Cải tiến hiệu suất của thiết bị.

Dây chuyền sản xuất vở liên động tại Công ty VPP Hồng Hà

Dây chuyền sản xuất vở liên động tại Công ty VPP Hồng Hà

Đối với bước xây dựng kế hoạch triển khai TPM, các chuyên gia chỉ rõ, lãnh đạo cần xây dựng một kế hoạch tổng thể cho quá trình triển khai TPM. Kế hoạch tổng thể thường bao gồm nội dung công việc cần thực hiện và thời gian thực hiện tương ứng của từng nội dung. 

Đối với bước khởi động TPM, theo chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam, giai đoạn khởi động là bước đầu tiên trong việc triển khai TPM ở doanh nghiệp. Đây là thời điểm bắt đầu cuộc chiến chống lại các lãng phí lớn. Trong giai đoạn chuẩn bị, lãnh đạo doanh nghiệp và đội ngũ chuyên gia đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, ở bước này, mỗi người công nhân cũng cần từ bỏ những thói quen làm việc cũ để bắt đầu thực hành TPM. Mỗi người công nhân cần thể hiện vai trò của mình bằng hành động cụ thể là loại bỏ các lãng phí lớn. 

Bước cải tiến hiệu suất của thiết bị theo chuyên gia, đội ngũ kĩ sư về máy móc thiết bị, thợ bảo dưỡng, cán bộ giám sát, dây chuyền sản xuất và những nhóm nhỏ sẽ được tổ chức thành các đội dự án. Cách tổ chức này sẽ giúp việc phát hiện và loại bỏ lãng phí được tiến hành dễ dàng hơn. Những cải tiến của mỗi nhóm này cộng lại sẽ tạo thành các kết quả lớn, có ý nghĩa đối với doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn triển khai ban đầu sẽ không tránh khỏi có những hoài nghi về lợi ích của việc thực hiện TPM đối với nâng cao hiệu quả sản xuất. Để xoá bỏ sự hoài nghi này và xây dựng lòng tin đối với TPM, lãnh đạo doanh nghiệp có thể tổ chức các chuyến tham quan, chia sẻ kinh nghiêm từ những doanh nghiệp đã áp dụng thành công TPM để trực tiếp nghe và thấy được TPM đã đóng góp để tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi như thế nào. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên bắt đầu với một vài dự án TPM thí điểm, thu thập dữ liệu về quá trình vận hành của máy móc thiết bị trước và sau khi áp dụng TPM. Sau đó, so sánh để có thể chỉ ra những lãng phí trong quá trình vận hành thiết bị trước khi áp dụng TPM và các kết quả cải tiến khi thực hiện TPM. Những kết quả này sau đó được thông báo toàn doanh nghiệp giúp mọi người nắm bắt, áp dụng./.

Ngọc Thủy