Giải pháp hỗ trợ tăng năng suất phải mang tính chọn lọc
Quản trị - Ngày đăng : 10:33, 14/06/2022
Lo ngại tốc độ tăng năng suất có xu hướng giảm dần
Trên thực tế, trong giai đoạn 2011 - 2021, năng suất lao động đã cải thiện đáng kể. TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn số liệu cụ thể: Năm 2011, năng suất lao động đạt 70,3 triệu đồng/lao động, đến năm 2021 đã tăng lên 171,8 triệu đồng/lao động. Tính bình quân, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động đạt 6%, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,5% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,4% (vượt kế hoạch đề ra 5%).
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia Viện Kinh tế Trung ương, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng. Trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù năng suất lao động thấp nhưng tốc độ tăng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu.
Trong khi đó, năng suất lao động của khu vực công nghiệp - xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. Năng suất lao động của khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.
Cũng theo TS. Đặng Đức Anh, năng suất lao động của vùng kinh tế trọng điểm hiện không đồng đều, tập trung ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Vấn đề đáng quan ngại là tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng giảm dần, các địa phương "dẫn dắt" trong vùng chưa phát huy hết vai trò lan tỏa, chưa đóng vai trò thúc đẩy và lôi kéo tăng trưởng của vùng.
Ở khu vực doanh nghiệp, mặc dù năng suất lao động năm 2020 đạt trên 300 triệu đồng/lao động, tăng 93% so với năm 2011 song mức chênh lệch giữa các loại hình doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Rào cản chính tác động đến năng suất lao động của doanh nghiệp gồm sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; thiếu nguồn vốn đầu tư, cùng với đó là lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết. Thống kê cho thấy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo dù cải thiện song vẫn thấp, mới chỉ đạt 26,2%.
Theo các chuyên gia, đáng chú ý, tư duy chính sách về mô hình, hoạt động kinh tế mới đã bước đầu hoàn thiện, nhấn mạnh đến năng suất lao động, đổi mới sáng tạo và động lực cho doanh nghiệp, song nhìn chung thể chế, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ.
Hỗ trợ tăng năng suất nhưng không dàn trải
Theo các chuyên gia, để cụ thể hóa mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn đến năm 2025 đạt trên 6,5% như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, cần thúc đẩy năng suất lao động của các vùng trọng điểm, các cực tăng trưởng dựa trên hạ tầng kết nối, cơ chế đặc thù, phân cấp quản lý; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới (bao gồm công nghệ số) và phát huy đổi mới sáng tạo; đồng thời đẩy nhanh quá trình chính thức hóa hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức.
Ông Gregory Leon, Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và quản trị nhà nước, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, tại Việt Nam, nền kinh tế phi chính thức đang tồn tại song song cùng nền kinh tế chính thức, nên cần có các chính sách chính thức hóa khu vực này để các doanh nghiệp đó có cơ hội kinh doanh tốt hơn. "Việt Nam cần tập trung vào giáo dục đào tạo nghề nghiệp để tăng kỹ năng và năng suất lao động", ông đề xuất.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện dự thảo báo cáo Đề án cho Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Chương trình dự kiến các mục tiêu như tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 6,5 - 7%; phấn đấu nằm trong nhóm hàng đầu của ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030…
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế khuyến cáo, nếu tiếp tục tư duy theo cách thức cũ là cứ xây dựng đề án rồi giao cho từng bộ, ngành mà thiếu sự điều phối, kết nối, phối hợp sẽ không thể hiệu quả. Do đó, cần thiết kế cơ chế để tổ chức thực thi.
Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thiết kế chính sách chưa chú ý đến lợi ích của người thực thi, và "khi cơ quan thực thi không tìm thấy lợi ích của mình trong lợi ích chung thì khó làm". Chưa kể, còn tình trạng đặt mục tiêu nhưng không thực hiện. Chẳng hạn, mục tiêu đầu tư cho khoa học công nghệ (yếu tố quan trọng nhất để cải thiện năng suất các nhân tố tổng hợp, tăng năng suất lao động) là 1,2% GDP nhưng bao năm nay chỉ quanh mức 0,5 - 0,52% GDP và chúng ta vẫn "bình chân như vại". Điều này cần thay đổi để bảo đảm các mục tiêu đề ra được triển khai trong thực tế!
Còn theo ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM, muốn tăng năng suất lao động, quan trọng hàng đầu vẫn là phải giữ ổn định kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp đến phải có giải pháp hỗ trợ mang tính chọn lọc với một số ngành, lĩnh vực, tránh tình trạng có quá nhiều chính sách nhưng triển khai tản mạn dẫn đến hiệu quả không cao.
Còn theo bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam thì trong thời gian tới các cơ quan bộ, ngành địa phương thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên định hướng thống nhất của Chính phủ nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực trên cơ sở thông tin tới doanh nghiệp được rõ ràng và hiệu quả. Việt Nam là nước đi sau trong phát triển công nghệ vì vậy doanh nghiệp trong nước có lợi thế được tiếp cận với những thiết bị và máy móc với thế hệ công nghệ khác nhau trong đó có những thế hệ mới nhất từ những nước phát triển. Việc hỗ trợ từ các cơ quan quản lý giúp tăng cường hợp tác quốc tế, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cần thiết để các doanh nghiệp đánh giá được đúng nhu cầu đầu tư, tránh lãng phí.
Cũng theo bà Hiền, quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp cần sự hỗ trợ phương pháp, sử dụng công cụ thích hợp từ các chuyên gia, giảng viên có kiến thức, kỹ năng đến từ các Viện, trường đại học cũng như các tổ chức tư vấn, đào tạo chuyên nghiệp. Chính vì vậy việc nâng cao năng lực cho những tổ chức này cùng với xây dựng mạng lưới chuyên gia cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới./.