Xây dựng chính quyền điện tử: Kinh nghiệm từ Quảng Ninh
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:00, 05/01/2023
Xây dựng chính quyền điện tử: Kinh nghiệm từ Quảng Ninh
Quảng Ninh xác định cải cách hành chính (CCHC), trong đó xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), chính quyền số là 1 trong 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Xây dựng CQĐT, chính quyền số để phát triển kinh tế - xã hội
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng CQĐT của tỉnh Quảng Ninh, tại Hội nghị mới đây của Bộ TT&TT, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh Lê Ngọc Hân cho biết vào năm 2012 khi tỉnh Quảng Ninh triển khai hội nghị triển khai đề án CQĐT, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo phải xây dựng được một hệ thống CQĐT chuyên nghiệp, hiện đại để hỗ trợ các cấp chính quyền trong chỉ đạo, điều hành trong những năm tới khi số lượng cán bộ công chức sẽ giảm mạnh, trong khi đó công việc ngày càng tăng, có độ phức tạp cao. Để phát huy được hệ thống này thì phải đào tạo được công dân điện tử và người dân thì phải sử dụng thành thạo được các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên hệ thống CQĐT của tỉnh Quảng Ninh.
Trước năm 2012, toàn bộ các hệ thống này của Quảng Ninh phân tán, rời rạc ở tất cả các sở, ngành và các địa phương. Sau đó đã được triển khai bằng hình thức tập trung thông qua việc xây dựng một Cổng DVCTT của tỉnh và đưa vào vận hành từ năm 2016. Khi bắt đầu vận hành Cổng DVCTT, Quảng Ninh xác định khâu trọng yếu đầu tiên là công tác tuyên truyền. Tuyên truyền đi trước một bước và tuyên truyền phải gắn liền với hướng dẫn để khơi thông nhận thức, tạo sự hưởng ứng tham gia của người dân và dần dần sẽ chuyển đổi các phương thức hỗ trợ.
Để làm việc này, trước đây, Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ninh cử cán bộ đến hỗ trợ người dân tại các trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, của huyện, bộ phận một cửa tại các xã. Đến thời điểm năm 2022, Giám đốc Sở TT&TT cho biết khi có sự chỉ đạo thành lập tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) của Bộ TT&TT, ngay lập tức nhiệm vụ này được chuyển sang tổ CNSCĐ nhưng không phải làm thay, làm hộ, không phải việc cầm tay nữa mà 1473 tổ CNSCĐ với 11.255 thành viên phủ đến đơn vị hành chính nhỏ nhất của tỉnh là thôn, bản. Một trong những điểm riêng của tỉnh Quảng Ninh là thành lập tổ CNSCĐ trong cả các DN, nằm ở các khu công nghiệp.
“Các tổ CNSCĐ này chính là lực lượng tham gia thúc đẩy DVCTT theo hướng cung cấp tài liệu đến cho từng hộ dân để nhìn vào đó có thể thực hiện qua các phương thức như video hoặc infographic”, Giám đốc Sở TT&TT cho hay.
Giải bài toán bất cập
Truyền thông đã có nêu một số bất cập hiện nay trong việc triển khai thực hiện DVCTT của người dân. Từ cách làm thực tiễn của Quảng Ninh, Giám đốc Sở TT&TT Lê Ngọc Hân cho biết Quảng Ninh đã giải được bài toán bất cập.
Công việc đầu tiên là trong năm 2022, Sở TT&TT đã chủ trì để triển khai xoá các điểm lõm sóng của 163 thôn trên địa bàn tỉnh và tỷ lệ các hộ gia đình có kết nối cáp quang đã đạt 85%, dân số trưởng thành có smartphone trên tổng thuê bao toàn tỉnh đạt 70%, tiếp tục nâng cấp phát triển các hạ tầng băng rộng chất lượng cao và các hạ tầng viễn thông băng rộng từ di động đến cố định đã phủ sóng được 99,85% thôn, xóm, bản. Tỷ lệ thuê bao di động trên dân số tỉnh đã đạt 88,9%.
Cùng với đó, ngay từ cuối năm 2021, Sở TT&TT đã nhận diện được muốn thúc đẩy DVCTT thì chắc chắn phải tập trung phát triển chữ ký số (CKS) công cộng. Nếu không có CKS công cộng thì một số khâu sẽ là bán trực tuyến. Thông qua sự hỗ trợ của Cục Công nghiệp CNTT-TT - Bộ TT&TT, Sở TT&TT Quảng Ninh đã ký thoả thuận hợp tác với 7 doanh nghiệp (DN) cung cấp CKS cho người dân và đã triển khai thí điểm cấp CKS công cộng cho người dân ở trên 2 địa bàn phường trung tâm của TP. Móng Cái và đã tích hợp các ký số của DN vào Cổng DVC của tỉnh để người dân triển khai thực hiện.
Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai để người dân có thể thực hiện DVCTT trên nhiều nền tảng, thiết bị như smartphone, iPad và các thiết bị, máy tính. Cùng với đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tỉnh cũng rất quyết liệt như việc đầu tư, nâng cấp các hạ tầng CNTT tại các trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh/huyện, bộ phận một cửa cấp xã, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ giải quyết TTHC.
Một trong những điểm mà Quảng Ninh thực hiện quyết liệt trong năm 2022 là thành lập tổ công tác gồm các sở, ngành để giải quyết những tồn đọng trong lĩnh vực hành chính ở các địa phương cấp huyện, tỉnh với mục tiêu kiên quyết không để cho người dân, DN cảm thấy khó chịu khi tham gia DVCTT.
Đối với hồ sơ, DVCTT mà người dân thực hiện mà bị quá hạn thì người đứng đầu của địa phương từ cấp huyện, sở ngành đều phải có thư xin lỗi công dân, DN và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của tỉnh. Một trong những điểm đột phá của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2022 là để DVCTT được tăng nhanh, từ tháng 5/2022, Quảng Ninh đã thực hiện kết nối với CSDL quốc gia dân cư thành công. Hiện nay, Quảng Ninh đang khai thác rất tốt nhóm 25 DVC thiết yếu trong Đề án 06.
Mặt khác, để đẩy mạnh DVCTT, tỉnh đã thực hiện số hoá TTHC ngay từ khâu tiếp nhận. Việc số hoá này thì gắn với việc bóc tách dữ liệu để sử dụng nhiều lần, tạo thuận tiện cao nhất cho người dân và DN.
Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh cho biết: “Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh trong việc thúc đẩy DVCTT chính là quan điểm được tất cả công chức trong toàn hệ thống chính trị quán triệt thực hiện, đó là 5 “thật”: nghĩ thuật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và nhân dân, DN phải được thụ hưởng thật".
Từ những cách làm như vậy, trong năm 2022, Quảng Ninh cũng đã đạt được những kết quả như: 100% TTHC đủ điều kiện đã được cung cấp DVCTT mức độ 4 hiện nay đã chiếm 78% trong tổng số TTHC; tổng số hồ sơ nộp, giải quyết trực tuyến đã đạt được tỷ lệ 74,6% và tăng 25% so với năm 2021.
“Cổng DVC của Quảng Ninh là cổng thứ 2 trong toàn quốc đã công khai toàn bộ các kết quả giải quyết TTHC trên Cổng DVC Quốc gia, nhiều lĩnh vực đã thực hiện trực tuyến toàn trình và kết quả này đã góp phần làm thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước và tạo dựng được niềm tin của người dân”.
Với những kết quả đạt được, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh nêu một số vấn đề theo dạng đề xuất cần phải giải quyết hiện nay là nhiều DVCTT có những thành phần hồ sơ phức tạp khó số hoá như cấp phép xây dựng đất đai, một số phần mềm quản lý chuyên ngành chưa kết nối liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện DVCTT và một số kết quả DVCTT đặc thù thì chưa có hướng dẫn cụ thể để áp dụng CKS./.