Sàn TMĐT của VP Milk hướng đến mục tiêu 3 triệu người dùng vào năm 2027

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 17:31, 29/12/2022

Theo đại diện VP Milk, đơn vị này đang công ty sữa đầu tiên trực tiếp phân phối tới người tiêu dùng qua nền tảng VPMilkcare. VP Milk kỳ vọng sẽ đạt 3 triệu người dùng đến năm 2027 với tổng giá trị hàng hoá qua sàn đạt 428 triệu USD.
Make in Vietnam

Sàn TMĐT của VP Milk hướng đến mục tiêu 3 triệu người dùng vào năm 2027

NK 29/12/2022 17:31

Theo đại diện VP Milk, đơn vị này đang công ty sữa đầu tiên trực tiếp phân phối tới người tiêu dùng qua nền tảng VPMilkcare. VP Milk kỳ vọng sẽ đạt 3 triệu người dùng đến năm 2027 với tổng giá trị hàng hoá qua sàn đạt 428 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch, Phó Tổng giám đốc VP Milk, toàn bộ hoạt động của một doanh nghiệp (DN) có thể minh họa trên 5 ngón tay - mỗi ngón tay đại diện cho mỗi hoạt động của một DN, gồm: Nhân lực, công nghệ, marketing, doanh số và các kênh bán hàng. Nếu như DN quá coi trọng vào việc sử dụng nhân lực và dùng marketing thì cũng không thể duy trì được việc kinh doanh. Hay nếu chỉ dùng mỗi công nghệ thôi cũng không thể thành công được.

Từ đó, ông Thắng cho rằng, điều quan trọng nhất đối với một DN sản xuất hàng tiêu dùng như VP Milk khi chuyển đổi số là để “gia cố”, tăng cường sức mạnh cho các kênh bán hàng cũng như giữ chân khách hàng, để từ đó tăng trưởng. Nhất là trong bối cảnh, VP Milk có hơn 200.000 sản phẩm và trải dài trên nhiều dòng sản phẩm như mẹ bầu và bé, sữa chua, chăm sóc sức khỏe... bao gồm cả hàng nhập khẩu và tự sản xuất.

Hiện VPMilk là công ty sữa đầu tiên trực tiếp phân phối sữa tới người tiêu dùng thông qua nền tảng VPMilkcare.vn và chiếm 20% doanh số toàn hệ thống. Hiện giá trị trung bình trên mỗi đơn của công ty hiện nay đang ở mức 17 USD, ông Thắng kỳ vọng khi số người dùng trên nền tảng đạt mốc 3 triệu người dùng đến năm 2027 thì tổng giá trị hàng hoá qua sàn TMĐT của công ty sẽ đạt 428 triệu USD.

Ngoài ra, đối với ngành hàng ngành hàng tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods - FMCG), việc phát triển các kênh bán hàng ở các khu vực như đại lý, bán chéo, nhượng quyền, phát triển mạng lưới… rất quan trọng, vì nó giúp cho người bán hàng “ngồi nhà đẩy đơn qua Zalo cũng nghe tiếng "ting ting" vang lên trong tài khoản”.

Ông Thắng nhận định, trong 2 - 3 năm tới, một trong số những làn sóng kinh doanh chính là mô hình quick commerce (mô hình thương mại nhanh với toàn bộ quá trình mua và hoàn tất giao hàng chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn). Đây sẽ là mô hình quyết định vấn đề sống còn của thương mại điện tử trong nội thành các thành phố lớn. Vì vậy, VP Milk muốn tăng cường trải nghiệm của khách hàng và tạo ra các sản phẩm phù hợp với người dùng.

Nói về mô hình chuyển đổi số của VP Milk, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết có 3 cấp độ: Mô hình chiến lược do Nhà đầu tư hoặc Hội đồng quản trị phụ trách; Mô hình vận hành do CEO chịu trách nhiệm; Mô hình nền tảng DN số là hợp tác với đơn vị thuê ngoài.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Việt Thắng cũng chia sẻ một trong những định hướng mà VP Milk cực kỳ tâm đắc đó là định hướng tới năm 2023-2025 sẽ phát triển dựa trên công nghệ blockchain. Nếu các DN cứ tự phát triển, tự mở kho, tự bán hàng, tự làm marketing rồi bán hàng thì sẽ rất khó trong việc vận hành. Vì vậy, ông Thắng đã kêu gọi các DN có liên quan cùng hợp tác và chia sẻ lợi nhuận. “Bởi vì, chuyển đổi số là để tối ưu quản trị”, ông Thắng lý giải.

Cuối cùng, ông Nguyễn Viết Thắng muốn nhắn nhủ tới tất cả các startup là, dù muốn làm hay suy nghĩ gì, nhưng điều đầu tiên là phải xác định được khách hàng của mình. Khách hàng sẽ quyết định ý tưởng sản phẩm.

“Đừng làm ngay mô hình kinh doanh, tự vẽ ra thị trường rồi “chết” vì không phù hợp. Các nhà sáng lập hãy bắt đầu bằng chính khách hàng”, ông Thắng bày tỏ.

Tiếp theo, mục tiêu hàng đầu của một DN là để kinh doanh. Để làm được điều đó, việc đầu tiên phải có nhân lực, thứ hai là kiếm được nơi để bán, sau đó sẽ tạo ra doanh số và từ đấy marketing, công nghệ mới dần ‘nhảy’ vào. Trong những yếu tố đó, yếu tố nhân lực và điểm bán cần phải đẩy mạnh tăng trưởng trước./.

NK