Lựa chọn các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng phù hợp cho doanh nghiệp
Kinh tế số - Ngày đăng : 10:23, 22/07/2022
Những bộ công cụ giúp cải tiến năng suất hiêu quả
Các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, 6 Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bước chân vào con đường kinh doanh, bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn tồn tại và phát triển lâu dài. Để đạt được mục tiêu đó, hiển nhiên doanh nghiệp phải làm ăn có hiệu quả, tạo ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Trong đó, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng bên cạnh những giải pháp về đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Áp dụng thành công công cụ cải tiến năng suất sẽ tác động đến mọi thành phần kinh tế trong xã hội như: doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận; người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với chi phí hợp lý; người lao động gia tăng thu nhập; đất nước tăng nguồn thu từ thuế...
Các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, 6 Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều đem đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng. Có thể kể đến như áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean), Kaizen, 5S sẽ giúp các doanh nghiệp loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng "tinh gọn"; Giúp doanh nghiệp cải tiến, ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng cao năng suất...
Trong khi đó, công cụ 6 Sigma giúp giảm sai lỗi, giảm chi phí, tăng sự hài lòng của khách hàng và bảo đảm giao hàng đúng hẹn, đồng thời là cơ sở quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp;
Công cụ cải tiến năng suất Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu MFCA giúp doanh nghiệp hình thành phương pháp và cách thức kiểm soát chi phí đối với các nguyên vật liệu tham gia quá trình sản xuất và giảm lãng phí; Hay công cụ Bảo trì năng suất tổng thể (TPM) giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày...
Mỗi một công cụ sẽ có ưu, nhược điểm riêng, do vậy đòi hỏi sự nhanh nhạy và linh hoạt của nhà quản trị doanh nghiệp trong lựa chọn và áp dụng mô hình phù hợp nhất.
Giúp các doanh nghiệp phát triển nhờ áp dụng công cụ cải tiến năng suất
Áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, đến nay nhiều doanh nghiệp không chỉ tăng doanh thu, lợi nhuận mà còn tạo dựng được uy tín trên thương trường.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới như hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là điều tất yếu đối với cộng đồng doanh nghiệp để tồn tại và phát triển trên thương trường. Để làm được điều đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường ngày càng cao, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua việc thực hiện các giải pháp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các hệ thống tiêu chuẩn, công cụ như: ISO, Lean/Kaizen, 5S... giúp cải thiện năng suất tăng từ 15-20%.
Là doanh nghiệp "địa phương" ở Đồng Nai chuyên sản xuất các sản phẩm cao su và nhựa kỹ thuật phục vụ cho các ngành ôtô, xe gắn máy, thực phẩm, y tế, giống như nhiều doanh nghiệp khác, những năm đầu thành lập, Công ty TNHH Tương Lai cũng "loay hoay" với bài toán năng suất, chất lượng.
Sau nhiều tìm tòi, học hỏi cuối cùng Công ty cũng đã áp dụng thành công các công cụ quản lý hệ thống chất lượng, công cụ cải tiến năng suất do Viện Năng suất Việt Nam chủ trì triển khai. Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu thực trạng sản xuất của công ty, các chuyên gia tư vấn nhận ra rằng, Công ty có chú trọng đầu tư công nghệ mới, đổi mới thiết bị nhưng hiện tại mới khai thác 60-70% thiết bị, do thiếu đầu ra, điều phối sản xuất chưa tốt và nhiều lãng phí.
Ngay sau đó, từng giải pháp được đưa ra. Theo đó, tính toán rất kỹ lộ trình áp dụng vừa phù hợp với lịch sản xuất, vừa phù hợp với mức tài chính của công ty. Con số sơ bộ sau 10 tháng áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất tổng thể, được thể hiện qua việc khảo sát nhanh với 10 khách hàng lớn, thân thiết của Công ty cho thấy sự phàn nàn của khách hàng về tiến độ giao hàng đã giảm xuống đáng kể.
Không chỉ năng suất lao động chung của Công ty tăng 20% mà riêng phân xưởng cao su, sản lượng đã tăng gấp 3 lần/lao động. Đặc biệt, trước kia, mỗi tháng Công ty có tới 1-2 vụ khách hàng khiếu nại về tiến độ giao hàng, về sai mã sản phẩm, thì nay vài tháng mới phát sinh một vụ. Chất lượng sản phẩm được cải thiện tốt hơn nhiều qua các đánh giá tích cực từ khách hàng. Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, trước dùng máy sản xuất khuôn nhỏ, một lần ra được 49 sản phẩm, nay nhờ đầu tư máy lớn, một lần ra 144 sản phẩm. Vì thế, năng suất tăng 300%, tỷ lệ hoàn thành lệnh sản xuất đã tăng từ 85-86% lên 98%.
Cũng chú trọng cải tiến về năng suất chất lượng, Công ty cổ phần thép Việt Đức đã không ngừng cải tiến về công nghệ sản xuất như đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất ống thép, tôn cán nguội, tôn mạ kẽm hiện đại. Cùng với đó là áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015, hệ thống 5S... trong quản lý. Việc chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng kịp thời đã giúp Thép Việt Đức nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến năng suất, giúp hoạt động sản xuất đạt hiệu quả cao, giảm được chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh...
Từ những ví dụ này có thể thấy vai trò và tầm quan trọng của việc doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đối với sự phát triển. Việc nâng cao năng suất chất lượng không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt, qua đó tăng doanh thu và lợi nhuận, từ đó tăng thu nhập cho người lao động./.