Việt Nam tăng cường hợp tác khai thác tài nguyên ở biển Đông

Truyền thông - Ngày đăng : 10:50, 23/09/2022

Khai thác tài nguyên biển Đông của Việt Nam đã góp phần trong việc tăng cường tin cậy trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời, tận dụng tốt các thế mạnh của nước ta để phát triển kinh tế, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hợp tác tốt với các nước trong khu vực và thế giới

Vùng biển Việt Nam chiếm phần lớn diện tích biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với diện tích khoảng 1 triệu km2. Đảng và Nhà nước ta khẳng định, biển có ý nghĩa to lớn để đất nước phát triển, mở cửa giao thương với quốc tế và ngày càng có vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh trong tương lai.

Theo điều tra của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong vùng biển của nước ta đã phát hiện được 11.000 loài sinh vật cư trú trong khoảng 20 hệ sinh thái điển hình. Ước tính mỗi năm các vùng biển Việt Nam cung cấp khoảng 5 triệu tấn cá biển với khả năng khai thác bền vững 2,3 triệu tấn.

Bên cạnh đó, trong vùng biển nước ta cũng đã phát hiện được 35 loại hình khoáng sản, riêng lượng dầu quy đổi đã thăm dò được chừng 4 tỷ tấn. Chưa kể tiềm năng băng cháy, tài nguyên đất bãi triều, năng lượng thủy triều, năng lượng gió, năng lượng mặt trời...

Lợi thế "mặt tiền" và biển của Việt Nam chiếm vị trí địa chính trị rất quan trọng trên bình đồ khu vực biển Đông và thế giới, với tuyến hàng hải quốc tế từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Vùng biển rộng lớn với nhiều đảo ở nước ta chính là không gian quan trọng để phát triển giao thông đường biển, các hoạt động khai thác hải sản, khai thác dầu khí và khoáng sản rắn trên thềm lục địa. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế biển đối với các nước trên thế giới.

Với vai trò là một tuyến đường giao thông thương mại quan trọng, các quốc gia có lãnh hải thuộc hoặc tiếp giáp biển Đông có thể khiến khu vực này trở thành một điểm nóng phát sinh các căng thẳng không thể kiềm chế, xuất phát từ việc các bên có lợi ích trong khu vực cương quyết khẳng định chủ quyền và cố hiện thực hóa tuyên bố của mình bằng mọi giá. Thúc đẩy hợp tác khai thác tài nguyên biển Đông của Việt Nam chính là một biện pháp giúp giảm bớt căng thẳng đang gia tăng một cách đáng chú ý với các quốc gia có yêu sách chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ những lợi ích của mình ở biển Đông, với các quốc gia có lợi ích gián tiếp từ biển Đông.

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực thực hiện hiệu quả việc phối hợp khai thác tài nguyên trên biển Đông. Việt Nam đã triển khai hiệu quả các thỏa thuận song phương với nhiều nước trong khu vực (Campuchia, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…) về bảo tồn, quản lý, khai thác bền vững nguồn thủy sản chung (điển hình đã duy trì thường xuyên hoạt động thả cá giống trong Vịnh Bắc Bộ), ký kết thỏa thuận thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ các hoạt động nghề cá trên biển; tiếp nhận thành tựu công nghệ, vốn, kinh nghiệm từ các đối tác ngoài khu vực (Pháp, Na Uy, EU…) để hỗ trợ nuôi trồng thủy sản.

Trong lĩnh vực dầu khí, Việt Nam đã cùng nhiều đối tác có kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí như Nga, Ấn Độ, Malaysia… mở rộng thăm dò, khai thác, cung cấp dịch vụ dầu khí nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới. Đối với lĩnh vực điện gió, Việt Nam hợp tác khai thác điện gió ngoài khơi La Gàn Asia Petro, Novasia Energy và Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch) có công suất 3,5 GW, vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, HBRE Group và EDF (Pháp) tại dự án điện gió HBRE Vũng Tàu ngoài khơi với mức đầu tư 1 tỷ USD, công suất 500MW, dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind tại mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận để sản xuất Hydro xanh và Amonia xanh.

Việc hợp tác ngày càng sâu rộng, bền vững đã góp phần trong việc tăng cường tin cậy trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời, tận dụng tốt các thế mạnh của nước ta để phát triển kinh tế, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam tăng cường hợp tác khai thác tài nguyên ở biển Đông  - Ảnh 1.

Trong lĩnh vực dầu khí, Việt Nam đã cùng nhiều đối tác có kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí như Nga, Ấn Độ, Malaysia … mở rộng thăm dò, khai thác, cung cấp dịch vụ dầu khí.

Tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận thẳng thắn là bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, việc hợp tác khai thác tài nguyên biển Đông của ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập như mới tập trung chủ yếu trong lĩnh vực giải quyết vùng biển chồng lấn, tranh chấp; chủ yếu trên cơ sở song phương với các nước có tranh chấp trực tiếp; việc hợp tác trong việc thực thi pháp luật, trong lĩnh vực ngăn ngừa, giảm thiểu tiến tới loại bỏ IUU, trong bảo vệ môi trường biển, trong nghiên cứu khoa học biển còn hạn chế… lĩnh vực và tiềm lực thúc đẩy hợp tác còn chưa theo kịp đòi hỏi mới…, đại dịch COVID-19 khiến nhiều dự án, chương trình hợp tác bị trì hoãn, hạn chế....

Vì thế, Việt Nam cần phải học hỏi kinh nghiệm hợp tác về đánh bắt cá trên các vùng biển chồng lấn, đang tranh chấp giữa các quốc gia trên Biển Đông từ kinh nghiệm của các nước khác như Nga - Thụy Điển, Canada - Mỹ hướng tới khai thác hiệu quả và bảo tồn, quản lý nguồn tài nguyên trên biển Đông bền vững.

Trong hợp tác khai thác tài nguyên trên biển Đông, cần thực hiện nhận thức chung của các quốc gia với tinh thần duy trì có hiệu quả hòa bình, ổn định biển Đông, nỗ lực nâng cao ý nguyện hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ môi trường biển của biển Đông; đối với các lĩnh vực ít nhạy cảm thì tiếp tục xây dựng cơ sở hợp tác, gia tăng sự tin cậy chính trị.

Ngoài hợp tác khai thác tài nguyên còn cần song hành với nhiệm vụ hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên, như: phòng chống ô nhiễm rác thải, bảo hộ môi trường sinh thái. Xây dựng phương án cụ thể cho các vấn đề ô nhiễm môi trường cụ thể, tiêu chuẩn và trình tự; tăng cường tính hiệu quả của việc quản lý và cuối cùng là hình thành một quan hệ đối tác hợp tác cùng gánh rủi ro và cùng hưởng lợi ích; xâu chuỗi liên thông vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường trên đất liền và trên biển.

Đồng thời, nước ta cần đánh giá đúng giá trị, sản lượng các loại tài nguyên biển Đông, từ đó, có chiến lược hợp tác đúng đắn, phù hợp với yêu cầu chính trị, kinh tế, hạn chế những xung đột giữa các bên có cùng mối quan tâm lợi ích trên Biển Đông.

Việc thực hiện tốt các chương trình hợp tác quốc tế càng cần được coi trọng. hương trình hành động khu vực chống ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động có liên quan tới đất liền và kế hoạch hành động khu vực về rác thải trên biển (thuộc khuôn khổ COBSEA - Cơ quan điều phối biển Đông Á), Tuyên bố Manila về đẩy mạnh thực hiện quản lý tổng hợp đới bờ cho phát triển bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu trong các vùng Biển Đông./.

PV