Những người cõng sách tới bản xa
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 08:46, 24/11/2022
Đói cơm không bằng đói sách
Chàng trai Nguyễn Tú Anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của tỉnh Yên Bái, lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ một cậu bé miền núi nghèo yêu sách, mê sách, cũng từng làm giáo viên, và giờ mưu sinh bằng vựa cây kiểng, làm công trình, Nguyễn Tú Anh nhiều lần chia sẻ "thấm nỗi đói cơm, thiếu sách và cũng nhận ra, khi nghèo nàn tri thức thì mình thực sự… nghèo nàn".
Chính vì vậy, khi cùng những người bạn làm nên các chương trình trong nhóm "Chủ nhật yêu thương", Nguyễn Tú Anh đặc biệt chú tâm đến việc mang sách - tri thức đến với các bạn nhỏ vùng sâu, vùng xa: "Con số 1.001 thư viện (hay nói chính xác là điểm đọc sách) chính là mục tiêu của tôi và nhóm".
Từ tâm nguyện yêu thương và muốn sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, những trẻ em nghèo, đã nhiều năm Nguyễn Tú Anh thành lập nhóm "Chủ nhật yêu thương" để thực hiện các dự án cộng đồng. Nguyễn Tú Anh cho biết, từ năm 2007, những hoạt động ban đầu của anh và bạn bè chỉ là chia sẻ với trẻ mồ côi, người già neo đơn, người vô gia cư… Khi có nhiều tình nguyện viên cùng chung thành ý, cùng tập hợp lại giúp đỡ, năm 2013 nhóm thiện nguyện "Chủ nhật yêu thương" mới chính thức có tên.
Giúp người nghèo miếng cơm, manh áo được chia sẻ từ những tấm lòng nhân hậu, gặp gỡ những em vùng cao cơ cực như mình đã từng, Tú Anh nhận ra rằng điều cần được chia sẻ nhất với những mảnh đời khó khăn chính là đời sống tinh thần, là những niềm vui từ văn hóa mang lại, dù có thể trong công việc thiện nguyện, nhiều người nhận mong đợi sự giúp đỡ về vật chất, kinh tế hơn.
Tú Anh chia sẻ trong hồ sơ Dự án: "Ngày 31 tháng 12 năm 2013 có dịp thăm một ngôi trường ở vùng bản xa thấy các bé đồng bào dân tộc nơi đây ví như thời nguyên thủy ,thấy sự nghèo khổ, những căn nhà nền đất vách tre nứa rách nát. Thấy tụi nhỏ bỏ học giữa chừng. Từ đây Chủ nhật yêu thương có ý nghĩ phải làm gì đó cho các em nhỏ nơi đây. Từ " SÁCH" bắt đầu hiện ra".
Ý thức được những giá trị to lớn mà sách mang lại và mong muốn lan tỏa nó đến trẻ em vùng cao, nhóm "khởi đầu từ những cuốn sách đầu tiên, tháng 3/2014 ở một bản xa nơi đồng bào Stieng, Bình Phước", sau hơn một năm cả nhóm "mày mò cách làm, cách thực hiện hiệu quả nhất, thì từ " thư viện Chủ nhật yêu thương" ra đời và nó là tiền đề to lớn cho dự án "1001 Thư viện Chủ nhật yêu thương" được hình thành".
Trong những buổi chia sẻ với các em học sinh về văn hóa đọc ở TP. Hồ Chí Minh, Tú Anh cho biết nhóm huy động sách từ nhiều nguồn, nhưngcó hai nguồn chính là xin và mua. Nhờ sức lan tỏa của dự án, những người bạn từ khắp mọi miền đất nước đã gửi sách tặng. Cuối tuần, nhóm và những tình nguyện viên cùng nhau soạn sách, đóng sách để chuyển tới các nhóm đọc, các thư viện nhỏ ở những vùng khó khăn của đất nước.
Mỗi tháng 1 lần, nhóm sẽ chuyển lượng sách mua và quyên góp được lên cho trẻ em ở các tỉnh từ Bắc, Trung, Nam, đa phần trong số đó là các trẻ em người dân tộc thiểu số. Từ năm 2011, nhóm tạo được 450 thư viện, quyên góp hàng triệu quyển sách trao tặng ở khắp các tỉnh thành.
Sách đến bản xa
Sách của nhóm Chủ nhật yêu thương được gửi tới trường học, nhà văn hóa thôn xã, các tụ điểm văn hóa, thư viện gia đình, và đến với cả các điểm ở chùa chiền, nhà thờ, các trại giam... Mỗi thư viện do nhóm thực hiện sẽ có từ 300 đến hơn 1.000 quyển sách tùy quy mô. Sau khi thư hiện ra đời, nhóm vẫn đến bản xa tổ chức lễ hội sách, các hoạt động vui chơi, thiện nguyện, cũng như cố gắng gửi bổ sung sách mới, tạo liên hệ giữa các thư viện gần nhau trong một địa phương để trao đổi sách.
Nguyễn Tú Anh cùng đồng đội trong nhóm nghĩ ra những hoạt động thật "hay ho" để mọi người "yêu sách hơn". Như gần đây nhất Lễ hội Đọc sách tặng cây - Đổi sách lấy cây, dù tổ chức chỉ trong 3 ngày từ 18/11/đến 20/11/2022, nhưng đã được cộng đồng ủng hộ nhiệt tình.
"Từ nhà tới kho sách là gần 50km, mà mình luôn thấy thật gần, dù đi cả tiếng mới tới, nhưng mình luôn hào hứng chạy qua chạy lại, cuối tuần làm ko kịp là cả những ngày trong tuần..." - Tú Anh tâm sự như vậy.
Những khát vọng của Tú Anh và nhóm được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng, không quản đường xa những ngày cuối tuần đến hỗ trợ cùng các anh. Chính sự nhiệt tình cổ vũ, sự thấu hiểu của những người bạn đồng hành đã giúp nhóm chưa bao giờ nản dù khó khăn vẫn chồng chất. "Nhiều lúc mệt quá, khó khăn quá, chúng mình lại nghĩ tới nụ cười của các bé khi đọc những cuốn sách và nghĩ về một tương lai xa hơn thì các bé sẽ có một cuộc sống tốt hơn về tri thức và một tâm hồn phong phú, giàu yêu thương thế là chúng mình lại lao đi, lại làm, lại vượt qua". Anh nói.
Và đây là cái cách Tú Anh viết ra để tự động viên mình trên trang cá nhân: "Chúng mình ấy à. Hàng ngàn quyển sách đi khắp bản xa Việt Nam mình đấy. Chúng mình tranh thủ từng phút giây, làm và làm... lao động, lao động, bền bỉ và bền bỉ. Mình cần nỗ lực nhiều hơn.
Cuối tuần làm ko kịp, làm tranh thủ cả những ngày trong tuần..
Mình cần phải nỗ lực nhiều lắm lắm, vừa trồng cây, chăm cây, vừa công trình, vừa gây dựng cái vựa cây, vừa chạy qua kho sách chuẩn bị đồ... vừa lo toan đồ... Có khi nhiều ngày liên tục mình làm liên tục từ 5h sáng tới đêm hoặc tới sáng hôm sau luôn. Colennaoooo.. mình cần hoàn thành tất cả, có khó khăn gian khổ chỉ làm mình tôi rèn đức tính mà mình rất thích đó là can trường…".
Những lời động viên chính mình của Nguyễn Tú Anh, khiến người đọc cảm động về hình ảnh một chàng trai quê gốc Yên Bái, vào TP. HCM lập nghiệp, và dẫu luôn phải cặm cụi lo cuộc sống cơm áo gạo tiền, vẫn cùng bè bạn lập nên được nhóm Chủ nhật yêu thương và gánh gồng Dự án "1001 thư viện bản xa"./.