Bàn giải pháp kết nối nhà cung cấp với nhà phân phối và nhà nhập khẩu
Truyền thông - Ngày đăng : 09:46, 25/11/2022
Để mở rộng thị trường và nắm bắt các cơ hội phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp, tổ chức cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giao thương, kết nối. Mới đây, Hội nghị về kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại đã được tổ chức tại Hà Nội.
Hội nghị là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2022. Hơn 250 đại biểu đến từ Hà Nội và 54 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham dự Hội nghị, cùng với các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định Hội nghị với sự tham gia của đông đảo các địa phương, thực sự là một hoạt động xúc tiến thương mại cấp khu vực quan trọng. Nhiều sản phẩm tiêu biểu, có tiềm năng xuất khẩu đã được giới thiệu đến các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế.
Bàn về các giải pháp để nâng cao hơn nữa tính kết nối, liên kết giữa nhà cung cấp với nhà phân phối và nhà nhập khẩu, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận và tham gia các hội nghị kết nối giao thương, từ đó có thể mở rộng mạng lưới đối tác, đặc biệt trong thời đại thương mại điện tử phát triển hiện nay.
Đối với chiến lược xuất khẩu, các nghiệp nghiệp vừa và nhỏ nên hình thành mối dây liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp FDI. Những doanh nghiệp FDI là những doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm trong việc quảng bá, giới thiệu và đưa các sản phẩm Việt Nam ra thế giới.
Ngoài ra, để giữ vững thị trường xuất khẩu, các nhà cung cấp, phân phối cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, sản phẩm ổn định, để giữ uy tín lâu dài và mở rộng thị trường.
Đầu tư, quảng bá tại các trung tâm thương mại lớn cũng là một giải pháp phát triển dành cho các sản phẩm đặc sản vùng miền. Ông Mạc Quốc Anh cho biết có rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường và các doanh nghiệp cần chủ động để tiếp cận nguồn hỗ trợ này.
Để các sản phẩm OCOP hoặc đặc sản địa phương có thể vào được các hệ thống bán lẻ lớn, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến và thương mại Hà Trung, cần đảm bảo 3 yếu tố. Đó là đầy đủ các loại giấy tờ, từ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn thực phẩm. Thứ hai là sản phẩm có mẫu mã phải đẹp và điểm thứ ba quan trọng nhất là chất lượng ổn định./.