Khuyến đọc, câu chuyện của những người tiếp lửa

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 08:58, 19/11/2022

Hiện nay có rất nhiều mô hình tủ sách gia đình, thư viện cộng đồng đã được thành lập ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và mở cửa miễn phí cho độc giả đến đọc.

Những mô hình khuyến đọc

Có thể kể đến những mô hình thành công như: Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường được thành lập từ năm 2008 ở Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Đây được coi là thư viện tư nhân lớn nhất hiện nay ở Việt Nam với 12.000 đầu sách ban đầu và đến nay đã có trên 60.000 đầu sách phục vụ bạn đọc. Hoặc Tủ sách gia đình Văn Bùi do thầy giáo Bùi Văn Đông - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mô (Ninh Bình) thành lập từ năm 2018 đến nay đã có trên 4.000 đầu sách phục vụ bạn đọc, có sổ theo dõi việc mượn và trả sách hàng ngày.

Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, người truyền cảm hứng cho văn hóa đọc tại rất nhiều diễn đàn, trong cuốn "Xây dựng tủ sách gia đình" phát hành đầu năm 2022, đã nhắc tới và phỏng vấn một vài nhân vật "mở rộng cánh cửa nhà mình" để mời độc giả tới đọc.

Qua quan sát các thu viện có quy mô gia đình, anh nhận thấy các thư viện gia đình này khởi đầu là kết quả của đam mê cá nhân. Chủ gia đình thích sách, yêu sách và có tích lũy sách vở theo năm tháng. Sau đó nhận thấy sự cần thiết và ý nghĩa lớn lao của khuyến đọc họ đã mở rộng cửa cho bạn đọc ngoài gia đình vào đọc và mượn.

Do xây dựng và vận hành dựa trên tình yêu sách vở, tinh thần trách nhiệm công dân và sự giác ngộ về ý nghĩa của khuyến đọc tiến tới xây dựng xã hội dân chủ, văn minh cho nên chúng hoạt động rất tốt cho dù cơ sở vật chất không có gì là đáng kể. Nguồn sách vở và kinh phí vận hành đều do gia đình tự lo và một phần không thường xuyên là do bạn bè, nhà hảo tâm, các tác giả, dịch giả có tấm lòng gửi đến. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sổ mượn sách và trực tiếp hỏi cảm tưởng của bạn đọc ta sẽ thấy tác dụng lớn lao của những thư viện như thế.

Trong "Ngày hội khuyến đọc" năm 2022, NXB Phụ nữ Việt Nam đã mời đại diện các mô hình khuyến đọc thành công trên khắp các vùng, miền của đất nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Vĩnh Long, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế cùng tham gia và chia sẻ những kinh nghiệm hay.

Có rất nhiều những gương mặt tiêu biểu của phong trào khuyến đọc. Trong đó phải kể đến ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thừa Thiên - Huế với câu chuyện khuyến đọc tại Huế. Ông Phạm Thế Cường, chủ thư viện tư nhân tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Hay sư cô trụ trì chùa Thiên Phúc (Thái Bình) - người mở thư viện cho trẻ em trong làng tới đọc. Bà Dương Lệ Nga, quản lý Không gian đọc ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ tại TP. Hồ Chí Minh, người tổ chức, kết nối các hoạt động phái sinh liên quan đến sách. Và không thể không kể tên dịch giả Nguyễn Quốc Vương, người thắp lửa văn hóa đọc tại nhiều diễn đàn vv…

Tiếp sức cho phong trào khuyến đọc

Anh Đỗ Hà Cừ (Thái Bình), người sáng lập Không gian đọc Hy Vọng, sinh ra là một người khuyết tật bị liệt bẩm sinh toàn thân, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình. Song những khó khăn về mặt thể chất không thể ngăn cản tinh thần ham học, ham đọc của anh.  Đến nay, anh đã tích lũy được 4.000 cuốn sách tại Không gian đọc Hy Vọng và 3000 cuốn sách để luân chuyển cho 16 không gian đọc trên cả nước.  

Không gian đọc Hy vọng ở Hòa Bình

Không gian đọc Hy vọng ở Hòa Bình

Quản lý Không gian đọc Hi vọng tại Thái Bình, anh cũng là cầu nối tiếp nhận, phân phối, huy động nguồn lực xã hội triển khai mô hình Không gian đọc do người khuyết tật quản lý ở Thái Bình và nhiều tỉnh thành khác như Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, Hà Tĩnh...vv..

Theo ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng văn phòng đại diện quỹ Zhi-Shan tại Thừa Thiên - Huế thì đọc sách là một phương pháp học tập,  đối với trẻ em, khi năng lực đọc tốt lên, sẽ giúp cho các cháu tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Việc bồi dưỡng thói quen, hứng thú và thói quen đọc sách là điều hết sức cần thiết.

Dự án "Làm bạn với sách" của Quỹ đã triển khai 14 năm nay. Nếu như ở giai đoạn đầu, khoảng từ năm 2008-2010, Dự án tặng sách, tặng túi sách, thùng sách cho các trường, tổ chức hoạt động đọc và kể chuyện cho học sinh theo hình thức cũ. Thì từ Giai đoạn 2 vào năm 2010, Dự án bắt đầu hỗ trợ xây dựng thư viện thân thiện, dần dần đưa tiết đọc sách vào tiết học chính khóa.

Giai đoạn 3 từ năm 2017-2018, Dự án triển khai việc tìm hiểu và học tập kinh nghiệm về phương pháp tổ chức hoạt đọc sách- chia sẻ và kể chuyện sách của tổ chức Reading Dreams Hồng Kông. Từ năm 2019-2022, Dự án thực hiện cho các nhân sự thăm, tìm hiểu và học tập mô hình tổ chức đọc sách Đài Loan, chỉnh lý và biên soạn các tài liệu liên quan đến hoạt động đọc sách, tập huấn kỹ năng tổ chức hoạt động cho giáo viên để thực hành tại trường…

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết, Nhà xuất bản đã, đang và tiếp sức cho với các cá nhân, tổ chức, cơ quan… phát triển văn hóa đọc, bằng nhiều hình thức. Trong đó có thể kể đến việc xuất bản tủ sách hướng dẫn đọc sách, xây dựng tủ sách trong gia đình, nhà trường, cộng đồng…. Đồng thời đưa diễn giả là các tác giả, dịch giả cộng tác với nhà xuất bản đến những nơi cần tiếp thêm động lực để phát triển văn hóa đọc; tặng sách tới những nơi cần sách nhưng chưa có điều kiện để mua.

Nhà xuất bản cũng tổ chức những ngày hội văn hóa liên quan đến sách như Ngày hội khuyến đọc để tạo điều kiện cho những người cùng khát vọng phát triển văn hóa đọc có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thêm động lực cho con đường còn rất dài phía trước…

Ông Nguyễn Quốc Vương nói chuyện về văn hóa đọc tại trường THPT Cao Bá Quát!

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương nói chuyện về văn hóa đọc tại trường THPT Cao Bá Quát

Chính dịch giả Nguyễn Quốc Vương là diễn giả đã cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đi nói chuyện khuyến đọc ở nhiều nơi trong cả nước, từ trường học, tới lực lượng vũ trang, tới trại giam, và cả xóm trọ có nhiều công nhân xa nhà.

Hướng dẫn các gia đình học tập kinh nghiệm xây dựng tủ sách gia đình từ những mô hình thành công, tác giả Nguyễn Quốc Vương, trong "Tủ sách gia đình" cho rằng sẽ thật tuyệt vời nếu như ở mỗi khu phố, mỗi ngôi làng có những tủ sách gia đình mở rộng cửa cho bạn đọc trong vùng tới mượn sách và đọc.

Và sẽ tuyệt vời hơn nữa khi các thư viện, tủ sách đó thường xuyên trao đổi sách, tiến hành các hoạt động giao lưu khuyến đọc thu hút ngày một nhiều hơn bạn đọc đến với mình qua đó góp phần tạo ra môi trường văn hóa ở xung quanh./.

Việt Anh