Vì sao những cuốn sách dạy thành công luôn bán chạy?

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 08:31, 12/12/2022

Đọc cuốn này hay cuốn kia thuộc dòng sách self-help (sách dạy khôn) sẽ giúp người ta thành đạt, giàu có... là một cách quan niệm về đọc sách khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải cứ chỉ đọc mà thành công.

Cứ đọc nhiều sách ắt thành tỷ phú       

Một kiểu dẫn chứng cho tác dụng của sách rất hay được báo chí thực hiện là nhờ đọc sách mà nhiều người trở thành tỷ phú, như Oprah Winfrey, Bill Gates, tỷ phú Warren Buffett, Mark Juckerberg hay Elon Musk…

Những cuốn sách hay được khuyên đọc để thành công là Nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu, Dạy con làm giàu, Thất bại lớn - Thành công lớn, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Cha giàu cha nghèo, Bí mật tư duy triệu phú, Những nguyên tắc để thành công…

Những quyển sách trên thuộc dòng sách được gọi là sách self-help, một số người gọi nôm na là sách dạy khôn. Đọc những quyển sách này, người đọc tràn đầy lạc quan và hy vọng vào bản thân. Không ít người nghĩ rằng chỉ cần làm đúng những gì viết trong sách là mình sẽ thành công trong những việc mình muốn làm: kiếm tiền, làm việc giỏi, nổi bật hơn, giàu có, thành công …

Người ta cho rằng dòng sách này bắt nguồn từ cuốn sách nổi tiếng "Tinh thần tự lực - Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì" của Samuel Smiles (1812 - 1904) vốn có tên ban đầu trong tiếng Anh là "self-help". Từ đó, dòng sách này luôn có sách góp mặt trong danh sách các cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới. Sở dĩ vậy vì nó đánh trúng tâm lý khát khao thành công của nhiều người. Loại sách này viết đơn giản, dễ đọc, vẽ ra viễn cảnh hấp dẫn cho người đọc chúng, hoặc đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho những người đang tìm kiếm điều đó. Đối tượng của sách này thường là những người đang ở độ tuổi thanh niên, thiếu niên. Những quyển sách lặp đi lặp lại một khẳng định là trong mỗi con người đều ẩn giấu sức mạnh, nếu biết cách khai thác sức mạnh nội tại thì sẽ thành công. Nhiều người đọc tin vào điều đó.

Chân dung hài của một tín đồ self-help

Trong một diễn đàn đọc sách online, hình thành hai trường phái, một bên ủng hộ, một bên coi sách self-help là nhảm nhí. Dung hòa hơn, một số người cho rằng sách self-help không xấu, vấn đề là cách mà người ta đọc và tiếp nhận nó như thế nào.

Nhiều người mê đọc sách self-help

Nhiều người mê đọc sách self-help

Có bài viết hài hước trên một diễn đàn mô tả chân dung con nghiện sách self-help khá đầy đủ: "Đọc những cuốn sách phát triển bản thân giúp tôi cảm thấy giống như mình đang bắt đầu một năm học mới. Tôi cứ tưởng tượng từ đầu đến cuối rằng mình sẽ trở thành một người tốt hơn trong năm đó: sống có tổ chức, vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Tôi sẽ có thêm nhiều bạn, trở nên nổi tiếng, suy nghĩ tích cực. Những hi vọng tan chảy như nước đá dưới ánh nắng chói chang của thói quen hàng ngày, nhưng trong những khoảnh khắc rực rỡ ngắn ngủi mỗi năm, cuộc đời tôi như có thêm chút cơ hội.  Tôi đặt hết những hi vọng đáng thương của mình vào những trang sách self-help.

Tôi đọc cuốn "7 Thói Quen của Người Thành Đạt" của Steven Covey, viết ra giấy một danh sách những nhiệm vụ cần làm, nhanh chóng quên béng là mình đã viết nó, đánh mất tất cả thói quen trừ một việc duy nhất (đọc self-help). Tôi đọc cuốn "Tốt Hơn Lúc Trước" của Gretchen Rubin và thề rằng sẽ đưa cuộc sống của mình trở lại quỹ đạo bằng cách nuôi dưỡng các thói quen tốt, nhưng cuối cùng thói quen duy nhất tôi duy trì được là bẻ các khớp ngón tay kêu răng rắc. Tôi đọc cuốn "Người Siêu Nhạy Cảm" của Elaine Aron, và nó thật sự có ích trong việc giúp tôi có những lí do để hủy các cuộc hẹn với bạn bè và ở nhà ngồi lướt Facebook, xem các TV series. "Tôi bị nhạy cảm cao, cần điều trị và đang ở nhà tĩnh dưỡng". Tôi nhắn tin với các bạn như vậy.

Rất nhiều cuốn sách sặc mùi lừa đảo, như con rắn trong câu chuyện của Eva và Adam:Chỉ cần làm theo 7 bước này thôi! thêm 10 quy tắc nữa! Và 3 chuẩn mực đơn giản! Các tác giả làm cho mọi thứ thật đơn giản với các câu chuyện "thực tế", một giọng điệu tự hạ mình và những chiến lược được giải thích bằng nghiên cứu"khoa học". Bạn biết đấy, khoa học. Tôi biết mọi mánh lới. Tôi biết chứ. Nhưng tôi không thể dừng lại.

Bởi vì mục đích cuối cùng của việc đọc những cuốn sách phát triển bản thân không phải là trở thành người tốt hơn. Mụcđích của nó là kích thích trí tưởng tượng khi bạn đọc sách, bạn sẽ nghĩ mình trở thành một người tốt hơn. Kết quả thực ra không hề quan trọng, chính hành động đọc sách mới là thứ "mật ngọt chết ruồi".Đó là lí do tại sao sách self-help trở thành một thế lực -  tại sao những cuốn sách "để dành đọc sau" của tôi không phải những cuốn sách đạt giải Man Booker mà là những cuốn sách có tiêu đề kiểu Làm Thế Nào Để Quản Lí Bản Thân, Sức Mạnh Của Thói Quen và Bắt Đầu Với "Tại Sao". Gần đây tôi còn đọc một cuốn sách dày gần 300 trang chỉ để học cách quản lí email. Và tôi yêu cuốn sách đó.

Lật từng trang sách, tôi cẩn thận ghi chép những câu trích dẫn truyền cảm hứng vào cuốn sổ với ý nghĩ là sau đó nó sẽ có ích (thực ra là không), tôi cảm thấy một sự ấm áp nảy nở khắp cơ thể. Dường như mọi thứ đều có thể biến thành sự thật. Tôi có thể vượt qua được sự cực nhọc trong công việc, những rắc rối trong chuyện tình cảm, nỗi lo âu và thói xấu và sự trì hoãn của bản thân. Chẳng bao lâu tôi dành hầu hết thời gian để xem các video phát biểu trên YouTube của Kristen Wiig hay những bài nói chuyện dài 25 phút của Seinfeld. Tôi sẽ làm gì đó. Tôi sẽ trở thành một người nào đó.

Nhưng giống như các loại ma túy, sau khi cảm giác phê đã qua, trong tôi chỉ còn lại cảm giác hoang mang và lạc lõng. Cuộc sống thực vẫn tiếp tục trôi đi, để lại những cuốn sách self-help và những giác ngộ ảo tưởng của tôi".

Chiều sâu văn hóa tinh thần mà sách mang lại cho người đọc không thể được quy thành thành công cụ thể

Những bài báo chỉ nói đúng một phần về thói quen đọc sách của những người thành đạt. Chắc chắn họ đã đọc những cuốn sách kỹ thuật. Nhưng họ không chỉ đọc những cuốn sách đó mà họ đã đọc rất nhiều cuốn sách khác. Thậm chí có tỷ phú Mỹ đã đọc hết sạch cả thư viện trường tiểu học có hàng ngàn cuốn sách, kể cả sách sửa chữa điện, khi ông đang học ở trường tiểu học đó. Sức đọc của những người phi phàm đó cũng phi phàm như trí tuệ của họ vậy.

Vậy nên việc liệt kê một vài quyển sách và tụng ca rằng đó là "những cuốn sách mang lại thành công", là một việc làm nông cạn rất tai hại. Người viết đã lấy sự nông cạn khi đo đếm giá trị của sách để tiếp nối một suy luận ngô nghê, nông cạn khác.

Có rất nhiều diễn đàn cũng như các cuộc thảo luận về sách self-help

Có rất nhiều diễn đàn cũng như các cuộc thảo luận về sách self-help

Tuyên truyền về tác dụng của sách bằng cách nói rằng đọc sách giúp dễ trở nên giàu có, thành đạt, không nâng tầm của sách mà chỉ làm cho sách trở thành công cụ tầm thường, bị vật chất hóa. Người đọc sách, nếu chỉ đọc sách vì khát khao làm giàu, thì đó là sự bi thảm của cả sách và con người. Khi sự "giàu có" được đóng khung trong giá trị vật chất mà việc đọc sách có thể mang lại, đó là một sự thiển cận, hạ thấp giá trị của sách. Đọc sách là quá trình thẩm thấu kiến thức dần dần và nâng cao khả năng tiếp nhận kiến thức dần dần, làm giàu vốn ngôn ngữ và văn hóa cũng dần dần. Đó là một quá trình lâu dài và bền bỉ, thường xuyên, không có lối đi tắt. Không thể có chuyện đốt cháy giai đoạn, chỉ cần đọc một vài cuốn sách có thể thay đổi được một con người.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, nếu chỉ chú tâm vào những cuốn sách self-help thì sẽ giống như chỉ ăn một món duy nhất, dễ dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng và suy nhược. Nếu đọc sách không bằng tư duy phê phán và có nền tảng văn hóa vững chắc, phong phú thì rất dễ bị ngộ độc sách. Có nền tảng văn hóa vững chắc bằng cách nào: đọc nhiều thể loại. Như vậy, sách lại được trả về với giá trị của nó, vừa là kho tàng tri thức, vừa nuôi dưỡng tâm hồn người đọc.

"Đừng đọc cho vui giống như trẻ con, hay giống như kẻ tham vọng, đọc vì muốn được chỉ dẫn. Không, hãy đọc để sống", một nhà thông thái đã nói như vậy./.

Phượng