Dấu ấn Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Liên minh Viễn thông quốc tế
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 10:26, 14/11/2022
Ủy ban Thể lệ vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) là cơ quan quan trọng của ITU chịu trách nhiệm đưa ra hướng dẫn thực thi Thể lệ thông tin vô tuyến và xử lý các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng tần số/quỹ đạo vệ tinh giữa các quốc gia.
Việt Nam lần đầu tiên tham gia ủy ban này qua bầu cử từ năm 2015 và nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đoàn Quang Hoan đã trúng cử hai nhiệm kỳ liên tục từ năm 2015-2022, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tham gia sâu vào các tổ chức quốc tế của Việt Nam.
Phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi trao đổi với chuyên gia Đoàn Quang Hoan vừa được nhận huân chương và bằng khen của ITU sau khi hoàn thành xuất sắc hai nhiệm kỳ tại cơ quan chuyên môn quan trọng có tiếng nói ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước trong quá trình giải quyết các nghiệp vụ vô tuyến như đăng ký quỹ đạo vệ tinh, phối hợp tần số này.
Ông Đoàn Quang Hoan cho biết ITU là một tổ chức chuyên ngành của Liên hợp quốc (LHQ) có chức năng chính là thúc đẩy và duy trì hợp tác toàn cầu về viễn thông và công nghệ thông tin, đặc biệt là đảm bảo việc quản lý và sử dụng tài nguyên tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh trên quy mô toàn cầu một cách hiệu quả và công bằng.
Hoạt động của ITU dựa trên 3 văn bản pháp lý quan trọng là Hiến chương ITU, Công ước Viễn thông và Thể lệ Thông tin vô tuyến điện.
Để thực thi có hiệu quả việc quản lý tần số và quỹ đạo vệ tinh theo các văn bản pháp lý này, ITU thành lập Ủy ban Thể lệ vô tuyến điện (Radio Regulations Board – RRB) với nhiệm vụ chính là xây dựng và ban hành Bộ quy tắc thủ tục để ITU và các quốc gia thực hiện đăng ký và sử tần số cũng như quỹ đạo vệ tinh; giải quyết các vấn đề phát sinh mà ITU không thể giải quyết theo Thể lệ Thông tin vô tuyến điện; giải quyết các yêu cầu và các tranh chấp giữa các nước thành viên về tần số và quỹ đạo vệ tinh.
RRB có 12 thành viên là các chuyên gia về thông tin vô tuyến điện, được bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín tại Hội nghị toàn quyền của ITU với nhiệm kỳ 4 năm. 12 thành viên được phân bố theo 5 khu vực, trong đó khu vực Tây Âu: 2, Đông Âu: 2, châu Mỹ: 2, châu Phi: 3, châu Á và châu Đại Dương: 3. Việt Nam lần đầu tiên có người tham gia hội đồng này từ năm 2015.
Ông Đoàn Quang Hoan cũng điểm lại những nét chính trong thời gian ông hoạt động tại tổ chức này trong 2 nhiệm kỳ qua. Theo ông, đây là khoảng thời gian có sự phát triển mạnh của viễn thông và công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin vô tuyến điện, trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp như dịch bệnh COVID-19, khủng hoảng chính trị ở nhiều nơi.
Vì vậy Ủy ban Thể lệ vô tuyến cũng phải thảo luận và giải quyết một khối lượng công việc rất lớn.
Ủy ban đã ban hành mới và sửa đổi 114 Quy tắc thủ tục trong bộ, phù hợp với Thệ lệ Thông tin vô tuyến điện sửa đổi năm 2015 và năm 2019, để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong việc thực thi; tư vấn cho hai Hội nghị vô tuyến thế giới năm 2015 và 2019; xem xét giải quyết 78 trường hợp xin gia hạn đăng ký sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh, giải quyết hàng chục vụ can nhiễu và tranh chấp về tần số, quỹ đạo vệ tinh giữa các nước, trong đó có nhiều vụ phức tạp kéo dài. Các kết luận và quyết định của ủy ban này luôn được các nước thành viên tôn trọng và tuân thủ.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, tại các cuộc họp của RRB, ông đã tham gia rất tích cực, trực tiếp thảo luận tất cả các vấn đề được đưa ra hội đồng. Như vậy, Việt Nam đã trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề của thế giới liên quan đến quản lý, sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh góp phần bảo vệ các quyền lợi quốc gia cũng như hỗ trợ các nước bạn bè. Từ chỗ Việt Nam chỉ có tiếng nói đề xuất, góp ý nay đã có tiếng nói quyết định.
Ông Đoàn Quang Hoan cho biết ông đã cùng đề xuất, có tiếng nói quan trọng trong việc ban hành một quy tắc thủ tục cho phép Việt Nam có thể bảo vệ hai vị trí quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh mà Việt Nam đang sử dụng chỉ bằng 1 vệ tinh hay đã hỗ trợ thành công cho nhiều đề xuất của các nước đang phát triển ở Đông Nam Á như Lào, Indonesia, Malaysia, các nước châu Phi…
Ông Đoàn Quang Hoan cũng đã nhấn mạnh vai trò, vị trí và đóng góp của Việt Nam trong ITU. Theo ông, Việt Nam tham gia ITU từ rất sớm và đang ngày càng có vai trò tích cực trong ITU. Việt Nam tham gia ngày càng sâu và rộng trong các hoạt động của ITU. Tại các hội nghị lớn như Hội nghị toàn quyền, Hội nghị phát triển viễn thông thế giới, Hội nghị Vô tuyến thế giới, Việt Nam đều tham gia và có tiếng nói tích cực.
Riêng trong lĩnh vực thông tin vô tuyến, Việt Nam đóng góp nhiều chuyên gia ở vị trí phó chủ tịch các nhóm nghiên cứu của ITU về quản lý tần số, về thông tin di động mặt đất, thông tin vệ tinh. Việt Nam cũng đang thực sự tích cực tham gia trực tiếp xây dựng luật chơi quốc tế trong lĩnh vực viễn thông chứ không chỉ chờ thực hiện luật chơi do các nước khác soạn thảo.
Đặc biệt, Việt Nam đã hai lần đăng cai sự kiện lớn là Triển lãm viễn thông thế giới của ITU năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên cả hai sự kiện đều phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Việt Nam đã đề xuất đổi tên thành Triển lãm Số Thế giới và đã được lãnh đạo ITU đồng ý và đánh giá cao.
Ông Đoàn Quang Hoan cũng chia sẻ kinh nghiệm làm việc tại địa bàn Geneva, nhất là đối với các bạn trẻ Việt Nam đang thử sức trong môi trường công việc của các tổ chức quốc tế tại nơi đặt trụ sở của LHQ và hơn 30 tổ chức quốc tế này. Theo ông, Geneva có lẽ là nơi đáng để các bạn trẻ tìm kiếm việc làm với tư cách chuyên gia quốc tế trong tất cả các lĩnh vực vì Geneva là nơi có trụ sở của LHQ và hơn 30 tổ chức quốc tế liên chính phủ.
Tuy nhiên, để có thể trở thành chuyên gia quốc tế làm việc ở đây, các bạn trẻ cần có quyết tâm rất cao và sự chuẩn bị hết sức kỹ cả về trình độ chuyên ngành, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng ngoại giao. Việc tìm kiếm vị trí và quá trình vận động cũng phải hết sức công phu. Cách chuẩn bị và vận động tốt nhất là trực tiếp tham gia vào các hoạt động của tổ chức quốc tế, tham gia tích cực chứ không phải tham gia thụ động.
Ngoài năng lực cá nhân cũng cần đến sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ quản lý chuyên ngành và Bộ Ngoại giao. Bộ quản lý chuyên ngành cần có định hướng và kế hoạch đào tạo cán bộ trẻ cụ thể, nhắm vào những vị trí có lợi cho quốc gia.
Cách đào tạo tốt nhất là cử cán bộ tham gia liên tục các nhóm nghiên cứu, các hội nghị của tổ chức quốc tế chuyên ngành nhưng yêu cầu phải tham gia tích cực, có tranh luận, có đóng góp, làm chủ tọa từ nhóm nhỏ đến nhóm lớn. Ông Đoàn Quang Hoan hy vọng sẽ có nhiều người Việt Nam nữa được bầu và được tuyển dụng vào các tổ chức quốc tế lớn./.