Sách giữa phố, sách về buôn

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 09:27, 23/11/2022

Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột nằm ở một trong những vị trí đẹp nhất, trung tâm nhất thành phố Buôn Ma Thuột: con đường dài khoảng 100m uốn cong giữa hai bức tường của Nhà thờ chính tòa và Trường Phan Chu Trinh.

Đường sách cà phê - nơi không chỉ người yêu sách hẹn hò

Đề án Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột được Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk phê duyệt ngày 17/12/2018 tại Quyết định số 3400/QĐ-UBND. Được khởi công xây dựng từ tháng 12/2018, tuyến đường có hơn 20 gian hàng chia thành các khu vực gồm đọc sách, uống cà phê, đồ lưu niệm… phục vụ khách hằng ngày. Chịu trách nhiệm quản lý ở đây là Công ty TNHH Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột.

Đó thực sự là một điểm nhấn văn hóa - kiến trúc - giải trí ấn tượng với người dân thành phố và du khách tới thành phố này, nhất là những người trẻ.

Nhiều hoạt động văn hóa lớn đã diễn ra tại đường sách, như các lễ hội cà phê, sầu riêng; ngày hội đọc sách, giới thiệu sách, giao lưu với các tác giả; biểu diễn nghệ thuật các tối cuối tuần; lễ hội halloween…

Gần hai năm dịch Covid đã biến không gian đọc - chơi - check-in của người Buôn Ma Thuột thành vắng vẻ. Đến nỗi Công ty TTHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột phải cầu cứu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh hỗ trợ. Đường sách mở cửa trở lại bằng những hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4/2022, và từ đó đến nay, con đường này ngày càng tấp nập.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong ngành văn hóa như Bảo tàng Đắk Lắk, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh, Thư viện tỉnh cùng cộng đồng trách nhiệm, quan tâm và phối hợp tổ chức các hoạt động chuyên môn tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột để góp phần quảng bá văn hóa của địa phương, văn hóa đọc tới khách du lịch và nhân dân trong tỉnh.

"Xe Thư Viện Mùa Xuân sẽ có mặt tại Đường Sách Cà Phê BMT sáng mai CN 18/9 từ 7h30-11h30. Rất nhiều sách truyện thiếu nhi để cho các em nhỏ có thể tìm hiểu, đọc sách và trải nghiệm. Hoàn toàn miễn phí. Chương trình khuyến đọc do BQL Đường Sách Cà Phê BMT kết hợp với Thư viện mùa xuân thực hiện ít nhất mỗi tháng 01 số.

Bạn nhỏ nào yêu sách và mọt sách mình hẹn hò ngày mai nhé".

Hay, như thế này: "SV trường FPT và đơn vị sách Sbooks tại đường sách cà phê BMT tổ chức chương trình ngoại khoá. Nhân dịp này, các bạn sinh viên được thoả niềm đam mê với tình yêu sách thông qua các hoạt động, trải nghiệm với sách và đặc biệt được giao lưu với Nhà sáng lập của Sbooks: anh Nguyễn Anh Dũng.

- Qua đây, các bạn sẽ được truyền cảm hứng và tình yêu sách, cũng như hình thành thói quen đọc sách. "Nếu bạn biết cách đọc sách, thì cả thế giới sẽ mở ra" - Barack Obama"…

Sách giữa phố, sách về buôn - Ảnh 1.

Những lời hò hẹn như vậy thường xuyên được đăng tải trên tài khoản Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Đáp lại, những ngày cuối tuần, nhiều gia đình đưa con đến đường sách. Trẻ con, người lớn đọc sách, vẽ tranh, thư giãn bên nhau trong không gian đẹp và thoáng, với những hiệu sách, quán cà phê được xây dựng theo phong cách kiến trúc của người bản địa Tây Nguyên.

Có thể không ham đọc sách, chưa từng cầm lên tay quyển sách, nhiều người tò mò tìm tới đường sách để chụp vài bức ảnh đẹp, uống một tách cà phê, xem trình diễn nghệ thuật. Và thứ đập vào mắt chắc chắn là sách, đủ để gợi lên sự tò mò - Thế đã là thành công của những người khởi xướng, xây dựng và điều hành hoạt động ở không gian văn hóa này. Và họ sẵn sàng đi đường vòng để đưa sách đến người đọc:

"Mọi người đã chuẩn bị cho mình 1 kỳ nghĩ lễ như thế nào rồi. Nào, hãy cùng bạn bè và người thân của mình đến Đường Sách Cà Phê BMT để cảm nhận, dành cho mình 1 buổi tối đầy năng lượng và ý nghĩa, để thư giãn, nhâm nhi món thức uống yêu thích, nghe những bài hát, những màn trình diễn tuyệt vời từ ban nhạc hay giao lưu âm nhạc cùng các bạn khán giả.

Lựa cho mình những cuốn sách hay, cũng như chia sẻ niềm đam mê đọc sách đến bạn bè, người thân,để rồi về nhà có 1 giấc ngủ thật ngon. Thì còn gì bằng phải không ạ! Chương trình ca nhạc buổi tối sẽ đc tiếp tục diễn ra vào các ngày lễ 29-30-1-2. Và các ngày trong tuần từ thứ Ba đến Chủ nhật".

Sách giữa phố, sách về buôn - Ảnh 2.

Từ đường sách, sách về buôn

"Thư viện về buôn" là một dự án phi lợi nhuận nhằm lan toả văn hoá đọc với triết lý và quan điểm đơn giản: sách phải được mang đến nơi cần sách. Đường Sách chỉ là nơi truyền cảm hứng" - Đó là giới thiệu của ông Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột.  

Dự án phát triển văn hóa đọc Tây Nguyên "Thư viện về buôn" do Công ty TTHH MTV xã hội Bồ Công Anh khởi xướng cuối tháng 8/2019. CEO của công ty này chính là ông Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành đường sách cà phê.

Như đơn vị này tự giới thiệu, điểm nhấn mới mẻ trong dự án "Thư viện về buôn" không chỉ ở việc tặng sách, cơ sở vật chất mà còn ở các hoạt động cộng đồng xoay quanh không gian đọc như nặn tò he, tái chế chai nhựa, trò chơi dân gian, thiếu nhi vẽ tranh, lớp học về lòng biết ơn… Các hoạt động trải nghiệm nhằm tạo niềm say mê, hứng khởi cho các em, để các em thích đến thư viện hơn, từ đó hình thành niềm yêu thích đọc sách.

Ông Phạm Thanh Tuấn đã âm thầm đi xin sách để hiện thực giấc mơ "phủ sóng" thư viện đến tận các buôn làng. Tuy nhiên, khi nhận thấy đây không phải là cách làm hiệu quả, lâu dài, ông Tuấn nghĩ đến cộng đồng khởi nghiệp, và ý tưởng được mọi người nhiệt tình ủng hộ. 

Để có nguồn sách, dự án làm các chương trình đổi sách cũ lấy bơ sáp, sen đá, rau sạch, kết hợp các chương trình sách cho cộng đồng với các nhà xuất bản, công ty kinh doanh sách như NXB Trẻ, Thái Hà Book, First New Trí Việt…

Để có tài chính, Ban quản lý dự án tổ chức "phiên chợ xanh tử tế". Các đơn vị tham gia bán các sản phẩm nông nghiệp sạch, đồ thủ công handmade… 10% doanh thu sẽ đóng góp vào quỹ "Thư viện về buôn"; 60% doanh thu từ các hoạt động truyền thông, tư vấn, xã hội của Công ty Bồ Công Anh được trích ra để góp quỹ...

Ông Tuấn tính toán mỗi thư viện cần khoảng 30 triệu đồng, trong đó 20 triệu đồng dành cho sách, 10 triệu đồng cho các thiết bị phục vụ việc đọc sách.

Sách giữa phố, sách về buôn - Ảnh 3.

Chỉ với 3 lần tổ chức "Phiên chợ xanh tử tế" trong năm đầu tiên, dự án đã huy động được hơn 1.600 đầu sách, 11 triệu đồng. Ngay sau đó, "Thư viện về buôn" đã hiện diện ở buôn Kiều (xã Yang Mao, huyện Krông Bông), buôn Tơ Zoa (Chư Mưng, Ea H'leo), buôn Dha Prong (Chư Ebua, thành phố Buôn Ma Thuột), trường THCS Ngô Mây (Ea Mdroh, Chư M'gar)…

Ônh Phạm Thanh Tuấn tâm sự: "Mình là người mê đọc sách. Chính vì vậy bản thân cũng muốn làm gì đó để lan tỏa đam mê đến mọi người, nhất là giới trẻ".

Dự án "Thư viện về buôn" lên kế hoạch đưa 50 thư viện về các buôn làng khó khăn ở các tỉnh Tây Nguyên./.

Phượng