Nghị quyết 43/QH15 đồng hành của Quốc hội qua kỳ họp đặc biệt

Truyền thông - Ngày đăng : 11:27, 09/12/2022

Với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân, Quốc hội đã có một kỳ họp đặc biệt chưa có tiền lệ để thảo luận và thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng (hỗ trợ 4 nhóm chính sách: tài khóa, tiền tệ, nhóm chính sách khác) được ban hành trong một kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ với nhiều tâm huyết, công sức của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các vị đại biểu Quốc hội. Nghị quyết đã mở ra cơ chế đặc biệt, trong đó các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, phân cấp mạnh mẽ tới từng bộ, ngành, địa phương mà lâu nay chưa từng áp dụng. Nghị quyết được ban hành đã cho thấy một Quốc hội luôn đồng hành quyết liệt, kịp thời cùng với Chính phủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đất nước đặt ra. Đã có nhiều phiên họp bất thường và phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về lộ trình và cách thức triển khai Nghị quyết.

09/12 - Ảnh 1.

Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất

Nghị quyết 43/2022/QH15 với nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19. Một lần nữa cho thấy tinh thần đổi mới của một Quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 43 là chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác. Theo đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 43/2022/QH15 nêu rõ: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ ….

Ngoài giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại dịch vụ, hàng hoá, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tại điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 43/2022/QH15 còn hỗ trợ lãi suất cho vay như hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tiếp tục cấp vốn cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động thông qua việc cấp vốn cho ngân hàng Chính sách xã hội…

Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng dầu tăng mạnh, gây áp lực lên lạm phát và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (theo trình tự, thủ tục rút gọn), áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Theo đó đã Quốc hội đã cho phép điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhiên liệu bay xuống mức sàn trong biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ…

Kết quả, tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp năm 2022 khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng. Những hỗ trợ kịp thời này đã góp phần quan trọng đưa kinh tế doanh nghiệp, đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, toàn thể nhân dân trong cả nước và các ĐBQH phấn chấn khi nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 8%. Các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam khá lành mạnh trong bối cảnh thế giới chịu những tác động khốc liệt của giá nhiên liệu, tỷ giá USD và gián đoạn chuỗi cung ứng. Dự trữ ngoại hối vượt mức 100 tỷ USD và tiếp tục tăng bền vững, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10% so với năm 2021, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD ổn định rất tốt so với hầu hết các đồng tiền khác và lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4% trong năm 2022. Sau khi nghe Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều ĐBQH bình luận mốc tăng trưởng GDP là ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta.

Đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng với những điểm mới nổi bật ngay từ quan điểm xây dựng Nghị quyết đến mục tiêu, tầm nhìn và các giải pháp, nhằm vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và các năm tiếp theo. Nghị quyết ra đời được nhân dân cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ tạo ra khí thế mới cho phát triển trong cả nước. Đây không phải ngẫu nhiên mà là một kết quả tất nhiên, gần như là "nghệ thuật" điều hành kinh tế, một Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ./.

PV