Văn hóa đọc là diện mạo tinh thần của một dân tộc
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 15:13, 06/11/2022
Trong những năm trở lại đây, có thể nói chưa bao giờ thị trường sách lại phong phú như bây giờ. Tuy nhiên, cùng với đó là những ngổn ngang về định hướng đọc cho công chúng. Nhà văn Bùi Việt Thắng trong một tham luận đã nói về những ngổn ngang của văn hóa đọc. Nhưng trên hết, ông vẫn có niềm tin rằng chúng ta văn hóa đọc sẽ được chấn hưng.
Dưới đây chúng tôi xin lại ý kiến của ông:
Khủng hoảng thừa mà thiếu
Dạo qua các phố sách như Nguyễn Xí, Đinh Lễ ở Hà Nội sẽ thấy sách văn học dịch đang lấn át sách của các nhà văn cổ điển Việt Nam, sách giải trí thuần túy (ngôn tình, đam mỹ…) đôi khi làm người đọc lệch hướng đang lấn át sách có giá trị thẩm mỹ đúng đắn. Nói tóm lại tình trạng "khủng hoảng thừa mà thiếu" đang diễn ra trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có cả sách văn học. Vào một hiệu sách ở một trường đại học sẽ thấy một tình trạng sinh viên ngành Văn chọn mua sách công cụ như từ điển, giáo trình, sách tham khảo… nhiều hơn mua sách văn chương. Vì sinh viên chưa thoát được cảnh "học chay" như cách đây vài chục năm. Nếu ai quan tâm sẽ thấy lo lắng cho vị thế của sách văn chương trong đời sống hiện đại.
Tại Việt Nam, một tiểu thuyết hạng khá in với số lượng 1.000 cuốn đã bán lay lắt, loại trừ sách "bắt mắt", hay "nhạy cảm". Vì thế nỗi sợ hãi có thật của nhà văn ngày nay là tác phẩm mình viết và in ra sẽ bị chìm lấp trong thế giới mạng, trong sự thờ ơ cố tình hoặc vô tình của chính những người trước đây son sắt thủy chung với văn hóa đọc này ngả theo. Họ chạy theo văn hóa nghe - nhìn như một con khủng long đời mới "ngoạm" dần hết thị phần sinh hoạt tinh thần trong một xã hội.
Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng văn hóa đọc xuống cấp ở nước ta hiện nay có lỗi của ngành giáo dục. Nạn học hành, thi cử nặng nề đã cướp mất tuổi thơ của thiếu niên, nạn "nhồi nhét" kiến thức làm cho nhiều em không có thời gian đọc sách, nhất là sách văn chương. Tuy nhiên, lớp trẻ đang nói ở đây rất khác nhau.
Trước hết là lớp trẻ là sinh viên đại học và cao đẳng, lực lượng nòng cốt cho sự đọc sách. Nhưng tình hình cũng không mấy lạc quan. Họ chỉ chăm chăm đọc những sách phục vụ cho việc học và thi của hàng chục môn học trong suốt bốn năm trời trên ghế nhà trường của hàng trăm tín chỉ dè nặng chịu trên vai. Có thời gian họ chơi Facebook để giải trí, tương tác, hoặc lướt mạng để xem những gì mình thích. Nếu có dính dáng một chút văn chương thì học đọc sách ngôn tình, đam mỹ. Lớp trẻ là viên chức nhà nước thì áp lực công việc nên họ hay xả hơi, thư giãn bằng các loại hình văn hóa nghe nhìn. Hiện nay, nhiều người tâm huyết thực sự lo lắng khi sách văn chương đang có nguy cơ trở thành một "xa xỉ phẩm". Ngay cả sinh viên ngành ngữ văn các trường đại học, cao đẳng cũng rất ít đọc sách văn chương. Họ thường học "chay"!
Định hướng văn học
Có thể thấy trước thực trạng trên việc định hướng văn hóa đọc đang là một cách nói có tính chiến lược cho toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội. Với văn hóa đọc chúng ta đang đứng trước những thách thức không dễ dàng giải quyết trước tình trạng nhiễu loạn thẩm mỹ. Một định hướng đúng về cách sống cũng như về cách ứng xử văn hóa là kết quả của một sự vận động tổng thể của nhiều phương diện. Ở đó là cá nhân và xã hội, gia đình và xã hội, nhà trường và xã hội… Thế nhưng, không nên quy trách nhiệm về tình trạng xuống cấp của văn hóa, trong đó có văn hóa đọc cho bất kì cá nhân cụ thể nào, mà nên hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng ấy để khắc phục. Nói một cách thẳng thắn, lớp trẻ đang trong tâm thế mất phương hướng trên nhiều phương diện của đời sống. Vì thế nếu có sự dao động trong cách tiếp cận và chiếm lĩnh sách như một biểu tượng của văn hóa thì cũng có gì là khó hiểu.
Nói "định hướng văn hóa đọc" nghe có vẻ to tát, lý thuyết nhưng xét đến gốc rễ sâu xa đó chính là nỗ lực duy trì và truyền cảm hứng cho công chúng đọc sách. Nhưng làm thế nào để duy trì và phát huy cảm hứng tích cực? Đây là câu hỏi lớn khó có câu trả lời ngắn gọn. Muốn truyền cảm hứng đọc sách văn chương tích cực, hãy học tập những người làm bố, làm mẹ ở đất nước Israel, họ thường xuyên khuyên con cái mình "Trước khi đi ngủ, con hay cố gắng đọc một trang sách". Người ta hay chê trách, phê phán người trẻ lười đọc sách, nhưng hãy xem người lớn có ham đọc sách? Những năm gần đây việc tổ chức những Hội sách, Đường sách ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một vài thành phố khác là những khởi động lạc quan. Thậm chí theo khảo sát điều đáng ngạc nhiên là học sinh cấp dưới đọc nhiều hơn học sinh cấp trên, học sinh vùng sâu vùng xa đọc nhiều hơn thành phố.
Cổ nhân có câu "Tiên trách kỉ hậu trách nhân" thật chí lí, vận dụng vào hoàn cảnh và trường hợp nào cũng đúng. Trong xã hội hiện nay cái sự "nhầm" đang khá phổ biến. Tuy nhiên, lỗi trước hết là do cá nhân, nhưng một cá nhân mắc sai lầm lại có những nguyên nhân tiềm ẩn, gián tiếp. Trước hết là do quảng cáo, tiếp thị sách theo mục đích kinh doanh. Tâm lý "bầy đàn" cũng là một yếu tố kích hoạt sự đọc "lệch pha"… Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến hệ lụy là một lúc nào đó sách văn học "nằm ngủ" trên giá, mình phủ đầy bụi. Nói một cách thẳng thắn thì trình trạng này không kiểm soát được và có chiều hướng thả nổi việc in ấn xuất bản cũng như việc đọc là một thực tế nhãn tiền đáng báo động.
Tôi rất thích câu nói của người anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi: "Không cần đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc". Nước ta có hơn 20 triệu người đi học các cấp từ thấp đến cao. Văn hóa nghe - nhìn đang tỏ rõ sức mạnh cạnh tranh quyết liệt của mình với văn hóa đọc. Nhưng văn hóa đọc có đầu tiên và sẽ định vị đến cuối cùng. Sách là con người tri thức và sức mạnh. Trách nhiệm của người viết là các nhà văn, của người là làm sách là các nhà xuất bản, của các cơ quan quản lý nhà nước liên đới, cùng ra quân, hiệp đồng "tác chiến", nhất định văn hóa đọc sẽ được chấn hưng. Câu châm ngôn "mở một cuốn sách thấy một con người" có ý nghĩa lý luận và thực tiễn khi chúng ta nói rộng ra: "Văn hóa đọc là diện mạo tinh thần của một dân tộc"./.