Đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm dựa trên cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15

Truyền thông - Ngày đăng : 15:36, 30/11/2022

Cơ chế đặc thù theo theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 năm 2022 của Quốc hội đang tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về giao thông và y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Một loạt dự án giao thông quan trọng tại nhiều địa phương được triển khai theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, UBND tỉnh Hòa Bình vừa đề nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43 đối với Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn từ Km19 - Km53. Theo Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho hay, dự án này sử dụng vốn đầu tư công khoảng 4.650 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án được HĐND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương vào tháng 8.2022 là 9.777 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A.

Đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm dựa trên cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vấn đề là theo quy định tại Luật Đầu tư công, dự án quan trọng quốc gia có tiêu chí sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Còn theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 43, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023. Song trong nghị quyết lại chưa có khái niệm và quy định rõ thế nào là dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn…Do đó, chưa đủ cơ sở để xem xét, áp dụng thực hiện quy định về cơ chế đặc thù đối với các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Từ thực tế này và trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao hướng dẫn tỉnh Hòa Bình thực hiện theo đúng Nghị quyết số 43 và các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tiến độ triển khai dự án.

Trước dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, vào tháng 7.2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành liên tiếp 3 Nghị quyết số 89, 90 và 91 triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư 3 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, theo đó cho phép Bộ GTVT và các địa phương có các dự án cao tốc đi qua áp dụng hàng loạt cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, Chủ tịch UBND các tỉnh, Bộ trưởng Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND các tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Giải thích về các cơ chế đặc thù dự kiến áp dụng cho 3 dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vào thời điểm tháng 5/2022 phân tích, mặc dù tỉ trọng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ chiếm khoảng 11,3% trong tổng nguồn vốn của 3 dự án cao tốc nói trên nhưng việc áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 43 sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Cụ thể cơ chế đặc thù cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp… Nhà thầu thi công cũng không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án…

Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, cơ chế đặc thù được đề xuất áp dụng với nhiều dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có nhiều cơ chế phá rào so với những quy định hiện hành sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn trên địa bàn cả nước.

Đồng thời tháo gỡ những khó khăn trong việc bố trí vốn ngân sách cũng như phân cấp quản lý. Cụ thể như Luật Ngân sách nhà nước không có quy định về dùng ngân sách cấp này chi cho ngân sách cấp kia, trong khi đường cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương. Do đó việc cho phép sử dụng cả vốn Trung ương và vốn địa phương để thực hiện các dự án là giải pháp linh hoạt và hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng lưu ý trong phiên thảo luận tổ hồi tháng 6.2022 về chủ trương đầu tư các dự án giao thông trọng điểm: Trao quyền nhiều phải cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu... Theo đó khi thực hiện cơ chế đặc thù phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu./.

PV