Phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:39, 24/11/2022
Trước khi có các phương tiện nghe - nhìn, Internet và các mạng xã hội, sách là phương tiện, công cụ và con đường ngắn nhất để tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Tuy nhiên, từ khi các phương tiện nghe - nhìn xuất hiện, đặc biệt, là sự bùng nổ công nghệ thông tin cùng sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người dần thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin từ sách, báo truyền thống sang các phương tiện nghe - nhìn hiện đại. Điều này khiến văn hóa đọc dần trở nên kém hấp dẫn hơn, đặc biệt giới trẻ ngày càng ít đọc sách, ngại đọc sách. Văn hóa đọc đang bị lấn lướt bởi văn hóa nghe - nhìn. Chưa bao giờ việc đọc sách và văn hóa đọc sách được bàn luận nhiều như hiện nay, đã có nhiều con số và có những dự báo đáng lo ngại đã được đưa ra. Vậy, làm thế nào để khôi phục, chấn hưng văn hóa đọc đã trở thành bài toán khó và đầy tính hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cả xã hội.
Sự ra đời của Internet và sự phát triển của các mạng xã hội đã có tác động mạnh mẽ đến mọi sinh hoạt của con người, trong đó có cả phương thức đọc và thói quen tìm hiểu học hỏi tri thức thông qua đọc sách. Văn hoá đọc truyền thống đang bị lấn át bởi xu thế sử dụng Internet và các phương tiện nghe - nhìn. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ số cũng mở ra cho chúng ta những cơ hội trong việc tiếp cận nguồn tri thức phong phú vô tận thông qua Internet, từ đó kích thích, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc, nhất là trong giới trẻ.
Cuộc cách mạng 4.0 không chỉ tạo ra những thách thức mà còn đưa đến nhiều cơ hội cho văn hóa đọc; trong đó, hạ tầng và tri thức về công nghệ thông tin là yếu tố then chốt thúc đẩy văn hoá đọc trong giai đoạn mới. Vì vậy, chúng ta không quá lo lắng về thách thức, mà phải nhìn thấy cơ hội để có sự nhận diện thấu đáo, từ đó đề ra các chính sách phù hợp thúc đẩy hoạt động tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số. Nếu ai không kịp nắm bắt xu hướng chuyển đổi số của thời đại thì sẽ bị tụt hậu phía sau. Có thể nói, ở Việt Nam xét trên nhiều phương diện, việc phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ không hề đơn giản, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ và liên quan đến nhiều yếu tố.
Cần phải giáo dục cho người dân nhất là lớp trẻ hiểu được tầm quan trọng của sách, đặc biệt là những cuốn sách có giá trị, nếu không đọc sẽ thiếu hụt đi rất nhiều. Bởi trong mỗi cuốn sách, không chỉ là những trải nghiệm của người viết, mà nó còn gợi mở ra nhiều điều mới mẻ, tốt đẹp, giá trị nhân văn. Tất cả những tinh túy, những kiến thức quý báu, vô giá đều đã được đúc kết trong chính những trang sách. Do đó, những ai muốn khám phá thế giới, muốn mở mang tầm nhìn, vốn hiểu biết và thành công thì đừng bỏ qua việc đọc sách. Đọc sách cũng góp phần bồi bổ tâm hồn, hình thành nhân cách cao đẹp, loại bỏ những hành vi vô đạo đức, vô cảm, gây tội lỗi trong mỗi con người. Mỗi người cần hiểu rằng mỗi cá nhân đọc sách sẽ tạo nên một cộng đồng đọc sách, từ đó hình thành một cộng đồng có văn hóa.
Muốn phát triển văn hóa đọc cần phải hướng việc đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu, một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng. Việc đọc sách phải trở thành một nhu cầu thiết yếu, một nền nếp của gia phong, dòng tộc và ở phạm vi lớn hơn là chuẩn mực văn hóa quốc gia. Điều này đòi hỏi phải tạo dựng được môi trường đọc sách thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách ngay từ trong gia đình, trường học, đến cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Ở mỗi gia đình, bố mẹ phải có ý thức về việc đọc sách và trao truyền ý thức đó cho con trẻ, cùng nhau chia sẻ sách giữa bố mẹ và con cái, khuyến khích, dành thời gian để cho con đọc sách. Nhà trường cần có những hoạt động giáo dục học sinh ngay từ bậc tiểu học về kỹ năng, thói quen đọc sách, bao gồm phương pháp đọc, kỹ năng tiếp cận sách, đọc sách có mục đích (Học tập, nghiên cứu, giải trí), tiêu chí lựa chọn những cuốn sách đáng đọc; đưa ra một danh mục sách cần đọc trong một năm học,... Xây phong trào đọc sách sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng, tổ chức các cuộc thi đọc sách; Phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng. Tổ chức Hội chợ triển lãm sách, Phố sách cũng là nhân tố nhằm phát triển môi trường và nội lực của văn hóa đọc…
Đặc biệt, hệ thống thư viện phải phải được số hóa sách - tài liệu, sử dụng Internet để kết nối với người đọc và xuất bản phẩm một cách dễ dàng, thuận lợi; Thường xuyên cập nhật sách hay lên hệ thống website, cổng thông tin điện tử để các đối tượng có thể đọc trực tiếp bằng điện thoại, máy tính; Thông qua các phương tiện nghe - nhìn để giới thiệu, quảng bá tác phẩm sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn. Thư viện phải là nơi truyền bá sách, mang sách lưu động đến với mọi nơi, mọi người; Sử dụng các chương trình sách đi tìm người đọc qua các thiết bị thông minh, thiết bị lưu động; Xây dựng trang web đọc sách sinh động, phong phú và miễn phí cho học sinh; Chủ động mở rộng mạng lưới, đưa sách về các trường học; Xây dựng chính sách khuyến đọc quốc gia theo hướng tiếp cận, mở rộng, nâng cao việc tiếp nhận tri thức phù hợp với thời đại số. Ngành Thư viện cần phải thu hút sự quan tâm, đóng góp, hỗ trợ của ngành Xuất bản, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân có tâm huyết với văn hóa đọc; Tích cực quảng bá văn hóa đọc sâu rộng, đầy đủ và mạnh mẽ hơn.
Một trong những giải pháp không kém phần quan trọng, đó là các nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành đóng vai trò chủ thể, là nhân tố cốt lõi, trung tâm trong việc phát triển văn hóa đọc quốc gia. Theo đó, các lực lượng xuất bản, in, phát hành cần nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của người dân; Hỗ trợ, đầu tư nhằm khuyến khích sáng tác, xuất bản sách phục vụ trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số...; Tinh chọn đề tài xuất bản, nguồn bản thảo, loại sách, chất liệu, hình thức phù hợp với nhu cầu của công chúng; Tăng lượng bản phát hành, định giá sách phù hợp với khả năng của số đông công chúng nhằm tạo sức mua; Tích cực tham gia Hội chợ triển lãm sách trong và ngoài nước nhằm tiếp cận, cọ xát với khách hàng bạn đọc ở diện rộng... Bên cạnh việc xuất bản sách truyền thống thì các nhà xuất bản cần nhạy bén, kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xuất bản sách điện tử.
Trong bối cảnh hiện nay, cần xác định phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển phồn vinh của đất nước. Do đó, nó không chỉ là ý thức, trách nhiệm, quyết tâm của mỗi cá nhân mà còn là của toàn xã hội. Hy vọng việc tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc" sẽ góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng, mạnh mẽ trong cộng đồng, từ đó hình thành một cộng đồng có văn hóa./.