Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động trong kinh tế
Kinh tế số - Ngày đăng : 15:26, 12/07/2022
Năng suất tăng làm tăng sức mạnh của nền kinh tế
Trong kinh tế học, năng suất đo lường sản lượng trên một đơn vị đầu vào, chẳng hạn như lao động, vốn hoặc bất kỳ nguồn lực nào khác. Nó thường được tính cho nền kinh tế theo tỷ lệ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với số giờ làm việc.
Tuy nhiên, năng suất lao động có thể được phân chia nhỏ hơn nữa theo ngành để kiểm tra xu hướng tăng trưởng lao động, mức lương và cải tiến công nghệ. Lợi nhuận doanh nghiệp và lợi nhuận của cổ đông có liên quan trực tiếp đến tăng trưởng năng suất.
Ở cấp độ công ty, năng suất là thước đo hiệu quả của quy trình sản xuất của công ty, nó được tính bằng cách đo số lượng đơn vị được sản xuất so với giờ lao động của nhân viên hoặc bằng cách đo doanh thu thuần của công ty so với giờ lao động của nhân viên.
Nhìn từ góc độ rộng hơn, năng suất tăng làm tăng sức mạnh của nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhiều nhu cầu của con người hơn với cùng nguồn lực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sản lượng kinh tế tổng thể tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện nền kinh tế và các thành phần tham gia trong nền kinh tế.
Kết quả là, các nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ nguồn thu thuế lớn hơn để tạo ra các dịch vụ xã hội cần thiết như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, phúc lợi, giao thông công cộng và tài trợ cho các nghiên cứu quan trọng. Lợi ích của việc tăng năng suất là vô cùng sâu rộng, mang lại lợi ích cho những người tham gia trong hệ thống cùng với chính hệ thống. Có thể nói rằng năng suất là thước đo hiệu quả nên đây cũng là chìa khóa để chiến thắng trong thị trường cạnh tranh.
Những ai được hưởng lợi trong việc cải thiện năng suất?
Đối với Người tiêu dùng/Người lao động: Ở cấp độ vi mô nhất, mức sống của người tiêu dùng và người lao động được cải thiện hàng ngày nhờ năng suất tăng lên. Hệ thống càng đạt được hiệu quả cao, thì yêu cầu đầu vào (lao động, đất đai và vốn) để tạo ra hàng hoá càng thấp. Điều này có thể có khả năng làm giảm giá và giảm thiểu giờ làm việc cần thiết cho những người tham gia trong nền kinh tế trong khi vẫn duy trì mức tiêu dùng cao.
Đối với Doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có thể đạt được năng suất cao hơn từ một hệ thống cũng được hưởng lợi từ việc tạo ra nhiều đầu ra hơn với cùng hoặc ít đầu vào hơn. Nói một cách đơn giản, hiệu quả cao hơn đồng nghĩa với lợi nhuận tốt hơn thông qua chi phí thấp hơn. Điều này cho phép người lao động được trả công tốt hơn, nhiều vốn lưu động hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với Chính phủ: Tăng trưởng kinh tế cao hơn cũng sẽ tạo ra các khoản nộp thuế lớn hơn cho các chính phủ. Điều này cho phép các chính phủ đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội.
Lợi ích của việc tăng năng suất cho doanh nghiệp
Những lợi thế cơ bản của năng suất cao hơn cùng với đó là khả năng cạnh tranh và lợi nhuận cao hơn có thể tạo ra nhiều lợi ích kinh doanh bổ sung.
Sự hài lòng của khách hàng cao hơn: Khách hàng sẽ hài lòng nếu doanh nghiệp tăng hiệu quả cho phép giảm giá hoặc cung cấp hàng hóa và dịch vụ nhanh hơn.
Các điều khoản tốt hơn từ các nhà cung cấp: Nếu năng suất cao hơn cho phép công ty tăng sản lượng, thì công ty có thể mua nguyên liệu thô và linh kiện với số lượng lớn hơn, điều này thường có nghĩa là công ty có thể mua chúng với giá thấp hơn.
Mức lương hấp dẫn hơn: Năng suất cao hơn có thể giúp trả mức lương cao hơn, điều này có thể giúp thu hút nhân viên.
Tăng khả năng tiếp cận vốn: Khi năng suất được cải thiện chuyển thành lợi nhuận cao hơn, điều đó có thể mở ra con đường dễ dàng hơn để có được nguồn tài trợ, bằng cách phát hành vốn cổ phần hoặc đi vay.
Các phương pháp tăng năng suất trong doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần có một cái nhìn tổng quan và đúng đắn ngay từ đầu để thực hiện các phương pháp tăng năng suất trong doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên như có thể lên kế hoạch marketing cụ thể. Bởi vì tiếp thị là "không khí" mà các doanh nghiệp cần để phát triển. Bỏ qua công đoạn này, tức là thiếu không khí, doanh nghiệp có thể bị "chết ngạt".
Sử dụng công cụ tự động hóa cũng là một giải pháp tích cực. Thay vì mất thời gian cho các công việc lặp đi lặp lại như nhập dữ liệu khi phải tự động hóa chúng. Tự động hóa các công việc thông thường có thể nâng cao đáng kể mức năng suất khi được thực hiện đúng cách. Có rất nhiều phần mềm tự động hóa có thể tận dụng để hợp lý hóa quy trình kinh doanh của mình. Có thể áp dụng tự động hóa vào những phân khúc của doanh nghiệp như xử lý đơn hàng, hỗ trợ khách hàng, thu thập dữ liệu.
Năng suất lao động có 2 loại thước đo là năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế. Năng suất lao động kỹ thuật đo bằng giá trị hiện vật, bằng sản phẩm do một người lao động tạo ra trong một giờ (chẳng hạn số áo một người công nhân may được trong một giờ, số mét vuông tường công nhân xây trong một giờ và số điện thoại di động công nhân lắp ráp được trong một giờ hay số lúa thu hoạch trong một hecta sau một vụ, số kg rơm/m2 trong một vụ).
Năng suất lao động kỹ thuật phụ thuộc vào trình độ công nghệ và thiết bị máy móc được ứng dụng, phụ thuộc vào chất lượng vật tư, trình độ lao động, phương pháp trả lương, chất lượng quản lý. Trong đó yếu tố quyết định của năng suất lao động kỹ thuật chính là trình độ công nghệ của thiết bị và khả năng của người lao động sử dụng thiết bị. Tiến bộ công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và do đó nâng cao mức sống trong một hệ thống.
Năng suất đo lường cách thức mà một hệ thống kinh tế hoặc doanh nghiệp có thể tận dụng các đầu vào chức năng sẵn có để tạo ra các đầu ra có ý nghĩa. Khái niệm này thúc đẩy các nền kinh tế hướng tới mức độ hiệu quả cao hơn trong sản xuất và do đó tăng trưởng kinh tế và mức sống cao hơn.
Do đó, cải thiện năng suất là một mục tiêu quan trọng đối với doanh nghiệp, với các nền kinh tế mà rộng hơn là với toàn xã hội để tăng cường sự giàu có và thịnh vượng./.