Kích hoạt niềm đam mê đọc sách cho người lính
Truyền thông - Ngày đăng : 15:49, 08/12/2022
Để văn hóa đọc trong quân đội ngày một nâng cao, phát huy hiệu quả thiết thực, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy đơn vị phải đi đầu nêu gương, sáng tạo thêm nhiều hình thức hoạt động "kích hoạt" tinh thần ham mê đọc sách của cấp dưới.
Sách phục vụ cán bộ chiến sĩ: Đảm bảo đủ và đúng
Để đảm bảo "món ăn tinh thần" cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, ngày 13/8/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Thông tư số 104/2014/TT-BQP quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Về chế độ, tiêu chuẩn sách, bảo đảm bình quân 300 trang sách/người/năm, riêng quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 bảo đảm 350 trang sách/người/năm.
Hiện nay, kinh phí bảo đảm mua sách cho các đơn vị quân đội được chia làm 2 phần: 50% kinh phí sẽ quy đổi ra hiện vật là những cuốn sách mang tính định hướng chính trị, tư tưởng sẽ do Thư viện Quân đội là đầu mối cấp phát; phần kinh phí còn lại căn cứ vào quân số, nhu cầu của các đơn vị sẽ cấp bằng tiền mặt để các đơn vị chủ động mua sách. Điều này sẽ hình thành tủ sách ở các đơn vị chia làm hai phần với sách liên quan đến công tác đảng, công tác chính trị, pháp luật, quân sự và phần còn lại là các tác phẩm văn học, sách văn hóa học, kỹ năng sống...
Để làm phong phú tủ sách đơn vị không chỉ trông chờ kinh phí cấp xuống, các sách được cấp phát hay biếu tặng, giữa các đơn vị thường xuyên luân chuyển sách báo. Ngoài ra, việc mượn, trao đổi sách với thư viện ở địa phương nơi đơn vị đóng quân cũng là một phương án thường xuyên được thực hiện để tăng thêm nguồn sách phục vụ nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ. Có thể hoàn toàn yên tâm khi nói bộ đội dù đóng quân ở đâu cũng luôn có những cuốn sách để đọc.
Nói về việc đảm bảo nguồn sách cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, Đại tá Cao Văn Chính, Trưởng phòng Quản lý Xuất bản, in và phát hành (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) cho biết: "Việc bảo đảm sách theo đúng định mức, tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng quy định về đời sống văn hóa tinh thần bộ đội, trong đó ưu tiên sách cho các đơn vị đủ quân, đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, với chủng loại phong phú và phù hợp với tính chất, đặc điểm nhiệm vụ đặc thù của các loại hình đơn vị và từng vùng, miền".
Kích hoạt niềm đam mê đọc sách
Do đặc thù quân đội, các chế độ trong ngày, trong tuần đã lấp kín thời gian của các quân nhân, thời gian đọc sách được bố trí vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Vì vậy, cần có nhiều giải pháp khác nhau để kích hoạt niềm đam mê đọc sách của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Một trong những giải pháp là sắp xếp thời gian cho việc đọc sách. Một chiến sĩ công tác tại đảo Trường Sa, khi nói về thư viện sách tại Đảo Lớn, đã nói: "Sách nhiều, đọc đến "thừa chữ", chỉ sợ không có thời gian đọc thôi". Hay có lần Binh nhất Nguyễn Xuân Hai đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo Tốc Tan (quần đảo Trường Sa) cho biết: "Tủ sách trên đảo phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc sách của cá nhân tôi và các đồng chí hạ sĩ quan, chiến sĩ khác. Chính nhờ những đầu sách mới được chở trên các tàu tiếp tế của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, giúp chúng tôi có được những giờ nghỉ, ngày nghỉ bổ ích".
Đại úy Phùng Đức Phú, Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1, nêu kinh nghiệm: "Để giáo dục truyền thống, tự hào nối tiếp truyền thống của Trung đoàn Thủ Đô anh hùng, đơn vị thường xuyên cho chiến sĩ đọc, tìm hiểu lịch sử đơn vị thông qua các cuốn sách. Những ngày kỷ niệm lớn của Nhà nước và quân đội thường xuyên tổ chức các hoạt động thi tìm hiểu, hái hoa dân chủ, đơn vị sẽ cử cán bộ hướng dẫn chiến sĩ đọc sách phù hợp với tham gia các hoạt động hiệu quả".
Bên cạnh đó, ngoài thời gian duy trì chế độ đọc báo, nhiều đơn vị làm tốt còn bố trí giá sách, báo ở khu sinh hoạt tập thể có ghế đá mà bộ đội thường hay nghỉ ngơi, trò chuyện. Lúc bộ đội ra thao trường, nhiều đơn vị duy trì tốt tủ sách báo lưu động phục vụ bộ đội đọc trong giờ nghỉ giải lao. Nhưng cũng có đơn vị làm chưa tốt khi bố trí công việc khác nhau lạm vào thời gian nghỉ ngơi, đọc sách báo của chiến sĩ. Tủ sách ở một số đơn vị phủ bụi, khóa im ỉm, chiến sĩ nhiều khi muốn đọc cũng cảm thấy ngại ngần.
Một giải pháp khá hay mà một số tiểu đoàn trong quân đội đã thực hiện là thành lập các Tổ, nhóm hoạt động Phòng Hồ Chí Minh (Phòng Hồ Chí Minh là nơi sinh hoạt văn hoá của đơn vị cấp tiểu đoàn hoặc tương đương); trong đó có Nhóm sách, báo gồm từ 3 đến 5 thành viên. Nhiệm vụ thông thường của Nhóm này là theo dõi, bảo quản, kiểm kê sách. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nữa nếu những nhóm này trở thành hạt nhân tiếp tục đẩy mạnh văn hóa đọc, phát huy tốt các vai trò như: Hướng dẫn chiến sĩ nghiên cứu nội dung sách về pháp luật, kiến thức về quân đội; khuyến khích chiến sĩ đọc sách bổ ích, thiết thực (kỹ năng sống, người tốt việc tốt...) lồng ghép thêm nhiều hoạt động của đơn vị với nội dung các cuốn sách mà chiến sĩ cần đọc; ngăn chặn các sách, báo xấu độc thâm nhập vào đơn vị...
Tuy vậy, để kích hoạt được niềm đam mê đọc sách của mỗi cán bộ, chiến sĩ nhằm nâng cao phong trào văn hóa đọc hiệu quả thì việc đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thiết bị bảo đảm cho các thiết chế văn hóa đồng bộ cũng hết sức cần thiết.
Với những giải pháp hữu hiệu trên cùng với sự quan tâm, vào cuộc của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân, cán bộ, chiến sĩ quân đội sẽ ngày càng đam mê với những cuốn sách, biến nó trở thành hành trang trong ba lô của mình bên cạnh cây súng./.