Đưa Việt Nam trở thành cứ điểm chiến lược R&D của Samsung trên toàn cầu
Bản tin ICT - Ngày đăng : 16:16, 23/12/2022
Trung tâm R&D mới của Samsung Việt Nam có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng là 11.603m2và diện tích sàn là 79.522m2. Trung tâm với 2.200 nhà nghiên cứu sẽ thực hiện các dự án về thiết bị di động, công nghệ truyền thông mạng và phần mềm. Các lĩnh vực nghiên cứu cụ thể hơn bao gồm công nghệ xử lý thông tin đa phương tiện và bảo mật cho mạng không dây.
Theo Samsung, với việc đưa vào hoạt động trung tâm này, Samsung trở thành doanh nghiệp FDI đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, chuyên về nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn. Đồng thời, Samsung đã hoàn thành lời hứa với Chính phủ Việt Nam về việc khánh thành Trung tâm R&D mới vào cuối năm 2022.
Tính đến thời điểm hiện tại, 50% tổng sản lượng điện thoại di động cung cấp trên toàn thế giới của Samsung đang được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Samsung cũng đang phát triển và kiểm định phần mềm (S/W) của thiết bị di động và mạng (network) tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Samsung có kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu.
Theo đó, Samsung đề ra kết hoạch phát triển Trung tâm R&D tại Việt Nam trở thành trung tâm R&D số một toàn cầu thông qua việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các trường đại học trong các lĩnh vực công nghệ then chốt của tương lai, bên cạnh việc gia tăng hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực CNTT của Việt Nam.
Ngoài ra, thông qua Trung tâm R&D, Samsung hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực phần cứng (H/W), phần mềm (S/W) phù hợp với lĩnh vực CNTT tiên tiến và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Roh Tae Moon, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử bày tỏ: "Tôi hy vọng rằng Trung tâm R&D Samsung sẽ trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhân tài CNTT ưu tú của Việt Nam và là nơi sản sinh ra những công nghệ hàng đầu thế giới. Mong rằng những nhân tài công nghệ được bồi dưỡng, phát triển tại đây sẽ là nguồn lực đóng góp tích cực việc nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam".
"Samsung sẽ luôn nỗ lực hơn nữa để trở thành doanh nghiệp được người dân Việt Nam yêu mến và luôn là người bạn đồng hành cùng Việt Nam trên con đường hướng tới tương lai", ông Roh Tae Moon khẳng định.
Đưa Việt Nam trở thành cứ điểm chiến lược nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu
Tham dự lễ khánh thành Trung tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sau 30 năm thiết lập, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, Samsung là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của Samsung trên toàn cầu. Việc Samsung triển khai dự án Trung tâm R&D là minh chứng cho định hướng và cam kết của tập đoàn hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc Tập đoàn tổ chức lễ khánh thành Trung tâm R&D thể hiện tình cảm và trách nhiệm, là tiền đề để Samsung hiện thực hóa các mục tiêu phát triển tại Việt Nam; là minh chứng cho những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao; là một trong những thành quả của quá trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Hàn Quốc trong 30 năm qua để cho đến ngày nay là đối tác chiến lược toàn diện.
Cùng với những kết quả đạt được, Thủ tướng đề nghị Samsung tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh; coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu, toàn diện hơn nữa về sản xuất, nghiên cứu - phát triển các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế; đưa Trung tâm R&D tại Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Đồng thời thúc đẩy các hợp tác cụ thể trong nghiên cứu, liên kết mạng lưới các chuyên gia, trí thức Việt Nam để cùng thúc đẩy các dự án công nghệ phù hợp theo nhu cầu của Samsung, khả năng, điều kiện thực tế tại Việt Nam và mang lại những tác động tích cực, hiệu quả cho cả hai bên với việc kết nối đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, đạt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung tại Thái Nguyên. Đây sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu khép kín "chuỗi sản xuất" trong lĩnh vực điện, điện tử tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng cam kết sẽ tiếp tục cũng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án của tập đoàn đầu tư kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Samsung đặt chân vào Việt Nam từ năm 1989, khi Samsung C&T Corp., đơn vị xây dựng của Tập đoàn Samsung, đặt văn phòng thương mại tại đây. Samsung Electronics chính thức thành lập văn phòng tại Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 1995.
Việt Nam đã là nơi đặt các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh, TV và màn hình LCD của Samsung Electronics tại TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của Samsung ở Việt Nam chịu trách nhiệm sản xuất gần một nửa số điện thoại thông minh Galaxy của công ty.
Kể từ khi thành lập nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh vào năm 2008, Samsung đã đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam để trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam./.