Tuyên truyền, giáo dục về kinh doanh đa cấp tại các trường đại học

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 14:14, 30/07/2022

Bản ghi nhớ hợp tác thể hiện sự chung tay, đồng hành của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho sinh viên các trường đại học.

Ngày 28/6/2022, lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và công ty TNHH Amway Việt Nam tại Hà Nội. Sau buổi lễ  sẽ thực hiện chuỗi các hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho sinh viên các trường đại học giai đoạn 2022 - 2024.

Buổi lễ ký kết đã diễn ra trang trọng và thành công, đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đưa hoạt động tuyên truyền về kinh doanh đa cấp tới các trường đại học - Ảnh 1.

Ông Phan Đức Quế, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo, Cục CT&BVNTD

Ông Phan Đức Quế, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo, Cục CT&BVNTD (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn vừa qua, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam đã phát triển cả về chất lượng và số lượng: Tăng trưởng mạnh về doanh thu; Doanh số bán hàng tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Tiếp thị mạng lưới có xu hướng giảm tương tác trực tiếp và tăng cường giao tiếp qua môi trường mạng; Ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ (như AI, chat bot…) nhằm mục tiêu thu thập dữ liệu và phân tích chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những xu hướng phát triển mang tính tích cực, thì các hiện tượng, hành vi kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi, lừa đảo cũng có xu hướng ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của ngành. Trong số các hành vi, dấu hiệu kinh doanh đa cấp bất chính do Cục CT&BVNTD phát hiện, có rất nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp không phép diễn ra thông qua môi trường mạng hay núp bóng "khởi nghiệp" để lôi kéo, thu hút người trẻ, đa phần là sinh viên.

Bản ghi nhớ hợp tác lần này thể hiện sự chung tay, đồng hành của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho sinh viên các trường đại học, hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người trẻ khi tham gia tiêu dùng, kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam - Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam cũng nhận định rằng sinh viên là lực lượng nòng cốt của thế hệ thanh niên, tuy nhiên họ cũng là lớp người trẻ, chưa có nhiều kiến thức và định hướng, lại dễ bị lôi kéo, dụ dỗ bởi những hoạt động biến tướng, trái pháp luật. Vì vậy, thông qua chuỗi các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam mong muốn sẽ khuyến khích đối tượng này tiếp cận thông tin pháp lý cập nhật về bán hàng đa cấp và bảo vệ người tiêu dùng nhằm giúp các em biết tự bảo vệ bản thân và góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong toàn xã hội./.

Hoàng Minh