Người Việt hiếu học nhưng không hiếu đọc(?!)

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 14:59, 02/12/2022

Một điều rất kỳ lạ là người Việt Nam luôn tự nhận mình là hiếu học, nhưng lại thờ ơ với sách - sản phẩm được cho là nơi lưu trữ kho tàng tri thức của nhân loại.

Người Việt có thật sự hiếu học theo đúng nghĩa của sự học?

Học sinh Việt Nam phải dành rất nhiều thời gian cho việc học: học ở trường, học thêm với thầy cô giáo ở nhà riêng hoặc ở các trung tâm, học ở nhà. Nội dung của những buổi học này xoay quanh chương trình học được ngành giáo dục thiết kế, và mục tiêu cuối cùng của đa số học sinh và phụ huynh là điểm số.

Theo GS Trần Ngọc Thêm, đặc điểm này bắt nguồn từ lịch sử dân tộc. Toàn bộ lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của một nền văn minh lúa nước. Người trồng lúa nước gắn bó với đất, với làng, cả đời không ra khỏi làng, lúc nào cũng chỉ mong được yên ổn. Để đáp ứng nhu cầu của một xã hội ưa ổn định thì nền giáo dục có mục tiêu là đào tạo ra những con người giúp xã hội giữ được ổn định. "Ngoan" là phẩm chất mục tiêu của giáo dục Việt Nam truyền thống. Còn năng lực mà giáo dục Việt Nam truyền thống hướng tới là giỏi. Giỏi được hiểu là thuộc bài. Thuộc bài thì khi trả bài phải làm theo đúng mẫu cái gì cũng có "mẫu": bài tập mẫu, bài văn mẫu..., sẽ đạt thành tích cao. Triết lý giáo dục Việt Nam truyền thống có thể tóm gọn trong 4 chữ "con ngoan - trò giỏi", là mục đích phấn đấu của mỗi học sinh, là con đường dẫn tới thành công. Thành công ngày xưa là thi đỗ làm quan, bây giờ là thi đỗ lấy bằng. Mục đích rất cụ thể và rất thiển cận.

Người Việt Nam dành rất nhiều thời gian để học, nhưng lại dành rất ít thời gian cho sách, dù luôn khẳng định sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Không hiếm gặp khẩu hiệu "Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản" (Lenin) ở nhiều nơi. Nhưng sách chưa từng là quan tâm thực sự của xã hội.

Báo Pháp luật cung cấp một thông tin khảo sát: 98% số người được hỏi không đọc sách tuần qua; 80% không đọc sách trong một năm qua; 70% cho biết chỉ học chứ không đọc.

Cựu nhà giáo Thái Hạo, một người đọc rất nhiều, phải kêu lên: "Học chứ không đọc sách, đây có lẽ là điều kỳ lạ nhất mà một cư dân ở quốc gia khác có thể nghe thấy về xứ sở của ta. Thực tế là người dân gần như không đọc sách. Nhưng, học sinh cũng không đọc; đáng sợ hơn, giáo viên cũng không mấy ai đọc sách. Nghĩa là người Việt gần như không đọc sách! Quốc gia không đọc sách, chúng ta đang đứng trước nguy cơ vĩnh viễn bị bỏ lại phía sau về mọi mặt. Có một điều chắc chắn, rằng không có cách gì có thể chấn hưng được dân tộc nếu tình trạng đọc sách như hiện tại vẫn còn tồn tại, thậm chí có nguy cơ đi xuống. Một tình trạng "sa mạc hóa" tinh thần đang hiện hình; chúng ta có thể phải chứng kiến một thời kỳ hoang dã mới ngay trong thế kỷ 21 này khi ngày càng xa lạ với văn minh nhân loại và các trải nghiệm tế vi mà chỉ có sách mới có thể chuyển tải được.

Một ông hiệu trưởng có lần thú nhận với tôi, rằng suốt cả chục năm qua ông không hề đọc một cuốn sách nào. Hãy hình dung về cái thảm trạng của một trường học "được" lãnh đạo bởi những vị như thế. Đó là cơn ác mộng của giáo dục và của xã hội nói chung".

Học sinh Nhật Bản có thể đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi

Học sinh Nhật Bản có thể đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi

Học sinh chăm học nhưng không chăm đọc

Cách thiết kế chương trình học ở Việt Nam tạo cho giáo viên và học sinh áp lực rất nặng nề, thường được báo chí nêu lên là "quá tải". Giáo viên và học sinh luôn phải dồn sức chạy cho kịp chương trình và các kỳ thi. Khối lượng bài vở nhiều, cộng với việc học sinh mất thời gian ở các lớp học thêm đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và năng lượng của học sinh. Kết cấu chương trình học cũng không thiết kế để sách có vị trí trong nhà trường, nên khi nhà nước đưa vấn đề xây dựng văn hóa đọc cho xã hội, việc tạo không gian đọc cho học sinh, vận động học sinh đọc sách không dễ gì thực hiện. Bản thân nhiều giáo viên cũng không đọc sách, vậy nên khó thể đòi hỏi họ đầu tư cho việc đọc của học sinh. Ở nhiều nơi, dưới áp lực các chỉ tiêu thi đua, việc mang sách vào trường học cũng được thực hiện, nhưng chỉ làm chiếu lệ, đầy tính hình thức và đối phó.

Với kiểu dạy học này, việc "học" và "đọc", lẽ ra là hai vế bổ trợ cho nhau, lại tách rời như không hề liên quan tới nhau. Trong khi đó, tư duy giáo dục hiện đại thì trường học không phải là nơi truyền đạt kiến thức cho học sinh theo một chiều. Giáo dục hiện đại phải tạo ra được những con người chủ động, sáng tạo, có tư duy phê phán, có năng lực lựa chọn và xử lý thông tin. Đó là cách giáo dục mà những trường học có yếu tố quốc tế ở Việt Nam đang thực hiện.

Theo nhà giáo dục Nguyễn Quốc Vương, học sinh chăm học nhưng không chăm đọc là một tình trạng đáng suy nghĩ. Các em đã và đang học văn mà chỉ đọc các đoạn trích trong sách giáo khoa, không hề đọc gì khác nữa về tác phẩm hay cuộc đời tác giả. Tình trạng này cũng có thể thấy ở bất kì môn học nào khác. Cách đó gọi là "học gạo", chỉ phục vụ thi cử. Nó không tạo ra được những người có học vấn thực sự.

Nhiều học sinh Việt Nam lười đọc sách. Ảnh minh họa

Nhiều học sinh Việt Nam lười đọc sách. Ảnh minh họa

Học sinh không đọc sách, nhà trường cũng có lỗi

Học sinh không đọc sách, lỗi đầu tiên thuộc về gia đình, nhưng ngành giáo dục cũng góp phần quan trọng tạo nên tình trạng này, vì đã không tạo ra động cơ đọc sách cho học sinh. Trong khi ở những nước tiên tiến, thư viện trường học đóng vai trò vô cùng to lớn trong giáo dục. Nhật Bản có hẳn bộ luật riêng về thư viện trường học, có hiệu lực lần đầu 1/4/1953,  ở điều 1 ghi rõ "thư viện trường học là công trình cơ bản không thể thiếu trong giáo dục trường học và nó có mục đích hướng tới sự phát triển lành mạnh, làm phong phú giáo dục trường học". Trong khi đó, thư viện nhiều trường học ở Việt Nam chỉ như kho chứa sách, mà phần lớn là sách giáo khoa và sách tham khảo phục vụ việc giải bài tập.

Nước Mỹ lập ra một dự án hỗ trợ học sinh cải thiện khả năng đọc

Nước Mỹ lập ra một dự án hỗ trợ học sinh cải thiện khả năng đọc

Cựu lãnh đạo của đất nước dành hẳn 5 tỷ USD cho một dự án hỗ trợ học sinh cải thiện khả năng đọc khi phát hiện nhiều học sinh gặp vấn đề về đọc, Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói: "Vào khoảnh khắc mà chúng ta thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn". Để văn hóa đọc có đất phát triển trong trường học, ngôi trường không nên chỉ là nơi học sinh đến để học, kiếm điểm số, ôn luyện đề cương để bước tiếp lên những bậc thang đào tạo cao hơn, và đích đến cuối cùng là một tấm bằng và một công việc tốt để kiếm tiền./.

Phượng