Kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc khi gia nhập ASEAN
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 11:03, 05/08/2022
Phát biểu tại hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được thành lập, là dấu mốc đầu tiên của tiến trình hình thành và phát triển của một tổ chức khu vực được đánh giá là hiệu quả và đang phát triển mạnh mẽ.
Năm 2022 là năm kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN và 27 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, Ban Chỉ đạo quốc gia về tuyên truyền quảng bá ASEAN, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương và Ban thư ký ASEAN tại Jakarta tổ chức hội nghị nhằm cung cấp thông tin để các cơ quan truyền thông triển khai các hoạt động đưa tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Triệu Minh Long, trải qua 55 năm ASEAN đã đạt được nhiều kết quả to lớn đáng ghi nhận, trở thành một tổ chức đóng vai trò trung tâm trong khu vực. Vai trò trung tâm của ASEAN có nền tàng từ những thành quả hợp tác mà Hiệp hội đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển, từ quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài, cũng như từ những thành công của các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực mà Hiệp hội khởi xưởng và dẫn dắt.
Trong 27 năm qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia hội nhập kinh tế ASEAN và cùng các nước thành viên ASEAN khác xây dựng nền móng quan trọng để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Cho đến nay, Khu vực thương mại tự do ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất. Theo đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước ASEAN đạt 98%, ngược lại, các nước ASEAN khác xóa bỏ khoảng 98,7% thuế nhập khẩu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Hội nhập ASEAN đã tạo thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Đông Nam Á; Tiếp cận thị trường các nước đối tác của ASEAN có trên 1 tỷ dân như Trung Quốc, Ấn Độ, các thị trường phát triển "khó tính" như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, nâng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này lên gấp nhiều lần so với thời điểm ký kết các FTA tương ứng
Kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc về mọi mặt. Năm 1995, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 276,8 USD nhưng đến năm 2021 con số này đã là 3.694 USD, tăng hơn 13 lần so với năm 1995. Quy mô nền kinh tế tăng hơn 17 lần từ 20,7 tỷ USD năm 1995 lên 362,6 tỷ USD vào năm 2021, đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN tính theo GDP danh nghĩa (Thứ 3 nếu tính theo sức mua tương đương, chỉ sau Indonesia và Thái Lan). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ 5,2 tỷ USD vào năm 1995 lên 336,3 tỷ USD vào năm 2021.
Việc gia nhập ASEAN đã tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam như thúc đẩy đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu (từ các mặt hàng truyền thống như dầu thô và gạo sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao như sắt thép; Điện tử, máy tính và linh kiện; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; Điện thoại và linh kiện); Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN khác, đặc biệt trong các lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng.
Đồng thời, tạo động lực để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; Tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học - công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng minh bạch, qua đó giúp nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo thường niên về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN, đặc biệt trong chuyển đổi cơ cấu các nền kinh tế, thích ứng với những bước phục hồi chung của kinh tế khu vực sau đại dịch. Tiếp tục cùng các nước ASEAN khác ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ, bao trùm và cùng có lợi, nhất là trong thương mại và đầu tư tại khu vực. Trong quá trình này, Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ và tham gia có trách nhiệm vào các sáng kiến chung tạo thuận lợi thương mại, dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN, củng cố các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất khu vực.
Về nội khối, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến 2025, tham gia đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế của ta, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề tồn đọng trong hợp tác ASEAN.
Về ngoại khối ASEAN, Việt Nam sẽ cùng tham gia rà soát, đề xuất nâng cấp các lĩnh vực cần thiết trong các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các nước đối tác; Phối hợp tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada cũng như triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) vừa có hiệu lực từ tháng 1/2022, từ đó góp phần nâng tầm hợp tác kinh tế của Việt Nam, hỗ trợ phục hồi phát triển hậu đại dịch, hướng tới thịnh vượng bền vững./.