Cần có những giải pháp mới trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:00, 10/06/2022
Cần ưu tiên DN có tiềm lực
Áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa là một trong những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Việc khuyến khích, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, các doanh nghiệp trên cả nước đã liên tục thực hiện nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đơn cử như tại Hà Nội, đã có nhiều hoạt động hỗ trợ việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và các cộng cụ cải tiến để nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp.
Theo đó, đã có hàng trăm doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất cũng như các công cụ quản lý như: ISO 14000, ISO 2200, ISO 9001:2008… với mục đích trợ giúp các cơ quan, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế thế giới; Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thông qua việc cấp kinh phí để thực hiện cá đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm...
Hay như tại TP. Hồ Chí Minh, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng được cụ thể hóa bằng các hình thức như thống kê danh mục doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa ưu tiên nâng cao năng suất chất lượng; Tổ chức hội nghị hội thảo, đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp; Xây dựng tổ chức đánh giá sự phù hợp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuẩn, trình độ quản lý sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng vẫ còn thiếu và yếu, đang trong quá trình hình thành dẫn đến hiệu quả tư vấn chưa cao. Đó là chưa kể đến năng lực tự thân của doanh nghiệp trong nghiên cứu áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng còn thấp.
Bên cạnh đó, các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, chưa nhận thức đầy đủ vai trò kiến tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghệp thông qua áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ...
Chính vì vậy, trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng tại hai thành phố trên cần được triển khai với quy mô rộng hơn, sâu hơn, đồng bộ hơn. Hệ thống chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan cũng cần vào cuộc để các giải pháp, hoạt động nâng cao năng suất chất lượng được triển khai kịp thời và hiệu quả.
Đề cao giải pháp tạo động lực lan tỏa
Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, ngày 21/10/2021, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch số 4835/KH-UBND về hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025.
Đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển các ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh, các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, chủ lực, ưu tiên của tỉnh, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu.
Mục tiêu nhằm đưa năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Mục tiêu cụ thể là hỗ trợ 100 - 150 doanh nghiệp, HTX áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân của tỉnh trên 7%/năm...
Còn đối với Sở KH&CN tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua đã có nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách đặt ra các giải pháp tổng thể.
Trong đó, ưu tiên đầu tư cho một số doanh nghiệp có tiềm lực, có hoạt động cải tiến tích cực để tạo ra các mô hình điểm, có tính đột phá trong triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng. Từ đó tạo động lực lan tỏa cho các doanh nghiệp khác trong ngành, lĩnh vực và địa phương.
Cùng với đó, cần phải lựa chọn doanh nghiệp, lĩnh vực ưu tiên trong hỗ trợ cải tiến năng suất chất lượng; xu hướng ứng dụng các công cụ quản trị doanh nghiệp hiện nay; ứng dụng công nghệ số trong việc nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; điều kiện để trở thành nhà cung cấp trong chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia; kinh nghiệm tham gia dự án cải tiến năng suất chất lượng.
Hiện nay một số mô hình và giải pháp được tỉnh Khánh Hòa áp dụng để giải bài toán nâng cao năng suất chất lượng, tạo đột phá cho doanh nghiệp được đặt ra.
Trong đó, Nhóm giải pháp hoàn thiện khung pháp lý. Thực hiện công khai, minh bạch về quy hoạch, tài chính, ngân sách, dự án đầu tư. Cải cách thể chế pháp luật, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế.
Nhóm giải pháp về giáo dục, đào tạo. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến năng suất lao động thấp chính là chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, thiếu lao động chất lượng cao, chưa chú trọng đào tạo lại và đào tạo nâng cao.
Nhóm giải pháp về liên kết chuỗi sản xuất. Khuyến khích phát triển, tăng cường sự liên kết chuỗi giữa các DN nhằm hợp tác sản xuất sản phẩm, sản xuất linh kiện, phụ kiện, phụ tùng, chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm./.