Kỵ binh CSCĐ thuần dưỡng ngựa nơi thao trường đầy nắng gắt
Truyền thông - Ngày đăng : 15:24, 28/11/2022
Đoàn hiện đóng tạm tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là nơi hơn 70 chiến mã được các chiến sĩ CSCĐ thuần hóa, luyện tập hàng ngày bất chấp nắng mưa.
Là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) theo Quyết định số 1256, ngày 1/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an, Đoàn CSCĐ Kỵ binh có chức năng trực tiếp huấn luyện, sử dụng ngựa đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT.
Một ngày của các chiến sĩ bắt đầu từ khoảng 5h sáng, đây cũng là thời điểm cho các chú ngựa ăn nhẹ sau đó nghỉ ngơi để chuẩn bị cho các hoạt động huấn luyện. Vận chuyển hàng đặc biệt băng núi, lội suối; đổ người bắn súng tấn công tội phạm... là những bài tập trên thao trường thường xuyên của cảnh sát cơ động kỵ binh.
Đoàn CSCĐ Kỵ binh sử dụng giống ngựa Mông Cổ, có sức khỏe tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt, sự dẻo dai, ngoại hình phù hợp có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát... Các chú ngựa được trang bị giáp toàn thân, kính chắn mắt, giáp bảo vệ các khớp chân, đầu gối.
Hơn một năm trước, khi được đưa về từ nước ngoài, hơn 100 con ngựa có tính hoang dã rất cao, bất kham, khó thuần phục. Tuy nhiên sau thời gian huấn luyện, 71 ngựa đã thực hiện được các động tác đi, đứng, duyệt đội ngũ; nằm theo khẩu lệnh, điệu bộ của cán bộ huấn luyện; vượt chướng ngại vật, rào, hào công sự, đầm sình lầy, leo cầu, leo đồi cao...
Ngoài ra, ngựa còn thực hiện được các bài tập nghiệp vụ như: Đội hình tuần tra, kiểm soát, giải tán đám đông; cưỡi ngựa bắn súng, truy đuổi tội phạm, nghiêng người thu hồi tang vật...
Để khống chế tội phạm, các chiến sĩ Đoàn Cảnh sát Cơ động kỵ binh tập các bài tấn công từ trên lưng ngựa, tấn công nhiều đối tượng với những thế đánh khác nhau.
Việc sử dụng ngựa kết hợp kỹ thuật điêu luyện, chính xác, các chiến sĩ có thể dễ dàng áp sát, một tay rút súng, cầm súng, tiếp cận và khống chế đối tượng, góp phần hỗ trợ các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài khả năng chiến đấu, ngựa còn có khả năng chịu tải lớn, độ deo dai, sức bền, vận động ổn định qua các địa hình, địa vật phức tạp.
Những năm gần đây, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, diễn biến bất thường, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất các khu vực vùng sâu, vùng xa, do vậy việc huấn luyện ngựa thồ hàng, tải lương lực để giúp đỡ đồng bào khi các phương tiện cơ giới không đến được.
Một trong những màn biểu diễn khó khăn nhất của cán bộ, chiến sĩ là điều khiển ngựa nằm né đạn và dùng súng tấn công tội phạm tại các địa hình đồi núi.
Tập các bài có độ khó cao đồng nghĩa với rủi ro, nguy hiểm. Tuy vậy, các chiến sĩ đã dần thành thục các bài tập để có thể chuyển sang chiến đấu thực tế.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát Kỵ binh sử dụng những chú ngựa để tham gia thực hiện các nghi thức, nghi lễ cấp quốc gia đón nguyên thủ quốc gia, tham gia diễu binh, diễu hành cấp nhà nước khi được cấp thẩm quyền cho phép.