Nhận dạng kinh doanh đa cấp biến tướng thời đại 4.0
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:25, 27/07/2022
PV: Thưa bà, chúng ta có thể hiểu thế nào là kinh doanh đa cấp và thế nào là kinh doanh đa cấp biến tướng?
- Thứ nhất, bán hàng đa cấp hay kinh doanh theo phương thức là một phương thức bán lẻ hàng hóa. Trong đó, thay vì bán tại các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng, siêu thị…, doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bán trực tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng thông qua một mạng lưới những người bán hàng, hay còn gọi là "nhà phân phối". Người bán hàng sẽ được công ty trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác dựa trên doanh số bán hàng của mình và của mạng lưới bán hàng do mình xây dựng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, "kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ kết quả hoạt động kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới".
Phân tích theo quy định này, một hoạt động kinh doanh là kinh doanh theo phương thức đa cấp được xác định như sau:
(i) Là hoạt động kinh doanh: Thực tế, những hoạt động kinh doanh đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp thường sử dụng các tên gọi khác đi nhằm đánh tráo khái niệm và gây hiểu nhầm cho người dân như: tiếp thị liên kết, kinh doanh mạng, kinh doanh 4.0, kinh doanh hệ thống hay tiếp thị theo chuỗi (bao gồm cả các thuật ngữ tiếng Anh)….
Do đó việc xác định bản chất hoạt động của những đối tượng này có phải là kinh doanh hay không cần căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành (Khoản 21 Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2020). Theo định nghĩa này, hoạt động kinh doanh đã bao gồm cả hoạt động đầu tư. Điều đó có nghĩa là các hoạt động huy động vốn, nhận ủy thác đầu tư và hoạt động tương tự đều thuộc nội hàm của khái niệm "kinh doanh".
(ii) Có nhiều hơn 1 cấp người tham gia kinh doanh
Hoạt động kinh doanh này đã duy trì nhiều cấp (hơn một cấp người tham gia là cá nhân) kinh doanh: như người huy động đầu tư, người bán sản phẩm, người tiếp thị dịch vụ. Trong thực tế, mỗi một hoạt động sẽ có nhiều tên gọi khác nhau cho những cá nhân này như: đại lý (cá nhân), thành viên, cộng tác viên bán hàng hoặc người giới thiệu… hay cả tên gọi tiếng Anh: sponsor, member, leader, coach, upline, downline... Nhưng thực chất những cá nhân này là người tham gia, vừa đầu tư hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ vừa phát triển thêm mạng lưới người tham gia tuyến sau. Theo đó, người tham gia có thể được nhận được 02 nguồn lợi ích kinh tế:
- Từ kết quả kinh doanh của chính mình (do tự mình bán sản phẩm, đầu tư, bán dịch vụ);
- Từ kết quả kinh doanh của những người tham gia bán hàng cấp sau, bao gồm F1 (là những người do mình giới thiệu) và F2 (do F1 đi giới thiệu lại) hoặc hơn nữa…
Như vậy dấu hiệu quan trọng của một mô hình có phải là kinh doanh đa cấp hay không đó là dấu hiệu hoạt động kinh doanh này đã duy trì hơn một cấp người tham gia.
Theo quy định pháp luật, các doanh nghiệp muốn hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, đăng ký với Bộ Công thương và chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương.
PV: Vậy thế nào là kinh doanh đa cấp biến tướng thưa bà?
- Về mặt pháp lý, chúng ta phân loại thành hoạt động kinh doanh đa cấp có giấy chứng nhận hợp pháp và không có giấy chứng nhận hợp pháp.
Đối với doanh nghiệp có giấy chứng nhận hợp pháp, thì không có nghĩa là doanh nghiệp này bán hàng đa cấp hoạt động đúng pháp luật và kinh doanh chân chính. Các doanh nghiệp này vẫn có thể vi phạm các quy định pháp luật, ở mức nhẹ là xử phạt hành chính, nặng hơn là vi phạm điều cấm có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Và nghiêm trọng hơn nữa còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc các tội danh liên quan.
Đối với loại không có giấy chứng nhận hợp pháp, thì loại hình này có xu hướng lừa đảo rất cao vì không có cơ sở nào để đảm bảo quyền lợi người tham gia. Loại hình này rất đa dạng về hình thức và đối tượng kinh doanh, và chính những người tổ chức hay người tham gia những hoạt động này thường cố tình không thừa nhận, trong khi bản chất hoạt động này lại là việc xây dựng hệ thống người tham gia và trả hoa hồng theo nhiều cấp nhiều nhánh đúng với mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đã được pháp luật quy định.
Và chúng ta thường gọi kinh doanh đa cấp "biến tướng"là để chỉ loại hình kinh doanh đa cấp với đối tượng hàng hóa thông thường mà được biến tấu để dễ dụ dỗ người khác tham gia như: siêu thị trực tuyến, mua sắm hoàn tiền hay đầu tư tài chính dưới nhiều hình thức: Forex, Binary Option (BO), tiền ảo, tài sản ảo…
Trong thời gian vừa qua, rất nhiều hoạt động thương mại hay tiếp thị hàng hóa có dấu hiệu không minh bạch rõ ràng, thậm chí là lừa đảo nhưng lại được nhắc đến kèm với cụm từ "đa cấp" hay "kinh doanh đa cấp" không đúng với bản chất của hoạt động kinh doanh đa cấp, có thể kế đến một số loại hình như Bán hàng theo hình thức hội chợ, hội thảo tại các vùng nông thôn hay Hoạt động "thổi giá", "làm giá ảo" với các sản phẩm. Nhưng hoạt động này chưa phản ánh hoạt động "kinh doanh theo phương thức đa cấp" theo quy định của pháp luật hiện như tôi đã phân tích trên.
PV: Bà có thể nói rõ hơn về một vài loại hình kinh doanh đa cấp biến tướng trong thời gian gần đây để người dân có nhận thức và đề phòng?
- Gần đây có rất nhiều mô hình hoạt động biến tướng nhưng tôi xin điểm lại một số mô hình kinh doanh đa cấp được gọi là biến tướng 4.0 mà đã thu hút được khá nhiều người tham gia như sau:
Thứ nhất, mô hình phát triển mạng xã hội, các đối tượng này đưa ra những viễn cảnh về một mạng xã hội hướng tới lợi ích của toàn cộng đồng với việc toàn bộ lợi nhuận kiếm được từ các hoạt động quảng cáo, đầu tư của mạng xã hội này sẽ được chia cho người tham gia và làm các hoạt động từ thiện. Trong khi đó, hoạt động của loại "mạng xã hội này" chủ yếu lại là lôi kéo người tham gia với những khoản tiền "tạo tài khoản" ban đầu để rồi được hưởng tiền hoa hồng từ việc tuyển thêm người sau tham gia "kết nối" như mình.
Thứ hai, ứng dụng mua sắm hoàn tiền: Là hình thức thương mại điện tử B2C kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng. Các đối tượng này đưa ra mô hình hoàn tiền "hấp dẫn" nhưng không có thực với giá trị hoàn tiền/chiết khấu cho mỗi giao dịch được quảng cáo rất "viển vông" từ 80% tới 100% hoặc thậm chí cao hơn vậy dành cho cả bên bán và bên mua.
Trong mô hình này, tùy thuộc vào thứ tự tham gia và người giới thiệu mà các tài khoản người tham gia trong hệ thống sẽ được kết nối, sắp xếp theo tầng, cấp, nhánh. Hệ thống này thường đưa ra các hình thức để huy động vốn hoặc mời gọi người tham gia nộp thêm tiền để nâng cấp tài khoản lên các mức cao hơn để được hưởng hoa hồng, quyền lợi hấp dẫn theo tỷ lệ phần % số tiền của những người tham gia tuyến dưới, nhánh dưới nộp vào để tham gia và nâng cấp tài khoản trên hệ thống.
Thứ ba, loại hình sàn đầu tư tài chính, những loại sàn đầu tư tài chính này phát ra các thông tin quảng cáo, kêu gọi đầu tư vàng, ngoại hối hay tiền ảo, tài sản ảo thông qua hình thức đầu tư gọi là Forex và Quyền chọn nhị phân (Binary Options hay BO), sàn tiền ảo, sàn tài chính phi tập trung.
Để kích thích nhà đầu tư, các sàn đầu tư tài chính này sử dụng phương thức đa cấp để lôi kéo người tham gia bằng hình thức trả thưởng, hoa hồng cho việc mời thêm thành viên mới tham gia đầu tư theo nhiều cấp nhiều nhánh. Đồng thời trong khi đó, các sàn đầu tư này đều không được bất kỳ cơ quan quản lý nào cấp phép hoạt động.
Các cái tên cụ thể của những mô hình cũng được các cơ quan chức năng xử lý và cơ quan báo chí truyền thông cảnh báo rất nhiều trong thời gian vừa qua có thể kể đến như Vitae, MyAladdinz, BBI, Bigbuy 24, hay hàng loạt sàn Forex, BO như Wefinex, Fxtradingmarket, Hitoption…
PV: Vậy cơ quan quản lý cần đưa ra những giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?
- Hoạt động kinh doanh đa cấp không có giấy chứng nhận, biến tướng như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xấu cho xã hội, do vậy việc cảnh báo và xử lý các đối tượng này cần có sự tham gia phối hợp của nhiều Bộ ngành, cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị truyền thông, và việc xử lý không chỉ sử dụng biện pháp hành chính mà cần mạnh tay với các biện pháp hình sự thì mới đảm bảo tính răn đe.
Chính vì vậy, để xử lý triệt để và đảm bảo tính răn đe, các cơ quan công an cần vào cuộc mạnh mẽ, và ngay từ đầu để thu thập chứng cứ làm căn cứ xử lý theo chế tài hình sự, theo các tội danh khác nhau: Điều 217a về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Điều 290 (theo Điểm d Khoản 1 về Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp) của Bộ luật Hình sự.
Trong một số trường hợp, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, cơ quan an ninh mạng có thể tiến hành chặn truy cập đối với các website quốc tế liên quan đến các hoạt động huy động tài chính theo phương thức đa cấp bất hợp pháp không có hiện diện tại Việt Nam.
PV: Theo bà, những rủi ro mà người đầu tư lỡ tham gia vào hoạt động đầu tư tiền ảo, tài sản ảo như hiện nay là như thế nào?
- Tại Việt Nam hiện chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, cũng chưa có đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch tiền ảo. Do đó, các hoạt động mua bán, trao đổi tiền ảo do một số tổ chức, cá nhân thực hiện đều tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, cụ thể:
+ Về những rủi ro tài chính, khi tham gia, tiền của nhà đầu tư nạp vào hệ thống hay sàn đầu tư là tiền thật để đổi lấy các loại hay mã tiền ảo ghi nhận trong ví điện tử hay hệ thống trên Internet. Trong khi kết quả đầu tư chỉ được ghi nhận trên những hệ thống này mà không được cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam thừa nhận. Do đó, quá trình giao dịch, trao đổi giữa các tài khoản đầu tư đều không được đảm bảo, thậm chí các sàn giao dịch tiền ảo có thể bị sập hoặc biến mất, nhà đầu tư có thể bị mất hết số tiền đã đầu tư bất kỳ lúc nào.
+ Về rủi ro pháp lý, cá nhân tổ chức tham gia đầu tư tiền ảo có thể vi phạm nhiều quy định pháp luật. Để thu hút cộng đồng đầu tư, các dự án tiền ảo thường đưa ra các thông tin sai sự thật nhằm lôi kéo đám đông tham gia như việc trả lãi cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng hay "hứa hẹn" đầu tư sẽ chắc thắng. Một trong các hình thức phổ biến đó là các đối tượng này thường áp dụng cơ chế trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia khi lôi kéo những nhà đầu tư khác trong mạng lưới gồm nhiều cấp nhiều nhánh đúng với mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không có giấy chứng nhận hợp pháp (Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cần phải đăng ký theo quy định của Nghị định 40 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 217a Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trong khi các loại tiền ảo, tài sản ảo đều không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Vì vậy, việc sử dụng, trao đổi các đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền pháp lệnh là vi phạm pháp luật Việt Nam.
Theo đó, không chỉ có dấu hiệu của tội phạm kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận hợp pháp, các đối tượng này còn vi phạm nhiều các quy định pháp luật khác như về thanh toán, thương mại điện tử... và cả tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản./.