Chào tiếng Việt - giữ tiếng Việt ở bên ngoài Tổ quốc
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 14:44, 12/11/2022
Giữ văn hoá và ngôn ngữ Việt chỉ bằng cách nói và đọc được tiếng Việt
Theo PGS.TS. ngôn ngữ học Kraevskaia Natalia (Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cộng đồng người Việt, nhất là thanh thiếu niên gốc Việt sống ở các quốc gia khác trên thế giới, sinh ra ở nước ngoài, ít khi về thăm quê, các cháu nhỏ hầu hết học ở trường sở tại, sử dụng ngôn ngữ nước sở tại, không có cơ hội nắm bắt, ứng dụng tiếng Việt một cách đầy đủ.
Tuy vậy, nhiều gia đình kiều bào Việt Nam vẫn mong muốn giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hoá và ngôn ngữ Việt. Và điều này chỉ có thể hiện thực hoá qua việc dạy và học tiếng Việt cho thế hệ trẻ...
Nhưng dạy và học tiếng Việt ở bên ngoài Tổ quốc vẫn là việc đang rất khó khăn. Giáo sư Nguyễn Như Ý - nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục cho rằng: dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài là vấn đề rất phức tạp và hiện nay đang có tình trạng "loạn" phương pháp dạy. Trong đó, từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ hướng đến việc dạy tiếng Việt để trẻ có thể giao tiếp được với ông, bà, người thân và giữ gìn được nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Như Ý chia sẻ quan điểm: việc dạy tiếng Việt còn phải hướng tới giúp trẻ sử dụng tiếng Việt là phương tiện để phát triển bản thân. Có như vậy, việc sử dụng tiếng Việt với trẻ em ở nước ngoài mới đạt được mục đích lâu dài.
Điều này, có được khắc phục ở bộ sách Chào tiếng Việt hay không? TS. Nguyễn Thụy Anh, tác giả bộ sách "Chào tiếng Việt" cho biết: điều quan trọng nhất khi dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài là cần khơi gợi sự hứng thú, tò mò và nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Việt của các em thông qua các hoạt động tương tác như trò chơi, lễ hội… Từ đó, các em sẽ tự muốn tìm hiểu, học và sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp.
"Chào tiếng Việt" do tác giả Nguyễn Thụy Anh biên soạn theo Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018, hướng đến đối tượng trẻ em từ 6 đến 15 tuổi.
Bộ sách gồm 6 cuốn chia theo các cấp độ: Cấp độ 1 - Ra khơi; Cấp độ 2 - Khám phá; Cấp độ 3 - Thử thách; Cấp độ 4 - Kết nối; Cấp độ 5 - Cống hiến; Cấp độ 6 - Trưởng thành.
Trong đó, sử dụng phương pháp tiếp cận trẻ em thông qua trò chơi, hoạt động cụ thể để khơi dậy trong các em sự thích thú sử dụng tiếng Việt khi giao lưu, tương tác với người thân và cộng đồng người Việt. Ngoài ra, bộ sách còn cung cấp các kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý Việt Nam.
Bộ sách "Chào tiếng Việt" cũng hướng tới đối tượng sử dụng là các thầy cô giáo, các phụ huynh hướng dẫn trẻ em học tiếng Việt ở các nhóm lớp hoặc trong các gia đình người Việt ở nước ngoài. Bộ tài liệu này cũng hữu ích cho quá trình dạy và học tiếng Việt trong các trường quốc tế ở Việt Nam.
Học tiếng Việt hiểu hơn tâm hồn Việt
Với mục đích ấy và nhằm lôi cuốn người học nhỏ tuổi đến với việc học tiếng Việt, bộ sách "Chào tiếng Việt" được thiết kế dựa trên nguyên tắc tạo cảm hứng, tạo sự quan tâm.
Tác giả đưa vào sách một nhóm nhân vật cùng trang lứa với người học và một nhân vật hài hước - con mèo có tên Miu Nguyễn. Người học được làm quen với các nhân vật, được rơi vào các bối cảnh và tình huống gần gũi với cuộc sống tuổi thơ, chất hài hóm hỉnh và lời thoại cuốn hút - tất cả điều đó hỗ trợ bền bỉ việc giữ động lực học tiếng Việt ở người học trẻ.
Nói về bộ sách "Chào tiếng Việt", PGS.TS. ngôn ngữ học Kraevskaia Natalia nhận xét: "Một điều thú vị là, tác giả không những so sánh thực tế cuộc sống Việt Nam và phương Tây mà còn chỉ ra một số điểm khác biệt ở khía cạnh đất nước học và từ vựng giữa hai miền Nam Bắc.
Ngữ liệu được sử dụng trong sách theo nguyên tắc đi từ dễ đến khó. Mảng luyện ngữ âm được đặc biệt chú trọng. Tác giả cũng lưu ý đến vị thế "trung gian" độc đáo của nhóm đối tượng người học trong điều kiện phần nào quen thuộc với âm sắc tiếng Việt, nghe phát âm tiếng Việt của người thân trong gia đình nhưng bản thân chưa thực sự nắm bắt được mảng này...".
"Tác giả đã nhấn mạnh kỹ năng nói - điều này đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra là giữ gìn và phát triển sinh ngữ tiếng Việt cho đối tượng cộng đồng người Việt ở nước ngoài…", PGS.TS. Kraevskaia Natalia cho biết.
Còn TS. Nguyễn Thuỵ Anh chia sẻ: Bộ sách "Chào tiếng Việt" là sự đúc rút hệ thống từ những gì tôi đã trải nghiệm, đã làm cùng cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó có cả những kinh nghiệm tôi có được từ quá trình dạy kèm tiếng Việt cho các bạn nhỏ thời tôi còn là sinh viên của trường Đại học Sư phạm Quốc gia Matxcơva. Cụ thể là, thứ nhất, đưa tiếng Việt vào cuộc sống của người học một cách tự nhiên, không áp đặt. Muốn thế, phải tìm hiểu, nắm bắt được tâm lý, sở thích, cuộc sống của người học để thiết kế nội dung và hoạt động học phù hợp, tạo hứng thú và sự sẵn sàng tham gia.
Thứ hai, dạy tiếng Việt có sự kết nối, so sánh với ngôn ngữ và văn hóa bản địa, nơi các em sinh ra và gắn bó. Việc này giúp các em cảm nhận được những nét tương đồng và khác biệt giữa các dân tộc ở nhiều khía cạnh. Từ cái chung có tính phổ quát của nhân loại, người học dần nhận biết nét riêng độc đáo trong tâm hồn dân tộc Việt và người bản địa. Chẳng hạn, cùng đọc hai bài thơ về mùa Thu của hai nhà thơ hai nước rồi lắng nghe bài thơ đã được dịch ra ngôn ngữ bản địa và tiếng Việt. Các em thích thú phát hiện các chi tiết được miêu tả trong trong các bài thơ mùa Thu có điểm giống, khác nhau như thế nào. Qua đó, các từ mới sẽ được ghi nhớ sâu hơn…
Thứ ba là học thông qua trải nghiệm. Mỗi em nhỏ có cơ hội trải nghiệm tiếng Việt rất khác nhau tùy vào sự sẵn sàng tham gia của người thân và các hoạt động của cộng đồng người Việt ở địa phương nơi em sống. Các nhiệm vụ, "thử thách" đưa ra tạo điều kiện cho các em trải nghiệm thực tế, tự tìm đến môi trường ngôn ngữ xung quanh. Ví dụ, các bài tập quan sát, ghi chép, tham gia… như: phỏng vấn hoặc gọi điện cho người thân; quan sát để phát hiện những gì gợi nhớ đến Việt Nam trong nhà em; tham gia ngày hội cộng đồng, trại hè, lễ Halloween, biểu diễn văn nghệ… bằng tiếng Việt.
Tiếng Việt không phải chỉ để giao tiếp, mà để phát triển
TS. Nguyễn Thuỵ Anh mong muốn bộ sách được đón nhận như một "trợ lý" cho thầy cô, ông bà, bố mẹ trong việc giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài. Các bố mẹ hãy cùng con lật giở từng trang sách để làm quen với các nhân vật. TS. Nguyễn Thuỵ Anh tin rằng, hình ảnh sinh động, hiện đại sẽ lôi cuốn các em thử xem, đọc, đoán. Trên cơ sở các gợi ý hoạt động học của tác giả, các bố mẹ, thầy cô hoàn toàn có thể thay thế nội dung hoặc mở rộng nội dung mà giữ nguyên quy trình hoạt động.
Bên cạnh đó, chị cũng mong cuốn sách được sử dụng với quan điểm mở: người lớn dựa trên cuộc sống thực tế của con em mình mà chủ động lựa chọn dạng bài tập, hình thức hoạt động phù hợp. Các chủ đề trong cuốn sách cũng là gợi ý để người lớn trò chuyện với trẻ, giúp bổ sung vốn từ, củng cố ngữ pháp, rèn bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết… nhưng quan trọng hơn, cuốn sách có thể là một cơ hội, cũng là động lực để chính người lớn không ngại tâm tình, chơi và chia sẻ với con nhiều hơn bằng tiếng Việt. Vô hình trung, tiếng Việt vừa là mục đích hướng tới, vừa là phương tiện để các thế hệ trong gia đình cũng như các thế hệ trong cộng đồng Việt ở nước ngoài gần gũi, gắn kết với nhau hơn, cùng xây dựng kỷ niệm, thói quen, truyền thống của mình.
Trong một bài học, tác giả (Nguyễn Thụy Anh) cùng các em nhỏ phân biệt các từ: "phải", "nên", "cần" - đi từ những việc bắt buộc phải làm như một nguyên tắc ứng xử, thỏa thuận đến những việc nếu làm thì tốt cho mình và cho mọi người. Từ gợi ý đó, tôi sẽ đặt câu hỏi cho em bé người Việt ấy: Nếu biết tiếng Việt, em có thể làm được những việc gì? Sẽ tốt, có lợi cho những ai? Đây cũng là một hoạt động nhỏ theo công thức: "Nếu em biết (giỏi) tiếng Việt, em sẽ…".
Tác giả sẽ kể cho em nghe, những công ty lớn đa quốc gia rất chú trọng tìm và ưu tiên những người biết ngôn ngữ gốc của cha mẹ đẻ, hiểu văn hóa cội nguồn. Chị sẽ đề nghị em suy nghĩ và đoán lý do của việc này… Nói tóm lại, em không bắt buộc phải biết tiếng Việt, nhưng nếu biết, sự hiểu biết ấy làm tâm hồn em thêm rộng mở và sâu sắc, giúp em kết nối được nhiều người trong quá trình làm việc sau này. Ồ, biết tiếng Việt thật sự là một điều có lợi, đặc biệt là đối với người gốc Việt!