Cần có giải pháp quyết liệt để năng suất xanh được áp dụng rộng rãi
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 10:41, 09/07/2022
Doanh nghiệp chưa mặn mà với năng suất xanh
Kể từ năm 1998, Trung tâm Năng suất Việt Nam (nay gọi là Viện Năng suất Việt Nam) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã bắt đầu thực hiện Chương trình điểm về năng suất xanh thông qua các dự án do Tổ chức Năng suất châu Á (APO) tài trợ. Trong đó, nổi bật nhất là việc triển khai các mô hình về năng suất xanh tại cộng đồng ở 20 tỉnh, thành phố trên cả nước (chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ) đã giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về khái niệm, cách tiếp cận và biết cách dùng các công cụ phân tích đánh giá vấn đề, đưa ra lựa chọn ưu tiên... Đây là cách làm sáng tạo của Việt Nam trong việc triển khai với các nhóm giải pháp, công cụ vốn dĩ mọi người nghĩ rằng chỉ triển khai được trong khu vực doanh nghiệp sản xuất, nhưng lần đầu tiên được triển khai và áp dụng thành công tại các cộng đồng với kết quả được APO và các thành viên đánh giá cao.
Chất lượng cuộc sống và điều kiện môi trường của người dân đã được cải thiện rõ rệt thông qua việc thực hiện một loạt các giải pháp năng suất xanh như: áp dụng kỹ thuật biogas để giải quyết vấn đề phân người và động vật; xây dựng trạm cấp nước tập trung để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân; áp dụng kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp để giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học. Những kết quả và kinh nghiệm thu được từ các dự án rất hữu ích không chỉ đối với việc thúc đẩy phong trào năng suất xanh tại các vùng khác của Việt Nam mà còn trở thành một mô hình sinh động về việc áp dụng năng suất xanh tại cộng đồng cho các quốc gia khác trong khu vực.
Tuy nhiên tại khu vực doanh nghiệp, việc đáp ứng các tiêu chí về năng suất xanh còn hạn chế. PGS.TS. Vũ Hoàng Nam, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: Hiện đã có khá nhiều dự án, doanh nghiệp triển khai về năng suất xanh, nhưng chủ yếu là tập trung ở những doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn, trong khi phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ thì câu chuyện năng suất xanh chưa được triển khai, thực hiện nhiều. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ khái niệm về năng suất xanh là gì.
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về năng suất xanh tại doanh nghiệp đang rất cần thiết hiện nay. Bởi nó đem lại những lợi ích thiết thực, không chỉ giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp mà còn hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững.
Cần coi các tiêu chí về năng suất xanh là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp
Tại một số nhà máy, các loại chất thải rắn như tro than, bùn thải trong quá trình sản xuất sẽ được đem đi chôn lấp hoặc chứa trong các hồ chứa gây ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước, thậm chí còn cực kỳ gây hại đến sức khoẻ con người. Thế nhưng, vấn đề này đã được giải quyết khi có doanh nghiệp sáng tạo ra một công nghệ biến các chất thải rắn này thành một sản phẩm tái chế gọi là cát nhân tạo bằng phương pháp nghiền viên. Điều đáng nói, cát nhân tạo có chỉ số chịu tải CBR rất cao, phù hợp làm vật liệu trong xây dựng đường giao thông, thậm chí là đường sân bay và còn thân thiện với môi trường. Nhìn thấy rõ lợi ích, nhưng việc ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam thì cũng chưa thực sự phổ biến.
"Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là ít người biết vì nó còn rất mới. Chúng tôi cũng mong muốn phổ biến công nghệ này rộng rãi ở Việt Nam theo tinh thần COP26 là làm sao để trong nền kinh tế tuần hoàn sản xuất ra phế phẩm, phế liệu, chất thải thì dùng chính chất thải đó tái chế thành một sản phẩm mới cho xã hội", ông Trần Trung Nghĩa, Chủ tịch HĐQH Công ty TNHH Trung Hậu cho biết.
Nếu được áp dụng tại doanh nghiệp, thì đây được coi là một trong những tiêu chí về năng suất xanh khi kết hợp các công cụ kỹ thuật và nhiều công nghệ thích hợp nhằm tăng năng suất lao động mà không gây ô nhiễm môi trường. Đáp ứng các tiêu chí về năng suất xanh đang là một xu thế tất yếu đối với các doanh nghiệp sản xuất hiện nay, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng. Mặc dù khái niệm "năng suất xanh" đã xuất hiện từ lâu tại Việt Nam, tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự được phổ biến, áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp.
Vai trò của nhà nước phải cao hơn để tạo ra các thách thức cho doanh nghiệp
Để thúc đẩy áp dụng năng suất xanh tại doanh nghiệp, PGS.TS. Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần phải có hệ thống quản trị hướng tới cải tiến các năng suất, tức là đầu tư phải có hệ thống thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn, ví dụ như ISO 9.000, ISO 14.000...; hai là hệ thống phải hoạt động về năng suất xanh, ví dụ có những nhóm cải tiến, nhóm chất lượng; đồng thời để vận hành được thì phải có trong tay các công cụ, các phương pháp hoạt động năng suất xanh để dựa vào đó đánh giá đơn vị áp dụng.
Trên thực tế, tại Việt Nam, các tiêu chí pháp lý về năng suất xanh đã được xây dựng thành hệ thống quản lý, công cụ thường được áp dụng như hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001; các giải pháp nhằm quản lý chuỗi cung ứng xanh, mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt Global GAP; các công cụ trong thống kê, quản lý chất lượng như 5S, 3R... nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ, khuyến khích.
PGS.TS. Phan Chí Anh cho rằng, đến thời điểm này, vai trò của Nhà nước phải cao hơn, phải tạo ra các "thách thức" cho doanh nghiệp hay nói cách khác cần phải tạo ra sức ép và phải có chế tài.
Việc áp dụng năng suất xanh trong mọi ngành, mọi lĩnh vực cần phải được đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt là khi Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26./.