Độc đáo trang phục 54 dân tộc trên những cô búp bê
Truyền thông - Ngày đăng : 09:57, 01/12/2022
Tại quận Long Biên (Hà Nội), trong căn phòng nhỏ rộng chừng 40m2, họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh trưng bày hàng trăm búp bê trong trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam do anh tự thiết kế; mỗi búp bê lại mang trong mình một nét đặc trưng, riêng biệt của mỗi dân tộc khác nhau.
Chúng tôi đến gặp họa sĩ Hoàng Anh, đúng thời điểm anh đang tỉ mỉ thiết kế trang phục cho sản phẩm mới. Vừa làm, vừa anh kể lại những câu chuyện thuở xưa, trước khi anh bén duyên với công việc chế tác phục trang dân tộc cho những mẫu búp bê.
Ý tưởng làm búp bê mặc trang phục dân tộc được anh Hoàng Anh ấp ủ khi nhiều lần thấy khách du lịch ngó lơ các sản phẩm búp bê bằng giấy, len trong quầy lưu niệm tại nơi mình sinh ra là làng cổ Đường Lâm. "Tôi muốn đưa văn hóa Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế như một minh chứng sản phẩm của người Việt cũng đặc sắc không kém búp bê nước ngoài”, anh Hoàng Anh nói.
Quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình, anh Hoàng Anh đã dành ra hai năm để đi thực tế tại các bản làng của người Việt, một phần thu thập chất liệu sáng tác, một phần cùng bà con sinh hoạt để lấy cảm hứng thực hiện trên từng sản phẩm búp bê.
Để làm những trang phục dân tộc thu nhỏ cho búp bê, bắt buộc phải hiểu sâu từng nét văn hóa, truyền thống của từng dân tộc, để tạo ra cái hồn cho từng sản phẩm. Hơn nữa, mỗi dân tộc có một trang phục riêng, gắn với từng hoa văn, họa tiết độc đáo riêng. Anh cho rằng việc làm sản phẩm búp bê mặc trang phục dân tộc là sự kết hợp giữa hội họa và thời trang.
Từ năm 2011, anh Hoàng Anh bắt tay vào “thu nhỏ” các trang phục dân tộc. Các công đoạn chọn vải, cắt may cho đến lên trang phục cho búp bê và đính trang sức đều do anh thực hiện.
Trải qua 11 năm, hiện, họa sĩ Hoàng Anh đã thực hiện được 60 bộ trang phục của 46 dân tộc khác nhau… cùng nhiều bộ trang phục truyền thống của các vùng miền Việt Nam. Mỗi một sản phẩm đều mang sứ mệnh truyền tải văn hóa, là cầu nối đưa sản phẩm của Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đến gần hơn với mọi người.
Quy trình chế tác hoàn chỉnh một mẫu búp bê dân tộc trải qua rất nhiều công đoạn, bước đầu tiên anh thực hiện là nghiên cứu trang phục. Nguyên liệu để may trang phục cho búp bê chính từ chất liệu truyền thống như thổ cẩm, lụa của dân tộc Việt. Bước tiếp theo là tiến hành tạo phôi bằng chất liệu composite. Loại chất liệu này vừa bền đẹp lại vừa dễ tạo dáng, chất liệu không như sáp nhưng giúp diễn tả phần da thịt giống với người thật.
Tiếp đến là tạo hình và vẽ mặt cho búp bê với yêu cầu khuôn mặt hồn hậu, mộc mạc và giản dị. Cuối cùng là may trang phục và gắn phụ kiện như gùi, chiêng, trống, khăn, mũ cho từng sản phẩm. Theo anh, mỗi dân tộc có một trang phục riêng, gắn với từng hoa văn, họa tiết độc đáo.
Để tạo nên những cô búp bê chân thực, sinh động nhất, mỗi bộ trang phục cũng được sử dụng những chất liệu truyền thống đặc trưng nhất có thể. Ngoại trừ các đồ trang sức không thể tái hiện được như bản chính, các chất liệu vải cho đến các phần phối trên trang phục phải giống bản gốc.
Người họa sĩ đã dành những vị trí trang trọng, bắt mắt nhất trong ngôi nhà để trưng bày sản phẩm búp bê dân tộc, do chính tay anh tự làm ra.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, họa sĩ Hoàng Anh hy vọng sẽ có thể hoàn chỉnh bộ búp bê 54 dân tộc Việt Nam, từ bộ sưu tập búp bê của mình, anh cũng muốn đưa văn hóa dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế, chứng minh sản phẩm búp bê của người Việt cũng đặc sắc không kém búp bê của quốc tế. Từ đó, góp phần đưa nét sinh hoạt của người dân vùng cao vươn tầm thế giới./.