Đóng góp của nâng cao năng suất vào tăng trưởng nền kinh tế

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:53, 31/05/2022

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra một số mục tiêu cụ thể đối với phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 6,5% - 7%/năm; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Chủ trương nhất quán tăng năng suất lao động xã hội

Nhìn vào các mục tiêu đặt ra có thể thấy trong sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế của vai trò quan trọng của đổi mới khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt trước bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam và các nước trên thế giới, trong những năm qua.

Đóng góp của nâng cao năng suất vào tăng trưởng nền kinh tế - Ảnh 1.

Tăng đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất và phát triển thị trường.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước là cần đặc biệt chú trọng phát triển nền kinh tế số dựa trên nền tảng tri thức và công nghệ. Theo các chuyên gia kinh tế, trong thực tiễn 35 năm đổi mới, có những ngành hàng mà Nhà nước tập trung ưu tiên phát triển nhưng do bản thân doanh nghiệp Việt Nam còn yếu nên không tận dụng được cơ hội và chính sách ưu đãi. Bởi vậy, ở thời điểm hiện nay, cần thiết phải cấu trúc lại mô hình sản xuất theo hướng giữ việc làm ổn định trong các ngành sử dụng nhiều lao động và tăng đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất và phát triển thị trường.

Như vậy đến Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đã lên mức trên 6,5%/năm. Trong khi trước đó, nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII mới chỉ đặt ra mục tiêu "Giai đoạn 2016-2020: tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%". Và Báo cáo Năng suất Việt Nam 2020 cho thấy tốc độ năng suất lao động tăng bình quân là 5,88%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Hoàn toàn đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đề ra. Đây được xem là một thành công và điểm tích cực của Việt Nam trong các nỗ lực nâng cao năng suất.

Báo cáo Năng suất Việt Nam 2020 được đánh giá là một Báo cáo khá toàn diện như một bức tranh toàn cảnh về năng suất của nền kinh tế, năng suất các ngành và năng suất của doanh nghiệp Việt Nam cùng với điểm nhấn khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy năng suất.

Theo công bố của Báo cáo như vừa dẫn, năng suất lao động Việt Nam đã có sự gia tăng so với giai đoạn trước. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,88%/năm, cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2011-2015 là 4,24%/năm. Tính chung giai đoạn 2011-2020, năng suất lao động bình quân tăng 5,06%/năm.

Căn cứ vào các chỉ số đó, Báo cáo cũng đưa ra những so sánh trong khu vực. Việt Nam được coi là một quốc gia có tăng trưởng năng suất lao động cao nhất ở khối ASEAN và cũng là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất cao ở châu Á. So với quốc gia có mức năng suất dẫn đầu châu Á là Singapore, khoảng cách về năng suất giữa Singapore và Việt Nam đã giảm đáng kể, từ mức cao gấp 21 lần vào năm 1990, khoảng cách hiện tại là 11,3 lần. Những nỗ lực này đã giảm khoảng cách về năng suất của Việt Nam so với các nước phát triển trên thế giới.

Cũng theo Báo cáo, đóng góp và tăng trưởng năng suất lao động Việt Nam vừa qua đã thể hiện vai trò nổi trội của việc tăng năng suất nội ngành. Trong đó, đóng góp của tăng năng suất nội ngành vào tăng trưởng năng suất của Việt Nam đạt 65,3%, giai đoạn trước đây chuyển dịch cơ cấu kinh tế đóng vai trò chủ đạo trong tăng năng suất, giai đoạn hiện nay tăng năng suất của các ngành kinh tế đã có vai trò nổi trội hơn, thúc đẩy năng suất của Việt Nam.

Tăng năng suất yếu tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng kinh tế

Về tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp (Total Factor Productivity - TFP) và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam tăng TFP đóng góp khoảng 33,5% vào tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2020, tăng TFP đóng góp khoảng 45,7% vào tăng trưởng kinh tế. Có thể thấy, TFP (kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định và lao động hoặc các nhân tố hữu hình, nhờ vào tác động của các nhân tố vô hình như đổi mới công nghệ, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của công nhân …) không ngừng được cải thiện, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất của các nước thành viên APO.

Đóng góp của nâng cao năng suất vào tăng trưởng nền kinh tế - Ảnh 2.

Như vậy, tốc độ tăng năng suất đóng góp cực kỳ quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa qua và càng giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn tới. Với mục tiêu đặt ra của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm, thì đóng góp của tăng năng suất lao động vào tăng trưởng kinh tế càng chiếm tỉ lệ cao hơn. Và TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế có thể đạt tới trên 45% như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào sự đóng góp của 3 yếu tố: Sự tăng thêm của vốn đầu tư phát triển; sự tăng thêm của số lượng lao động đang làm việc và sự tăng lên của TFP.

Trong 3 yếu tố trên, TFP có vai trò quan trọng hàng đầu, được nhận diện dưới 4 góc độ:

+ Thứ nhất, nếu tăng vốn, tăng số lượng lao động là có giới hạn, thì tăng TFP là yếu tố gần như vô hạn, vì nó liên quan đến trí tuệ của con người.

+ Hai là, nếu tăng vốn, tăng số lượng lãi suất thường có hiệu ứng phụ (bất ổn vĩ mô, lạm phát, công ăn việc làm…), thì tăng TFP gần như không gây hiệu ứng phụ.

+ Thứ ba, tăng TFP là yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững.

+ Thứ tư, tăng tỷ trọng đóng góp của TFP sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, không những chống được nguy cơ tụt hậu xa hơn mà còn góp phần chuyển nền kinh tế lên đẳng cấp mới, vị thế mới trong quan hệ so sánh với quốc tế.

Mức độ đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng nền kinh tế phản ánh sự tiến bộ của nền tảng tri thức và công nghệ./.

Thành Vĩnh