Nền tảng cơ bản để doanh nghiệp tăng năng suất chất lượng hiệu quả
Kinh tế số - Ngày đăng : 09:12, 01/08/2022
Đây là một trong những mục tiêu của Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020.
Nhiều mục tiêu đặt ra
Mục tiêu chung của Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (năng suất chất lượng) trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Mục tiêu cụ thể là, giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 65%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.
Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 70%-75%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1.000 chuyên gia năng suất chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Giai đoạn 2021-2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10%-15%, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020; có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuản kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng
Ngày 21/4 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn làm Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới trong mọi khía cạnh của sự phát triển con người. Đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế về tăng năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo
Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) Nguyễn Tùng Lâm cho biết: Việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến những cách tiếp cận mới dựa trên đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ. Việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Một trong những điểm sáng của hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm qua là sự thăng hạng trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) theo từng năm. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, năm 2021, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ (xếp thứ 41), Ấn Độ (46) và Philippines (51), Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới, với chỉ số đổi mới sáng tạo xếp thứ 44.
Thông tin về hợp tác quốc tế trong khu vực về đổi mới sáng tạo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) Vũ Thị Tú Quyên cho biết: Hoạt động này đang được triển khai mạnh mẽ. Theo đó, trong khuôn khổ hợp tác của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), các nước thảo luận và nghiên cứu các giải pháp để tăng năng suất. Tổ chức Năng suất châu Á cũng thúc đẩy các nghiên cứu của các nền kinh tế thành viên để tư vấn xây dựng môi trường pháp lý thúc đẩy tăng năng suất trên cơ sở đổi mới sáng tạo.
Tổ chức Năng suất châu Á đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tổng thể phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo. Kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ/TTg về việc ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch này cũng góp phần đưa năng suất vào các chương trình phát triển quốc gia, tăng cường vai trò của năng suất đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nền kinh tế thành viên APO. Kế hoạch sẽ đề xuất các hành động cần phải được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, xây dựng năng lực hấp thụ vốn con người, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông và hạ tầng logistic, bố trí và phân bổ các nguồn lực.
Từ năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid đã hạn chế và cản trở nhiều hoạt động hợp tác, tuy nhiên các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm triển khai thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế thành viên thông qua hội thảo trực tuyến, nghiên cứu, tọa đàm vẫn được Tổ chức Năng suất châu Á triển khai mạnh mẽ, thu hút đông đảo đối tượng theo dõi và tham gia, đề xuất các ý tưởng mang tính đột phá cho giai đoạn sắp tới…
Theo bà Vũ Thị Tú Quyên, thúc đẩy hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo là xu thế lớn, cần được quan tâm, nắm bắt và triển khai tại Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ mời các chuyên gia từ cơ quan Chính phủ, bộ, ngành liên quan, hiệp hội, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp tham gia tích cực vào xây dựng tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tự động hóa, thương mại số, thương mại điện tử, sản xuất thông minh, đổi mới sáng tạo để nắm bắt những xu thế mới nhất hiện nay và tư vấn cho Chính phủ về đổi mới sáng tạo…
Phải đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng
Để đạt được các mục tiêu Chương trình đề ra nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy, nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng. Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp. Tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động của Giải thưởng chất lượng quốc gia.
Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh.
Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Cụ thể, xây dựng, ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên gia năng suất. Tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định. Tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên năng suất chất lượng. Mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng. Trong đó, tăng cường hợp tác, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á; Phối hợp với Tổ chức Năng suất châu Á hình thành và triển khai hoạt động của Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất tại Việt Nam; Trao đổi về kinh nghiệm, kỹ thuật gia tăng năng suất, so sánh năng suất với các nước trong khu vực và trên thế giới./.