Cạnh tranh địa chính trị số ngày nay

Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 10:06, 31/12/2022

Với sự ra đời của thời đại kỹ thuật số, sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn đang dần mở rộng từ không gian thực sang không gian kỹ thuật số (cạnh tranh địa chính trị số - Digital Geopolitics). Các nước lớn tham gia trò chơi địa chính trị sẽ đối đầu với những đối thủ mới, trong một không gian mới và logic cạnh tranh cũng rất mới.

Tóm tắt nội dung:

- Địa chính trị số liên kết hai lĩnh vực rất khác nhau là số hóa và địa chính trị đã trở thành một phần trong thực tiễn quan hệ quốc tế.

- Đặc điểm của địa chính trị số:

+ Sự đan xen hai xu hướng "số hóa động" và "địa chính trị tĩnh", hai xu hướng này thúc đẩy cạnh tranh và hợp tác trên không gian mạng.

+ Internet, dữ liệu và các công nghệ liên quan (AI, điện toán lượng tử, blockchain và 5G, v.v..) đã trở thành một thành phần quan trọng của sức mạnh quốc gia.

+ Khu vực tư nhân do các công ty Internet và các tập đoàn công nghệ là đại diện đã trở thành những chủ thể quan trọng mới trong cạnh tranh quyền lực.

+ Internet đã trở thành một phương tiện quan trọng để nhà nước đạt được sự kiểm soát, việc kiểm soát thông tin trở thành một phần quan trọng của cạnh tranh địa chính trị.

+ Liên minh để đối phó với các bên đối lập đã trở thành một lựa chọn của nhiều quốc gia.

- 3 đặc điểm cạnh tranh chủ quyền kỹ thuật số toàn cầu: Cạnh tranh xung quanh các biện pháp quản trị đang diễn ra ngày càng khốc liệt; Xây dựng quyền tự chủ hạ tầng kỹ thuật số; Cạnh tranh chủ quyền công nghệ đã trở thành trọng tâm.

- 3 thách thức do địa chính trị số đặt ra: Việc quân sự hóa không gian mạng; Chính trị hóa cạnh tranh công nghệ; Sự phân hóa của quản trị không gian mạng.

Nhận diện về cạnh tranh địa chính trị số

Cuộc cạnh tranh trong không gian số một mặt kế thừa quan niệm địa chính trị truyền thống, mặt khác nó cũng mang những đặc điểm mới của thời đại kỹ thuật số. Thời gian qua, xu hướng chính trị hóa công nghệ ngày càng rõ rệt, kỹ thuật số và địa chính trị đã đan xen với nhau, không gian số đã trở thành sân chơi giữa các cường quốc. Địa chính trị số đã trở thành một phần trong thực tiễn quan hệ quốc tế. Làm thế nào để thích ứng với hình thức cạnh tranh mới, tránh tổn hại đến lợi ích cốt lõi của quốc gia mình đã trở thành yêu cầu cấp thiết trong tư duy chiến lược của mỗi nước [1].

Các đặc điểm của địa chính trị số

Bối cảnh của địa chính trị số: Địa chính trị số liên kết hai lĩnh vực rất khác nhau là số hóa và địa chính trị, là một hiện tượng mới trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế đang được quan tâm nghiên cứu. Địa chính trị số có những đặc điểm của địa chính trị truyền thống. Mặt khác, địa chính trị số phụ thuộc vào đặc tính “cởi mở” và “kết nối” của Internet, liên quan đến các tác nhân phi nhà nước, phi tập trung, các dạng tài nguyên ảo và các cách thức vận hành quyền lực mới. Việc đoạt được quyền lực trong thời đại kỹ thuật số phụ thuộc vào lợi thế so sánh của việc sở hữu tài nguyên số. Điều này khác với cạnh tranh địa chính trị truyền thống, là sự phụ thuộc vào việc độc chiếm về một loại nguồn lực nào đó như sở hữu vũ khí chiến lược, dầu mỏ, kim loại hiếm, v.v.. Địa chính trị số là việc đan xen hai xu hướng “số hóa động” và “địa chính trị tĩnh”, hai xu hướng này thúc đẩy cạnh tranh và hợp tác trên không gian mạng hiện nay.

Những nhân tố mới của quyền lực địa chính trị: Quyền lực địa chính trị truyền thống phần lớn được xác định bởi sức mạnh kinh tế và quân sự. Trong thời đại kỹ thuật số, ngoài các tài nguyên vật chất truyền thống thì Internet, dữ liệu và các công nghệ liên quan (trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, blockchain và 5G, v.v..) đã trở thành một thành phần quan trọng của sức mạnh quốc gia. Việc kiểm soát các nguồn lực này trở thành nhân tố mới trong cạnh tranh nước lớn và đang là yếu tố quan trọng của cạnh tranh địa chính trị toàn cầu. Dữ liệu hiện nay được coi là một yếu tố sản xuất mới, là một nguồn tài nguyên chiến lược. Việc tạo ra, sử dụng và kiểm soát dữ liệu đã trở thành những yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, việc quản lý và kiểm soát các chuỗi cung ứng công nghệ then chốt (Chíp, 5G, v.v..) cũng đã trở thành một vấn đề địa chính trị mới, một vấn đề phức tạp và toàn diện liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng. Các nhân tố mới này có thể giúp các nước phát triển sau đi tắt đón đầu, địa chính trị truyền thống dựa trên địa lý và tài nguyên vật chất là thước đo chính đang dần thay đổi và có diện mạo mới.

Cạnh tranh địa chính trị số ngày nay - Ảnh 2.

Các chủ thể mới của cạnh tranh địa chính trị số: Trong kỷ nguyên địa chính trị truyền thống, quốc gia - nhà nước là những chủ thể chính trong cạnh tranh quyền lực. Với sự phát triển của Internet, các nguồn lực bắt đầu phân tán và chủ thể quyền lực cũng được mở rộng. Khu vực tư nhân do các công ty Internet và các tập đoàn công nghệ là đại diện đã trở thành những chủ thể quan trọng mới trong cạnh tranh quyền lực. Lý do vì khu vực tư nhân là động lực quan trọng nhất của đổi mới công nghệ. Mặc dù Internet bắt nguồn từ khu vực chính phủ, nhưng trong quá trình phát triển, nó chủ yếu dựa vào sự thúc đẩy của khu vực tư nhân vì các doanh nghiệp có sự nhạy bén trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Nhiều công nghệ tiên tiến mới ra đời từ việc đầu tư của các công ty công nghệ lớn, khiến những công ty này trở thành một biểu tượng quan trọng của sức mạnh quốc gia. 

Mặt khác, phần lớn cơ sở hạ tầng Internet, các giao thức, chương trình phần mềm, nội dung và dịch vụ nền tảng trực tuyến được tạo ra và duy trì bởi khu vực tư nhân, nơi chứa một lượng lớn dữ liệu cũng như cách thức hoạt động của Internet. Các chủ thể nhà nước cũng phải dựa vào sự hợp tác với khu vực tư nhân trong nhiều trường hợp. Việc chuyển đổi mối quan hệ này đã cho phép khu vực tư nhân gia tăng hoặc thậm chí thay thế chính phủ trong một số vấn đề, một “chính phủ ảo” đã thực sự được hình thành. 

Một số gã khổng lồ công nghệ đa quốc gia như Amazon, Apple, Facebook, Google, Twitter, Tiktok, Alibaba, Huawei v.v.. không chỉ là những doanh nghiệp kinh doanh thuần túy nữa, họ có quyền kiểm soát một số khía cạnh của xã hội, kinh tế và an ninh quốc gia, cái mà trước đây chỉ thuộc về nhà nước.

Cách thức sử dụng quyền lực cũng có thay đổi. Các cường quốc truyền thống chủ yếu dựa vào vũ khí quân sự và chiến tranh vũ trang trong thế giới thực để đạt được các mục tiêu địa chính trị. Trong thời đại kỹ thuật số, Internet đã trở thành một phương tiện quan trọng để nhà nước đạt được sự kiểm soát, việc kiểm soát thông tin trở thành một phần quan trọng của cạnh tranh địa chính trị. So với giá thành cao và nhiều rủi ro của vũ khí truyền thống, việc sử dụng Internet để đạt được quyền lực nhà nước có đặc điểm là chi phí thấp, hiệu quả nhanh và phạm vi rộng. Xung đột vũ trang giữa các quốc gia dần được thay bằng việc sử dụng các “phương tiện bí mật” trong không gian mạng (ví dụ như hành vi thao túng thông tin nhằm vào số lượng lớn người dùng Internet), điều này mang lại những thách thức mới cho an ninh quốc gia.

Cạnh tranh giữa các nước lớn thời đại kỹ thuật số: Nhận thức của các cường quốc truyền thống về không gian mạng và việc lựa chọn con đường để quản trị không gian mạng là những yếu tố chính ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của tương lai Internet. Hiện nay, các cường quốc trên thế giới đã đưa ra những khái niệm quan trọng để định hình không gian mạng dựa trên lợi ích quốc gia của chính họ, vấn đề Internet ngày càng được kết hợp với tính dân tộc chủ nghĩa.

Một là, Mỹ là luôn nhấn mạnh “phát triển Internet kiểu Mỹ”: Nước này luôn coi mình là người sáng tạo ra Internet; với sức mạnh kinh tế và công nghệ của mình, Mỹ muốn duy trì quyền bá chủ trên không gian mạng; các đời tổng thống khác nhau liên tiếp đưa ra các khái niệm quản trị như “sự chung tay toàn cầu”, “tự do Internet”, “hành vi có trách nhiệm của nhà nước trong không gian mạng”, hoặc quan điểm quản trị Internet như “nhiều bên liên quan”, “liên minh Internet tương lai” v.v..; những điều này phản ánh mong muốn của Hoa Kỳ là định hình phát triển không gian mạng theo các “giá trị Mỹ”.

Hai là, Trung Quốc với sáng kiến “cộng đồng cùng chia sẻ”: Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin những năm gần đây, Trung Quốc đã từ một nước đi sau thành một nhà lãnh đạo theo đuổi mục tiêu lợi thế tuyệt đối trong không gian mạng; Trung Quốc đề xuất xây dựng một “cộng đồng có tương lai chung trong không gian mạng”, kêu gọi các quốc gia chia sẻ lợi nhuận do Internet mang lại và cùng nhau xây dựng các quy tắc, luật lệ không gian mạng; Trung Quốc cũng đang thực hiện chiến lược phát triển như “tự chủ và có kiểm soát”, “an ninh và có thể kiểm soát”; trên thực tế, đây là biện pháp để nước này tranh giành quyền bá chủ trong lĩnh vực địa chính trị số.

Ba là, các nước EU đang tích cực tìm kiếm “con đường thứ ba” trong không gian mạng: EU cảm thấy sự cấp thiết cần nâng cao vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ; dịch COVID-19 bùng phát cũng khiến các nước EU nhận ra tầm quan trọng của phát triển công nghệ thông tin đối với phục hồi kinh tế và an ninh khu vực; EU mong muốn tìm kiếm một “con đường thứ ba” khác với Trung Quốc và Hoa Kỳ; hiện tại, EU đang đẩy nhanh xây dựng “quyền tự chủ chiến lược” trong không gian mạng, liên tục đề xuất các khái niệm như “chủ quyền kỹ thuật” và “chủ quyền dữ liệu” để bảo vệ lợi ích, giá trị của các quốc gia EU trong không gian mạng; tuy nhiên, cách tiếp cận của EU và Trung Quốc về chủ quyền kỹ thuật số có khác biệt. Trong khi Trung Quốc theo đuổi chủ quyền không gian mạng được thúc đẩy bởi những lo ngại về an ninh quốc gia, thì việc theo đuổi chủ quyền của EU trong không gian mạng được thúc đẩy bởi vấn đề quyền công dân và sự phát triển của nền kinh tế số EU.

Thứ tư, Nga thúc đẩy “Internet có chủ quyền”: Nga đã nâng cấp việc xây dựng “Internet có chủ quyền” thành ý chí quốc gia; năm 2019, Luật Internet có chủ quyền chính thức được thực thi, các biện pháp “ngắt kết nối Internet chủ động” có thể được thực hiện trong một số trường hợp nhất định; chiến lược An ninh Quốc gia Nga (tháng 7/2021) một lần nữa đề xuất xây dựng một tuyến phòng thủ an ninh thông tin quốc gia nhằm ngăn chặn các quốc gia khác sử dụng Internet để tấn công mạng, đánh cắp thông tin tình báo và phá hoại cơ sở hạ tầng chống lại Nga; điều này phản ánh thế trận phòng thủ của Nga trong địa chính trị số hiện nay.

Xây dựng liên minh kỹ thuật số: Khác với tính chất địa chính trị truyền thống (mang tính khu vực và hạn chế tài nguyên), các yếu tố địa chính trị số có tính lưu động cao, ngưỡng truy cập thấp, rất khó để một quốc gia có thể độc quyền các nguồn lực kỹ thuật số. Trong bối cảnh này, việc liên minh để đối phó với “đối thủ” hoặc “kẻ thù” đã trở thành một lựa chọn của nhiều quốc gia.

Lấy Hoa Kỳ làm ví dụ, sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, việc định hình lại các liên minh không gian mạng với “những người cùng chí hướng” đã trở thành trọng tâm trong chính sách ngoại giao mạng, bao gồm tăng cường tham vấn với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Úc, Singapore về các vấn đề mạng cụ thể; hoặc thúc đẩy hành động phối hợp trong các cơ chế đa phương như G7, G20, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Nhóm Tứ giác kim cương (Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ). Ngoài ra, chính quyền Biden cũng coi trọng vai trò của các doanh nghiệp tư nhân, thu phục các ông lớn công nghệ và tăng cường hợp tác an ninh mạng công - tư. Tổng thống Joe Biden thể hiện thái độ “gần dân” khác hẳn với tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, không ngừng tham vấn và lôi kéo người đứng đầu của những gã khổng lồ công nghệ, định hình lại liên minh công - tư của Hoa Kỳ nhằm tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về mối đe dọa.

Chủ quyền kỹ thuật số

Chủ quyền kỹ thuật số là quyền kiểm soát của quốc gia đối với các hoạt động kỹ thuật số trong một khu vực tài phán nhất định. Từ góc độ chính trị, sự cạnh tranh chủ quyền kỹ thuật số là biểu hiện trực tiếp sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, các kết nối toàn cầu và khu vực tăng lên, quản trị toàn cầu đã trở thành một nội dung quan trọng của trật tự quốc tế. Trong quá trình này, các nhóm xã hội dân sự, các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức quốc tế đã trở thành những chủ thể quan trọng trong quản lý các vấn đề chung toàn cầu. Tuy nhiên gần đây, các gã khổng lồ công nghệ đã xây dựng một hệ thống quyền lực vô hình, đặt ra thách thức trực tiếp đến quản trị quốc gia. Các vụ lộ lọt dữ liệu quy mô lớn hay các cuộc tấn công mạng có yếu tố chính trị đã thúc đẩy các quốc gia tăng cường kiểm soát chủ quyền kỹ thuật số.

Sự cạnh tranh toàn cầu về chủ quyền dữ liệu cũng phản ánh giá trị ngày càng quan trọng của các yếu tố sản xuất mới như dữ liệu và công nghệ. Việc nắm bắt, sử dụng và phân tích hiệu quả dữ liệu đóng một vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa giá trị kinh tế và quân sự trong thời đại công nghệ. Sáng kiến Bảo mật Dữ liệu Toàn cầu” [2] do Trung Quốc đề xuất chỉ ra rằng: “Là một yếu tố then chốt của công nghệ số, sự phát triển bùng nổ của dữ liệu toàn cầu và sự tích tụ dữ liệu khổng lồ đã trở thành động lực quan trọng để đạt được sự phát triển đổi mới và định hình lại cuộc sống của con người, đồng thời liên quan đến an ninh và phát triển kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia”.

Đối với các cường quốc, trong quá trình tái cấu trúc quyền lực toàn cầu, các yếu tố sản xuất mới như dữ liệu, công nghệ là cơ hội giành được lợi thế trong cạnh tranh chiến lược trước các đối thủ. Có thể thấy rằng, dữ liệu là “một nguyên liệu thô cần thiết cho sự đổi mới, một thành phần cho sự tăng trưởng thương mại quốc tế, một nguồn lực quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp và một một khía cạnh quan trọng của an ninh quốc gia, ai có dữ liệu thì có lợi thế vô song” [3].

Cạnh tranh chủ quyền kỹ thuật số toàn cầu mang những đặc điểm cơ bản gồm:

Thứ nhất, cạnh tranh xung quanh các biện pháp quản trị đang diễn ra ngày càng khốc liệt. EU liên tiếp ban hành các quy phạm pháp luật (như Quy định chung về bảo vệ dữ liệu GDPR, Đạo luật An ninh mạng, Luật Thị trường kỹ thuật số và Luật Dịch vụ kỹ thuật số) nhằm tăng cường giám sát các hoạt động số hóa luồng dữ liệu. Đặc biệt, để giải quyết vấn đề phát triển chững lại của EU so với Mỹ và Trung Quốc về các nền tảng công nghệ, Chiến lược dữ liệu châu Âu (do Ủy ban châu Âu ban hành) nêu rõ rằng cần phải “đảm bảo tỷ trọng của EU trong nền kinh tế dữ liệu vào năm 2030 (dữ liệu được lưu trữ, xử lý và sử dụng cho các mục đích có giá trị ở EU), ít nhất là phù hợp với tỷ trọng kinh tế của khối này”.

Cạnh tranh địa chính trị số ngày nay - Ảnh 3.

Các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil có các quy định ở các mức độ và phạm vi khác nhau, yêu cầu các công ty trong và ngoài nước phải lưu trữ và xử lý thông tin cá nhân của công dân trên các máy chủ bên trong biên giới của họ. Do có lợi thế đáng kể trong lĩnh vực nền tảng dữ liệu, Hoa Kỳ đưa ra nguyên tắc “bất kỳ ai sở hữu dữ liệu đều có quyền kiểm soát dữ liệu”; thông qua luật nhằm trao cho các cơ quan hành pháp Hoa Kỳ “quyền tài phán dài hạn”, nghĩa là có thể được truy xuất dữ liệu người dùng được lưu trữ trên các máy chủ ở nước ngoài của các công ty Hoa Kỳ, điều này giúp tăng cường khả năng kiểm soát của chính phủ Hoa Kỳ đối với dữ liệu xuyên biên giới.

Các quy định về lưu trữ và lưu thông dữ liệu ở các quốc gia khác nhau về cơ bản là các biện pháp để bảo vệ chủ quyền kỹ thuật số quốc gia. Tuy nhiên, dù các quốc gia đều coi trọng việc duy trì chủ quyền kỹ thuật số nhưng hiện nay vẫn chưa có sự đồng thuận cao về ranh giới, điều kiện thực thi và cơ chế hòa giải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sự cạnh tranh chiến lược.

Thứ hai, quyền tự chủ hạ tầng kỹ thuật số. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật số là biện pháp cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao và nâng cao an toàn thông tin mạng. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, các quốc gia đều coi trọng vai trò của cơ sở hạ tầng trong việc nâng cao năng lực công nghệ số và duy trì chủ quyền, an ninh số. Việc chủ động trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật có mục tiêu cốt lõi là tăng cường khả năng tự kiểm soát.

Nga chính thức thông qua Đạo luật Internet có chủ quyền (năm 2019), trong đó quy định rằng mạng viễn thông, Internet có thể được quản lý tập trung. Đồng thời, nhiều thử nghiệm “ngắt kết nối” trên toàn quốc đã được thực hiện để chứng tỏ rằng cơ sở hạ tầng mạng quốc gia của Nga vẫn có thể hoạt động bình thường mà không cần truy cập vào hệ thống Internet bên ngoài.

Cũng trong năm 2019, Pháp và Đức cùng khởi động dự án dữ liệu đám mây Gaia-X, với mục tiêu là xây dựng “cơ sở hạ tầng dữ liệu châu Âu an toàn và đáng tin cậy”, mục đích là thiết lập một hệ sinh thái kỹ thuật số có chủ quyền.

Các giải pháp như trên giúp các nước nâng cao chủ quyền kỹ thuật số thông qua tăng cường kiểm soát cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng. Tuy nhiên nó có thể dẫn đến xu hướng “phân mảnh” hoặc thậm chí “Balkan hóa” không gian mạng. Những động thái này có thể tác động tiêu cực đến hợp tác quốc tế và quản trị kỹ thuật số toàn cầu.

Thứ ba, cạnh tranh chủ quyền công nghệ đã trở thành trọng tâm. Đạt được quyền tự chủ chiến lược và ưu việt về công nghệ là một nhân tố quan trọng trong cạnh tranh địa chính trị số. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire từng nói: “không có chủ quyền chính trị nếu không có chủ quyền công nghệ”[4] phản ánh ý nghĩa chiến lược của chủ quyền công nghệ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng chỉ trích rằng, do cạnh tranh chiến lược, một số cường quốc cố tình phóng đại, “chính trị hóa” các vấn đề công nghệ và thực hiện ngăn chặn đối thủ bằng cách thổi phồng các mối đe dọa công nghệ để thực hiện các chính sách kiểm soát, hạn chế xuất khẩu và đầu tư công nghệ. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, EU ban hành Hướng dẫn bảo mật mạng 5G, chỉ ra rằng “các nhà cung cấp được xác định là có rủi ro cao cần phải loại trừ khỏi các tài sản kỹ thuật số quan trọng và nhạy cảm của EU” (ám chỉ Huawei, ZTE của Trung Quốc).

Triển vọng cạnh tranh chủ quyền kỹ thuật số toàn cầu: Sự cạnh tranh giữa các quốc gia xung quanh chủ quyền kỹ thuật số ngày càng gia tăng.

Một là, sự cạnh tranh về quy tắc trong không gian mạng: Hiện tại, có sự khác biệt đáng kể trong các giải pháp về quản lý chủ quyền kỹ thuật số, do đó không thể tránh khỏi trạng thái đan xen và chồng chéo với nhau. Điều này khiến nhu cầu hình thành sự đồng thuận về các quy tắc quản trị kỹ thuật số toàn cầu càng trở nên cấp thiết hơn; mặt khác, cạnh tranh về quy tắc trong địa chính trị số cũng ngày càng quyết liệt.

Hai là xu hướng liên minh tăng lên: Do tầm quan trọng của chủ quyền kỹ thuật số, các nước lớn đã nâng quyền tự chủ về dữ liệu, công nghệ và các yếu tố khác lên tầm chiến lược. Việc chuyển hệ thống liên minh sang thế giới kỹ thuật số là một lựa chọn để hình thành lợi thế về quy tắc và diễn ngôn toàn cầu. Bị ảnh hưởng bởi điều này, một số quốc gia, trong quá trình hợp tác và cạnh tranh địa chính trị số, sẽ kết nối các vấn đề như giá trị quan, chế độ chính trị, hệ tư tưởng với nhau. Từ đó thúc đẩy việc “chọn bên”, khiến cuộc cạnh tranh giành chủ quyền kỹ thuật số mang tính “chiến tranh lạnh” hơn.

Ba là, cạnh tranh chủ quyền kỹ thuật số gắn chặt với vấn đề an ninh, quốc phòng. Vai trò tiên phong của công nghệ số trong đổi mới, cải tổ quân sự ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Kỹ thuật số và thông minh hóa đang trở thành những yếu tố chiến lược để các cường quốc quân sự trên thế giới xây dựng lợi thế quân sự; trong chiến lược của các nước, số hóa lĩnh vực quân sự sẽ tăng nhanh. Cạnh tranh về chủ quyền kỹ thuật số trong lĩnh vực quân sự không chỉ thể hiện ở việc cải thiện khả năng nắm bắt, phân tích và sử dụng dữ liệu và các yếu tố khác, mà còn hàm ý mở rộng sang việc hạn chế và phá hủy quyền kiểm soát của đối thủ đối với các tài nguyên kỹ thuật số. Điều này có thể trở thành nguyên nhân xung đột và đối đầu mới trong thế giới kỹ thuật số.

Thách thức do địa chính trị số đặt ra

Việc quân sự hóa không gian mạng. Với sự gia tăng của tội phạm mạng và các hành vi trên mạng do nhà nước bảo trợ, không gian mạng đã bắt đầu trở thành miền “chiến trường” mới. Ngoài hoạt động phòng thủ, một số quốc gia đã bắt đầu thúc đẩy các khái niệm như “phòng thủ chủ động”, “can dự liên tục”, “tấn công phủ đầu” và công khai thực hiện các hành vi tấn công mạng có chủ đích.

Nước Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump đã đưa ra chiến lược “can dự liên tục” để “đảm bảo rằng Mỹ có thể tiến hành các hoạt động tại thời điểm và địa điểm mà họ lựa chọn, thông qua hoặc từ không gian mạng”. “Can dự liên tục” về bản chất là lý thuyết về tấn công mạng, đòi hỏi đẩy ranh giới của chiến trường mạng vào phạm vi không gian mạng của đối thủ, hạn chế hành động của đối thủ, sử dụng các cuộc tấn công chủ động để buộc đối phương sử dụng các nguồn lực cho phòng thủ, từ đó giảm bớt tấn công và cuối cùng là đạt được mục tiêu chiến lược. Được hướng dẫn bởi triết lý này, Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng chủ động chống lại Iran và các nước khác, đồng thời cũng lôi kéo đồng minh cùng tham gia.

Chính trị hóa cạnh tranh công nghệ. Tương tác địa chính trị làm cho cạnh tranh công nghệ trở thành quân cờ trong bàn cờ giữa các nước lớn. Để duy trì lợi thế công nghệ cao, Hoa Kỳ đã đưa vấn đề an ninh chuỗi cung ứng trở thành ưu tiên hàng đầu trong các vấn đề mạng; chủ yếu thông qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, hạn chế đầu tư và các công cụ chính sách khác để kiểm soát “đầu vào” và “đầu ra” của công nghệ, ngăn chặn sự phát triển của đối thủ.

Về kiểm soát “đầu vào”, Mỹ đã tăng cường rà soát an ninh đối với đầu tư nước ngoài và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển giao công nghệ đối với các nước đối thủ. Về kiểm soát “xuất khẩu”, Hoa Kỳ đã thiết lập một hệ thống kiểm soát xuất khẩu, chủ yếu thông qua Đạo luật Quản lý Xuất khẩu (EAA) và Đạo luật về quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA - International Emergency Economic Powers Act). Trong số đó, “danh sách thực thể” là công cụ khéo léo nhất, bản chất của nó là mở rộng ra ngoài phạm vi quyền tài phán trong nước nhằm hạn chế sự phát triển công nghệ của các quốc gia đối thủ (hàm ý Trung Quốc, Nga).

Chính sách công nghệ “sân nhỏ với tường cao” của chính quyền Biden ở Trung Quốc đã nâng cấp hoạt động kiểm soát “đầu vào” và “đầu ra” này (Ý tưởng Do Sam. Sachs, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chính sách NewAmerica đề xuất: Chính phủ Mỹ cần xác định các công nghệ và lĩnh vực nghiên cứu cụ thể cốt lõi liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ (các sân nhỏ), áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn và tích cực hơn, đồng thời vạch ra các ranh giới chiến lược thích hợp (các bức tường cao); các lĩnh vực công nghệ khác ngoài “sân nhỏ” có thể được mở cho đối thủ).

Sự phân hóa của quản trị không gian mạng.Thời kỳ đầu, quản trị mạng toàn cầu bị chi phối bởi cách tiếp cận lấy phương Tây làm trung tâm, đặc trưng bởi cam kết nhiều bên tham gia (gọi là chủ nghĩa đa bên: Multi-stakeholderism) với các giá trị cơ bản như luồng thông tin tự do, nhân quyền và dân chủ; Mỹ đã giữ vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy cách tiếp cận này.

Tuy nhiên, ngày nay cách tiếp cận lấy phương Tây làm trung tâm cũng đã thay đổi, ngay cả EU cũng đặt ra câu hỏi về sự thống trị của Mỹ và muốn tìm một “con đường thứ ba” để đảm bảo quyền tự chủ của EU về kỹ thuật số. Trong khi đó, Trung Quốc luôn theo đuổi quan điểm về chủ quyền không gian mạng. Điều khiến Mỹ và đồng minh lo ngại là Trung Quốc thông qua triển khai chiến lược “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” (DSR – Digital Silk Road), tăng cường hợp tác về xây dựng hạ tầng thông tin - viễn thông (trong đó có mạng 5G), hợp tác thương mại số và các dự án khác để quảng bá mô hình quản trị mạng Trung Quốc tới các quốc gia dọc theo “Vành đai và Con đường” (BRI – Belt and Road Initiative), tạo ảnh hưởng toàn cầu, thúc đẩy các khái niệm và giá trị của Trung Quốc.

Ngoài ra, vai trò của các cường quốc mạng mới nổi khác như Ấn Độ, Nga đã góp phần làm thay đổi cách tiếp cận quản trị lấy phương Tây làm trung tâm, thúc đẩy phương pháp tiếp cận đa phương, ưu tiên vai trò của các quốc gia có chủ quyền trong quản trị không gian mạng.

Tiểu kết

Với sự ra đời và phát triển của kỹ thuật số, cạnh tranh giữa các nước đã dần mở rộng từ không gian thực sang không gian kỹ thuật số, với những đặc điểm khác biệt và logic cạnh tranh mới. Địa chính trị số là một giai đoạn mới của địa chính trị truyền thống, nó mang những đặc điểm mới của địa chính trị số, đồng thời cũng mang lại những thách thức mới đối với an ninh quốc gia. Làm thế nào để thích ứng với hình thức cạnh tranh mới, bảo vệ lợi ích cốt lõi quốc gia đã trở thành một phần quan trọng trong bố cục chiến lược của mỗi nước. Hiểu biết sâu sắc về quá trình phát triển công nghệ số và các vấn đề cạnh tranh phát sinh liên quan sẽ góp phần giúp xây dựng hệ thống quản trị không gian số quốc gia hiệu quả hơn./.

Tài liệu tham khảo:

1.http://zgbmxh.cn/html/26259.html

2. Tháng 8/2020; http://www.gov.cn/xinwen/2020-09/08/content_5541579.htm

3. Bài báo “Dữ liệu là sức mạnh” trên tạp chí “Foreign Affairs” của Mỹ

4.https://www.euractiv.com/section/digital/news/france-reaffirms-call-for-eu-tech-awakening/

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2022)

Trần Văn Liệu