Để du lịch biển, đảo thành ngành mũi nhọn của du lịch Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 10:40, 22/09/2022

Lượng khách du lịch biển, đảo tăng nhiều trong những năm qua và luôn chiếm khoảng 70% tổng khách du lịch cả nước. Đây đang là loại hình du lịch chủ đạo, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng

Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch biển đảo khi sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo, với những bờ cát trắng, vịnh biển hoang sơ, những hòn đảo nhiệt đới quanh năm tươi tốt…

Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á. Và có tới 125 bãi biển mà hầu hết là các bãi tắm đẹp, trong đó bãi biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes bầu chọn là 1 trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang.

Về mặt hành chính, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là các địa phương có biển, với diện tích tự nhiên là 126.747 km2, dân số (năm 2010) là 37,2 triệu người, bằng 38,2% diện tích tự nhiên và 41,1% dân số cả nước.

Bên cạnh đó, lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo, nơi diễn ra du lịch biển đảo và vùng ven biển tập trung tới 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên…

Thời gian qua, nhiều khu du lịch biển tiềm năng đã được quy hoạch và đầu tư phát triển như: bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa); bãi biển Non Nước, Mỹ Khê (Đà Nẵng); Vịnh Nha Trang, Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa); bãi biển Mũi Né (Bình Thuận); bãi biển Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)...

Việt Nam đã hình thành 3 trung tâm du lịch biển có sức hút với khách quốc tế, gồm Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) với những cơ sở lưu trú hiện đại 4-5 sao, có thể đón những đoàn khách đến nghỉ dưỡng và phát triển du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo).

Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, nhiều dịch vụ giải trí, thể thao biển đã được đưa vào hoạt động như: chèo thuyền du lịch, kéo dù bằng ca nô, lướt ván, đua thuyền, bóng đá, bóng chuyền bãi biển… Đặc biệt, loại hình ngắm biển bằng dù lượn, khinh khí cầu, máy bay mô hình (ở biển Nha Trang, Đà Nẵng) hay bằng máy bay trực thăng (ở Vịnh Hạ Long) đang được rất nhiều khách du lịch yêu thích. Một số dự án lớn như: Dự án của tập đoàn Platinum Dragon Empire (Mỹ) phát triển khu du lịch vui chơi giải trí tại Bà Rịa-Vũng Tàu với số vốn lên đến 550 triệu USD; dự án đầu tư của Tập đoàn Rockingham (Anh) xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp và các khu vui chơi giải trí, trường đua ô tô 1.000 ha tại Phú Quốc, quy mô dự án lên đến 1 tỷ USD…

Các sản vật địa phương liên quan đến biển cũng theo đó mà phát triển thành thương hiệu, đậm dấu ấn địa phương, góp phần đáng kể vào việc phát triển sản phẩm gắn với các tour du lịch. Có thể kể đến một số sản phẩm nổi tiếng như: nước mắm Phú Quốc, chả mực Hạ Long, tỏi Lý Sơn, yến sào Nha Trang, mật ong rừng Cát Bà...

Du lịch biển phát triển cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội dải ven biển, góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường biển. Với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ giải trí, du lịch biển đã thu hút hàng triệu lượt khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng mỗi năm. Hoạt động du lịch biển đảo hiện chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam.

"Kinh tế biển chính là tiền đề và động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cũng như đối ngoại đa quốc tế trong suốt thời gian vừa qua, hiện nay và trong tương lai. Sau tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế ven biển cùng như các ngành kinh tế biển có vai trò quan trọng trong phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam" - TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh.

Để du lịch biển đảo thành ngành mũi nhọn của Việt Nam - Ảnh 1.

Hoạt động du lịch biển đảo hiện chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu du lịch biển, đảo Việt Nam

Tại Hội nghị lần thứ 8 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (gọi tắt là Chiến lược biển 2030).

Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh đến: "Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển...". Đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với bối cảnh và thực tế ở Biển Đông, là sự khẳng định xu thế phát triển tất yếu trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng đã xác định cụ thể 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch, trong đó có 5 khu vực là thuộc dải ven biển, nơi hiện tập trung tới 7/13 di sản thế giới; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hóa - lịch sử. Khu vực này cũng tập trung tới 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước, hàng năm thu hút khoảng 48 - 65% lượng khách du lịch ở Việt Nam.

Việc phát triển thương hiệu biển Việt Nam cần được coi là một thương hiệu quốc gia mà trong đó thương hiệu du lịch biển là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Các hình ảnh về một quốc gia được chuyển tải nhanh hơn thông qua các hình ảnh du lịch. Cụ thể là cần có các biện pháp xúc tiến quản bá phù hợp từ Trung ương đến địa phương, mang tính tập trung, hình thành rõ nét từng khu vực với từng thế mạnh sản phẩm, thế mạnh thương hiệu của mỗi địa phương ven biển.

Các nhìn nhận quốc tế về các bãi biển, vịnh đẹp Việt Nam là động lực cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch biển đặc biệt của nước ta ra nước ngoài. Ngoài ra, du lịch biển cũng được định vị qua các đặc trưng văn hóa, các giá trị ẩm thực cùng các tập tục từng vùng miền có biển, góp phần quan trọng trong phát triển thương hiệu du lịch biển Việt Nam.

Các đơn vị "chủ nhà" là các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển du lịch biển, đảo và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu ra nghị quyết, chỉ thị về phát triển du lịch biển, đảo, trong đó cần đề cập đến nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh trong các khu du lịch, hoạt động du lịch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (xây dựng hệ thống bến cảng, cầu cảng, bến neo đậu tại các vịnh, đô thị ven biển kết nối với các đảo, đặc biệt là hạ tầng cầu cảng tại các đảo Lăng Cô, Cù lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc…). Cùng với đó, chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc của từng vùng, miền, địa phương để tạo điểm nhấn với du khách trong và ngoài nước. Quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch biển, đảo theo hướng "lưỡng dụng" không làm ảnh hưởng đến thế trận khu vực phòng thủ trên địa bàn./.

PV