Bao nhiêu cốc bia hơi đổi một cuốn sách(?!)

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 15:10, 03/11/2022

Những cuốn sách là những người thầy lớn, trầm lặng và có vẻ an nhàn, nhưng đó thực sự là kho tàng tri thức, mà đôi khi chứa đựng các câu chuyện, kể về những cuộc đời đầy bão giông.

Sẽ may mắn cho những ai, được sống trong ngôi nhà có một tủ sách, nhất là nó lại được chọn lọc kỹ càng. Mỗi thành viên sẽ được sống trong ánh sáng linh diệu của nó. Cũng may mắn cho những ai, ngay từ nhỏ đã đọc được cuốn sách mà mình tâm đắc. Thậm chí, đó là những cuốn gối đầu giường, để không chỉ đọc một lần, mà có thể đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm nhiều lần.

Trước đây, sống ở vùng nông thôn, sách hiếm vô cùng. Ông nội tôi thường lên thị trấn mượn về những cuốn sách dày khộp, có vẻ cũ kỹ để đọc. Ông cũng không quên mượn những cuốn mỏng, dễ đọc, là các cuốn gieo vào lòng chúng tôi sự hồn nhiên và khát vọng. Chúng tôi, là cháu cùng lũ trẻ hàng xóm thường chuyền tay nhau đọc. Trong đầu tôi lúc nào cũng tâm niệm một điều, đọc để sống như lời ông đã dạy, bởi sách là thầy. Băn khoăn trước những cuốn dày khộp kia, tôi tự hỏi, phải chăng người lớn thì đọc sách lớn, tức là được gặp những ông thầy lớn. Thắc mắc với ông, ông nói: "Không phải sách dày đã là hay. Giá trị của nó nằm ở sự cảm nhận riêng của mỗi người. Chỉ có điều, người lớn sẽ đọc những cuốn khó hơn trẻ nhỏ đọc". Thủa đó, tôi đã gối đầu đọc cuốn "Dế mèn phiêu lưu ký", "Đất rừng phương Nam "… và khao khát sẽ được đọc thêm nữa những cuốn giá trị đối với trẻ con như thế.

Sau này ra phố học, các thầy cũng nói nhiều về "thầy sách" và giá trị của nó trong đời sống. Tuy thế, không phải ai cũng suy nghĩ về điều đó và trân trọng sách. Sẽ có người yêu sách như máu thịt mình, đọc chúng mỗi ngày như nhu cầu ăn uống hít thở. Có người chỉ đọc khi thật sự cần và cho qua chuyện. Đương nhiên, những ai yêu sách và chăm chỉ đọc sẽ có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đặc sắc.

Bây giờ, người ta vẫn nói văn hóa đọc xuống cấp. Cũng phải thôi, đời sống còn khó khăn, khi mà người ta mải mê trong việc mưu sinh, đôn đáo trong giấc mơ thoát nghèo, thì cũng có người xa sách. Hay người ta bù khú với rượu chè, nhậu nhẹt ngoài quán rồi hô hố cười, rồi nôn ọe. Vậy mà, để đầu tư vài chục nghìn đồng mua cuốn sách về đọc cũng… ngại.

Rồi ở những ngôi nhà sang trọng, nhiều tầng, tầng nào cũng có đồ nội thất sáng trưng, với những chiếc tủ rượu lớn, chứa toàn rượu ngoại long lanh đắt tiền. Thế nhưng, tìm mãi chẳng thấy một tủ sách nhỏ. Đầu tư một tủ sách không tốn kém như tủ rượu, nhưng các chủ nhà bụng phệ thừa mỡ đam mê rượu vẫn không ngừng làm giàu có kho rượu của mình.

Có còn ai đọc và sống với sách, như đã có thời linh hồn của sách ngự trị trong đời sống của một số người, để đến nỗi họ quên ăn quên ngủ để say mê cùng con chữ? Có phải con người đang tàn nhẫn với sách, hay vì một lý do nào đó, vĩ mô hơn, căn bản hơn thế, đẩy người ta đến quán nhậu nhiều hơn là đến thư viện và các nhà sách? Nhưng chắc chắn, sẽ thiệt thòi và là một mất mát lớn, nếu như linh hồn ta không còn đủ cảm giác để yêu sách, và sống tốt hơn với những gì sách mang lại.

Tôi đã thấy những gã bụng bia chơi sách, sưu tầm sách. Họ lắm tiền sắm sửa những chiếc tủ lớn sang trọng, mua thật nhiều sách quý, có những cuốn dày cả gang tay. Nhưng có điều họ chỉ trưng bày thế thôi, cho ra vẻ ham học, ham đọc. Cho ra vẻ đức trọng tài cao. Họ không hề đọc. Chưa bao giờ những cuốn sách đó được giở ra. Thật lạ, nhưng tủ sách cứ lớn dần, như cái bụng đầy bia phồn thực của họ.

Bao nhiêu cốc bia hơi đổi một cuốn sách(?!) - Ảnh 1.

Tôi lại gặp những người đó ngoài quán bia. Họ cũng khoe kiến thức, khoe sách như đã và đang khoe vòng đụng đang phát phì, nhão ra của mình. Một ông nói vừa đầu tư mươi triệu tiền mua sách tại hội chợ, cũng được một tủ lớn quây lại. Ông này nói: "Uống bia nhiều chứ tiền mua sách thế mà chẳng mất bao nhiêu". Ông kia hưởng ứng: "Đúng chứ, cứ mua để vào đấy, lúc nào đọc được thì đọc. Tôi với ông có chung cái thú đó, cũng vui. Sắp tới, có khi tôi mua thêm chục triệu nữa cho vào mấy cái tủ ngà mới. Ít ra thì cũng đẹp nhà".

Mỗi lần kết thúc hội chợ sách, người ta nói có biết bao nhiêu vạn cuốn đã được mua hết. Nhiều sách giảm giá đến quá nửa, có những cuốn bán một giá. 5 nghìn, 10 nghìn là có thể sở hữu sách. Bỏ 50 nghìn ra cũng có thể ôm về 10 cuốn. Dân tình đi khuân về nhiều lắm. Họ chen nhau, thậm chí xô đẩy nhau vào gửi xe. Trong số đó có một số là những người chỉ đến sưu tầm sách cho đầy tủ. Một cơ hội hiếm có cho sách rẻ mà vẫn còn mới. Không như ra ngoài hè phố vơ bèo vạt tép, mua sách đại hạ giá nhưng là sách in lậu, từ đời nảo đời nào, mang về nhà đã cong bìa, rách mép hoặc bụi mờ phủ lên. So sánh bia với sách, nhiều người vẫn lấy làm mừng. Bởi dù sao, nếu ai đó bớt tiền uống bia để mua sách, dù là không đọc, thì cũng có ích lắm. Ít nhất là góp phần tiêu thục sách cho ngành xuất bản, một chút ít nhấn sâu thêm văn hóa đọc bởi cũng là những người… mua sách. Theo đó, cũng bớt được phần nào bia rượu ngấm vào người.

Song, lại có ý kiến về mấy ông này mà chúng tôi thấy có lý. Đó là các ông có tiền, tiền đầu tư mua sách rồi, tiền đầu tư uống bia vẫn không giảm mà có phần tăng lên. Vì các ông mua sách, nói về sách, các ông lấy bia để chúc mừng.

Nhưng thôi, dù sao các ông cũng đã góp phần an ủi, giúp cho ngành xuất bản bớt tủi thân. Nhiều công ty làm ăn thua lỗ, các nhà xuất bản phải chịu khó tìm đối tác liên kết, bán giấy phép để tăng thêm khoản thu nhập ít ỏi.

Nếu cứ tính mỗi cuốn sách hạ giá, thì mỗi cốc bia hơi có thể đổi được một cuốn. Hàng chục vạn cốc bia hơi được tiêu thụ mỗi ngày sẽ đổi được hàng chục vạn cuốn sách. Ai bảo dân ta không có tiền mua sách? Dân ta có tiền, nhưng dù thiếu tiền thì bao giờ cũng phải nghĩ đến ăn uống trước. Ít ai nhịn bia để mua sách. Ít ai còn yêu sách như xưa, dồn tiền quà bánh, tiền ăn sáng lại để mua những cuốn sách mình thích./.

Sơn Bình