Đọc lướt tăng lên, đọc nghiền ngẫm đi xuống

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 16:38, 25/11/2022

PGS. TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), trong một nghiên cứu về vấn đề đọc của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ GenZ đã đưa ra nhận định: Đây là thế hệ có thói quen làm việc đa nhiệm và tốc độ dẫn đến văn hoá đọc lướt tăng, đọc nghiềm ngẫm đi xuống.

9 đặc trưng tâm lý của GenZ ảnh hưởng đến thói quen đọc sách

Sự phát triển của khoa học công nghệ, internet và mạng xã hội đã dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức, hành động và thói quen tìm hiểu, học hỏi, khám phá thế giới thông qua đọc sách.

Thay vì phải lật, giở và tìm thông tin trên các trang giấy hoặc đến thư viện, giới trẻ chủ yếu bấm trên thiết bị thông minh, gõ hoặc "search" trên các ứng dụng tìm kiếm. Điều này vừa là thuận lợi của thời đại ngày nay vừa làm chuyển dịch và thay đổi thói quen đọc sách.

Phân tích việc đọc sách của GenZ (những người sinh ra trong giai đoạn 1997-2006), PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: "Thế hệ Z là những công dân số, sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến, điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen của họ trong việc đọc sách. Sự chú ý của Gen Z ngày càng trở nên ngắn hơn, họ có xu hướng tìm kiếm những thông tin hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn là con chữ. Vì vậy, cần thêm nhiều nghiên cứu liên quan đến chủ đề này làm cơ sở xây dựng các chính sách khuyến học phù hợp".

Thanh niên thế hệ Z là những người sinh ra trong giai đoạn 1997 đến 2006 là độ tuổi bao gồm chủ yếu là học sinh THPT, sinh viên và một số người mới đi làm. Nghiên cứu của PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra các đặc trưng tâm lý của thế hệ này ảnh hưởng đến thái độ đọc sách như sau:

Thứ nhất, GenZ thực dụng và thực tế hơn, tham gia kiếm tiền sớm hơn. Họ không còn quá coi trọng học đại học so với thế hệ trước đây. GenZ hiện bị ảnh hưởng và định hướng lớn bởi tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, vì vậy, GenZ có nhu cầu tìm đọc các tài liệu liên quan đến tư duy tài chính.

Thứ hai, GenZ có xu hướng tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, thích thể hiện cá tính bản sắc độc đáo của bản thân, sống tự lập, tự chủ và hiện sinh hơn.

Thứ ba, GenZ sinh ra vốn đã là công dân số, vì vậy GenZ tiếp cận và tiêu thụ thông tin nhanh và nhiều hơn (tuy nhiên, việc xử lý thông tin cũng vì vậy mà được dành ít thời gian hơn). Thói quen làm việc đa nhiệm và tốc độ dẫn đến văn hóa đọc lướt tăng, đọc nghiền ngẫm đi xuống nên có thể GenZ thích đọc các tài liệu số hơn là các tài liệu giấy truyền thống.

Thứ tư, GenZ bây giờ cũng không còn thích học hàn lâm nữa mà học theo kiểu "cầm tay chỉ việc" (on job training)… Nên GenZ  thích đọc về các kỹ năng cụ thể, hướng dẫn để làm việc được luôn, kiếm tiền được ngay như học các thủ thuật, các mẹo, học kỹ năng nghề dịch vụ, làm đẹp…

Thứ năm, GenZ quan tâm và lo lắng nhiều hơn về vấn đề an ninh phi truyền thống (như an ninh lương thực, an ninh khí hậu, an ninh biển đảo…). Hiện giới trẻ bắt đầu thử các cách sống khác nhau như "sống xanh", "sống tối giản", "sống độc thân", "sống thực dưỡng", ăn kiêng Keto, sống chậm, trở về với thiên nhiên, coi chạy như là lẽ sống…. Họ thích sống với lối sống YOLO (you only live once) – bạn chỉ sống có một lần. Vì thế có lẽ GenZ sẽ có xu hướng tìm đọc hoặc sở hữu những tác phẩm thể hiện quan điểm phong cách sống như một cách khẳng định bản thân.

Thứ sáu, GenZ quan tâm tiếp cận đến các chủ đề như: tín ngưỡng, tôn giáo, tôn trọng sự đa dạng, khác biệt…

Thứ bảy, GenZ cũng đang gặp nguy cơ cao hơn về tổn thương sức khỏe tâm thần (20-30%) vì ngày ngày phải xử lý một lượng thông tin quá tải. Chính vì vậy, họ cũng quan tâm hơn nhiều đến các lĩnh vực tâm lý, sức khỏe tâm thần và các tác phẩm nổi tiếng về chủ đề này.

Thứ tám, GenZ quan tâm nhiều hơn đến diện mạo bên ngoài, vì vậy họ có xu hướng chi tiêu cho những thứ làm nổi bật cá tính qua hình thức bên ngoài ngày càng nhiều. Và các cuốn sách cũng có thể được sở hữu không phải vì nội dung kiến thức mà vì một "phong cách" mà nó mang lại.

Thứ chín, GenZ coi trọng sự trung thành, nhân ái, chu đáo, cởi mở, trách nhiệm, quyết đoán, yêu nước và biết ơn, vì vậy, đây cũng là một vấn đề họ quan tâm tìm đọc.

GenZ quan tâm tiếp cận đến các chủ đề về tôn trọng sự đa dạng, khác biệt…

GenZ quan tâm tiếp cận đến các chủ đề về tôn trọng sự đa dạng, khác biệt…

Hiểu giới trẻ để kiến tạo việc phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng

Với 9 đặc điểm được PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra ở trên, có thể thấy giới trẻ của giai đoạn cụ thể này một tinh thần chung của thời đại. Khi những công dân số sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến có khả năng mở rộng các cơ hội truy cập thông tin không giới hạn. Điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen và đặc điểm của họ đối với việc đọc đặc biệt là đọc sách. Sự chú ý của GenZ ngày càng trở nên ngắn hơn, họ có xu hướng tìm kiếm những thông tin hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn là âm thanh hay con chữ, được cá nhân hóa theo sở thích. Việc hiểu các đặc điểm của GenZ cũng như các thói quen đọc sách của thế hệ này chính là điểm khởi đầu để kiến tạo thói quen và văn hóa đọc cho các em.

Đương nhiên, nghiên cứu trên có thể chưa đầy đủ trên diện rộng, ngay cả cùng là thế hệ GenZ, đặc điểm và tâm lý giới trẻ ở các vùng miền địa phương cũng khác nhau. Nhưng khi đã có các nghiên cứu khoa học đầy đủ thì việc xây dựng kế hoạch để triển khai chương trình phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng sẽ phù hợp hơn. Ví dụ, có những ý kiến đề nghị xây dựng website đọc sách trực tuyến sinh động, phong phú và miễn phí cho học sinh tất cả các vùng miền, cấp học. Website này cung cấp bản mềm sách giáo khoa; có sách văn học, kỹ năng sống, truyền cảm hứng; có sách nói nhiều ngôn ngữ; có mục giới thiệu sách dưới dạng bài viết hay video.

Tình trạng đọc lướt tăng lên, đọc nghiền ngẫm đi xuống có lẽ cũng không chỉ là "bệnh" riêng của lớp trẻ mà phổ biến ngay cả với thế hệ trung niên. Văn học trong nhiều năm khi mạng xã hội nở rộ cũng phổ biến tản văn ngắn viết vội để chạy theo like và comment hơn là sự phát triển của truyện ngắn và tiểu thuyết.

Không còn cách nào khác, hoạt động thư viện cộng đồng cũng buộc phải bắt kịp xu hướng chuyển đổi số của thời đại, sử dụng Internet để kết nối, giúp thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng nguồn thông tin của các thư viện và các xuất bản phẩm một cách dễ dàng thuận lợi hơn, đẩy mạnh số hóa tài liệu để các bạn trẻ có thể đọc trực tiếp bằng điện thoại, máy tính.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: Thế hệ Z là những công dân số, sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến, điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen của họ trong việc đọc sách.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: Thế hệ Z là những công dân số, sống và học tập trong không gian công nghệ tiên tiến, điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen của họ trong việc đọc sách.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn mong muốn rằng các bạn trẻ nên vứt đi chiếc điện thoại, đọc sách nhiều hơn. Bởi vì chúng ta luôn hiểu rất rõ nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng cho trẻ đọc sách trong suốt những năm tháng đầu đời sẽ giúp thúc đẩy trí não phát triển. Thậm chí các nghiên cứu mới đây của Trung tâm Khám phá khả năng Đọc và Đọc hiểu của Bệnh viện Nhi Cincinnati (Ohio, Mỹ) cho thấy những bằng chứng về những lợi ích của việc đọc sách và những bất lợi tiềm ẩn của việc tiếp xúc với điện thoại, tivi trong việc phát triển não bộ của trẻ./.

Thành Đức