Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:40, 14/07/2022
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) (sửa đổi) có 7 chương, 80 điều. So với luật cũ, dự thảo luật đã sửa đổi 38 điều, thêm mới 29 điều, bổ sung thêm 1 chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh: Giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp…
Cụ thể, dự thảo luật đã bổ sung một chương mới liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp là Chương 3: BVQLNTD trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; với 3 mục và 10 điều từ điều 36 đến điều 46. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Khoản 1, 2, 3 Điều 36 về: "Các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh".
Góp ý về quy định BVQLNTD trong bán hàng đa cấp, đại diện một doanh nghiệp cho biết bán hàng đa cấp là một phần của bán hàng tận cửa. Bán hàng tận cửa là một phần của bán hàng trực tiếp. Theo dự thảo luật mới, đây có thể hiểu là những loại hình giao dịch khác nhau và có quy định điều chỉnh khác nhau. Bán hàng đa cấp đã có quy định và thực tiễn quản lý rõ ràng.
Thực tế, hình thức bán hàng tận cửa đang có xu hướng gia tăng ở các đô thị bởi nó tạo ra sự thuận tiện cho bên mua là người tiêu dùng bận rộn, người già hoặc những người không có nhiều thời gian. Tuy nhiên, chưa có thống kê Việt Nam hiện có bao nhiêu doanh nghiệp bán hàng tận cửa và quy định này đưa ra thời điểm này có hợp lý hay không? Trên thực tế, người tiêu dùng có thể hẹn người bán hàng mang hàng đến một nơi khác thuận tiện với hoàn cảnh của mình thời điểm đó mà không phải chỗ ở hay nơi làm việc của mình để xem xét, kiểm tra hàng hóa và thực hiện việc mua bán, điều đó hoàn toàn được hiểu là bán hàng tận cửa.
Như vậy, trước sự phức tạp và đa dạng của những hình thức bán hàng trong xã hội hiện nay, mục tiêu của Luật và những văn bản hướng dẫn thi hành luật là hướng tới lợi ích người tiêu dùng, tạo ra cơ chế bảo vệ họ và giúp họ bảo vệ chính mình.
Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa các nội dung cần thiết, dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi) mới có Mục 1: Giao dịch từ xa của Chương 3 có Điều 37: Trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng"; Điều 38: Giao kết hợp đồng trong bán hàng từ xa; Điều 39: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng.
Trong đó, Khoản 1 và 2 Điều 38 của dự thảo luật mới có sửa đổi, thay thế khoản 1 và 2 Điều 17 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP: Hợp đồng giao kết từ xa về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi bán hàng từ xa với người tiêu dùng; Các nội dung hợp đồng. Và giữ nguyên khoản 3 và khoản 4 của điều này.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, có khoảng 80-90% doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện bán hàng từ xa. Theo đó, có ý kiến cho rằng cần nhìn nhận hoạt động bán hàng từ xa như một loại hình giao dịch thông thường thay vì là giao dịch đặc biệt sẽ hợp lý hơn với thực tế.
Đồng thời, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số trường hợp hiện nay cho phù hợp với sự thay đổi linh hoạt của thực tế tại Mục 2 của Chương 3 với Điều 40: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục; Điều 41: Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục. Trong đó, Điều 41 sửa đổi bổ sung Điều 18 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP về thỏa thuận cung cấp dịch vụ liên tục phải được lập thành hợp đồng. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung để xác lập hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung này phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD trước khi áp dụng với người tiêu dùng theo quy định tại Điều 27 Luật này. Đồng thời, dự thảo luật mới cũng quy định những nội dung hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục phải có; Trường hợp các bên có thỏa thuận và người tiêu dùng chấm dứt thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ…
Ngoài ra, luật mới cũng sửa đổi, bổ sung quy định về điều khoản về bán hàng trực tiếp ở Mục 3 của Chương 3 từ Điều 42 đến Điều 46. Trong đó, có Điều 42 của dự thảo luật quy định "Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng tận cửa". Điều 43 sửa đổi, thay thế, bổ sung về quy định hợp đồng bán hàng tận cửa của Điều 19 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP. Dự thảo luật mới cũng thiết kế sửa đổi, bổ sung Điều 44 về "Trách nhiệm tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp"; Điều 45 về "Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp"; Điều 46: "Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ tại các địa điểm không phải là địa điểm bán lẻ, giới thiệu dịch vụ thường xuyên.
Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được Bộ Công thương cấp giấy phép, là tổ chức hoạt động kinh doanh thông qua mạng lưới. Tuy nhiên, nhà phân phối của các hội viên bán hàng đa cấp đa phần là chủ thể kinh doanh hoàn toàn độc lập, họ chủ động lựa chọn phương pháp bán hàng, tiếp thị hiệu quả nhất mà không bị cấm như mở cửa hàng riêng, bán hàng tại hội chợ, bán hàng từ xa, bán trên mạng…
Nhiều ý kiến băn khoăn, hoạt động bán hàng của những nhà phân phối này sẽ chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật bán hàng đa cấp hay còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành mỗi khi sử dụng hình thức bán hàng khác nhau? Theo Điểm e Khoản 1 Điều 44 dự thảo quy định "Trách nhiệm của tổ chức bán hàng đa cấp phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp", khái niệm này của dự thảo vẫn còn chung chung vì người tham gia bán hàng đa cấp là chủ thể kinh doanh độc lập nên họ phải tự chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, tổ chức bán hàng đa cấp chỉ nên giới hạn đối với hành vi của người bán hàng đa cấp trong các sự kiện hoặc địa điểm thuộc phạm vi quản lý của công ty, còn lại người bán hàng tự chịu trách nhiệm./.