Cộng đồng ASEAN chia sẻ kinh nghiệm phát triển giáo dục
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:31, 14/10/2022
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, nếu tính luân phiên tổ chức trong ASEAN thì 20 năm nữa Việt Nam mới lại có vinh dự đăng cai. Sự kiện còn đặc biệt hơn khi được tổ chức trực tiếp sau 2 năm cả thế giới, trong đó có ngành Giáo dục, phải chống chọi với đại dịch COVID-19 và việc học tập ở khắp nơi trên thế giới đều bị gián đoạn bởi COVID-19.
Phó Thủ tướng khẳng định, giáo dục luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng ASEAN, là một trong ba mục tiêu được ghi trong Hiến chương ASEAN. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, luật định dành ít nhất 20% ngân sách Nhà nước cho giáo dục. Con người là trung tâm của quá trình phát triển, mọi sự phát triển kinh tế - xã hội đều vì con người, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong 2 năm vừa qua, có thể nói, đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng học tập trên toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các trẻ em, nhất là ở các nước đang phát triển. Ở các nước ASEAN, trong thời gian hai năm qua, hoạt động học tập của ít nhất 180 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa, có đến 35 triệu học sinh đã không được đến trường trong gần hai năm học vừa qua. Việc các trường học phải đóng cửa trung bình 136 ngày trong 18 tháng qua, tính đến tháng 5/2022, đã tác động rất tiêu cực đến thể chất, tinh thần và hoạt động học tập của học sinh. "Những ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động học tập của học sinh ngày càng rõ rệt. Hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không cùng nhau hành động, hành động mạnh mẽ hơn và hành động ngay từ lúc này!", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, Phó Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng, những người đứng đầu ngành Giáo dục các nước ASEAN sẽ cùng xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả, trước mắt để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập. Về trung và dài hạn, bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn, từng quốc gia và cả cộng đồng ASEAN sẽ sẵn sàng ứng phó với những thách thức có thể gây ra gián đoạn học tập hay ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Hiện nay Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tái cấu trúc mạnh mẽ ngành Giáo dục.
Trong những năm vừa qua, chất lượng giáo dục của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá học sinh quốc tế.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, để phù hợp với chương trình hành động của ASEAN về giáo dục giai đoạn các năm 2021-2025, cũng như hướng tới tăng cường thúc đẩy khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục trong bối cảnh mới, Bộ GDĐT đã đưa ra một số ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch kênh giáo dục 2022-2023 như chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học. Đồng thời, đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, bộ trưởng các nước thành viên ASEAN tập trung trao đổi về tình hình giáo dục và đào tạo của mỗi nước, chia sẻ các bài học thực tiễn, kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp hợp tác, hướng tới phát triển giáo dục bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19. Hội nghị cũng cập nhật tình hình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch hành động giáo dục ASEAN giai đoạn 2021-2025 và thảo luận các vấn đề khác. Đồng thời Hội nghị thống nhất về sự cần thiết của việc mở cửa trường học trở lại an toàn và duy trì việc mở cửa các trường học, khắc phục tình trạng hao hụt kiến thức và gia tăng khả năng thích ứng cho hệ thống giáo dục trong ASEAN và các quốc gia thành viên trước đại dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp trong tương lai. Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 sẽ thông qua tuyên bố chung với nhiều điểm quan trọng./.