Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:58, 27/01/2023

Thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo…
Chuyển đổi số

Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia

TS. Trần Quang Diệu, Hà Thị Thu Hằng 27/01/2023 07:58

Thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo…

Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp (DN) và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất. Do đó, để phát triển đất nước trong bối cảnh của cách mạng khoa học và công nghệ, Việt Nam cũng cần tìm được hướng đi, giải pháp riêng phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tiễn của mình để chủ động nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức.

Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi trình bày một số vấn đề đối với tiến trình chuyển đổi số (CĐS) của nước ta trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay.

cmcn-4.0.jpeg

Tác động của cuộc CMCN 4.0

Các xu thế lớn của công nghệ trong cuộc CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS có thể được chia thành ba nhóm chính: Vật lý, số hóa và sinh học. CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS trước tiên sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, tạo nên sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số tạo nên sự xuất hiện Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) sẽ thay đổi nhanh chóng, sâu rộng toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển, dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất.

Cuộc cách mạng này sẽ mang tới nhiều cơ hội phát triển và hội nhập, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức với các nước đang phát triển như Việt Nam. Tác động của cuộc CMCN lần thứ tư đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng được nhận diện như dưới đây:

Thứ nhất, tác động đối với chính phủ. Khi thế giới vật lý, thế giới số và thế giới sinh học đang tiếp tục xích lại gần nhau hơn thì công nghệ và thiết bị sẽ ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn tới chính phủ để nêu ý kiến, để cùng phối hợp hoạt động. Đồng thời, các chính phủ cũng sở hữu sức mạnh về công nghệ để tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với người dân dựa trên những hệ thống giám sát rộng rãi và khả năng điều khiển hạ tầng số.

Để có thể vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và công chúng nói chung lại vừa tiếp tục hỗ trợ cho sáng tạo và phát triển công nghệ, các nhà lập pháp phải không ngừng thích nghi với môi trường mới và biến đổi nhanh chóng, đồng thời phải trau dồi bản thân để thực sự hiểu rõ họ đang điều hành cái gì. Để làm được vậy, các chính phủ và cơ quan lập pháp cần có sự hợp tác chặt chẽ với các DN và công dân của mình.

mo-hinh-giao-duc-4.0.png

Hình 1: Mô hình giáo dục 4.0

Thứ hai, tác động đối với thị trường lao động. Như các nhà kinh tế Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra, cuộc cách mạng này có thể mang lại sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là ở khả năng phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế cho người lao động (NLĐ) trong toàn bộ nền kinh tế, sự thay thế ròng NLĐ bằng máy móc có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa lợi nhuận so với vốn đầu tư và lợi nhuận so với sức lao động. Mặt khác, quá trình con người được thay thế bằng công nghệ này cũng có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng các việc làm an toàn và thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, có thể thấy là tri thức, chứ không phải là vốn, sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất trong tương lai. Quá trình robot tự động hóa, báo cáo tự động và trợ lý ảo sẽ trở nên phổ biến. Ví dụ ngành tài chính, "robot tư vấn" đã có trên thị trường. Trong ngành tư pháp, máy tính có thể nhanh chóng "đọc" hàng triệu email và cắt giảm chi phí điều tra. Hay ngành báo chí - truyền thông đã có các phóng viên ảo,..

Thứ ba, tác động đối với kinh doanh. Cuộc CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS toàn cầu có 4 tác động chính đối với DN: 1) về kỳ vọng của khách hàng, 2) về nâng cao chất lượng sản phẩm, 3) về đổi mới hợp tác và 4) về các hình thức tổ chức.

Khách hàng đang ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế, tất cả đều nhằm làm thế nào cải thiện cách thức phục vụ khách hàng. Các công nghệ mới làm cho tài sản bền và linh hoạt hơn. Kinh tế chia sẻ và kinh tế tri thức ngày càng có vai trò chủ đạo. Ví dụ trường hợp của WhatsApp, khởi đầu với nhóm nhỏ nhà đầu tư, vốn bỏ ra cũng nhỏ nhưng đến nay được định giá rất lớn. Tháng 2-2014, Facebook đã đồng ý chi 22 tỷ USD cho công ty có 55 nhân viên này. Giá trị DN lên đến 400 triệu USD cho mỗi nhân viên như ở WhatsApp là một điển hình về khả năng thu lời lớn từ các mô hình kinh doanh vốn thấp trong tương lai.

Thứ tư, tác động đối với người dân. Cuộc CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS toàn cầu sẽ làm thay đổi bản sắc của chúng ta và tất cả những vấn đề liên quan tới bản sắc đó, bao gồm: Sự riêng tư, ý thức về sự sở hữu, phương thức tiêu dùng, thời gian chúng ta dành cho công việc, giải trí và cách thức chúng ta phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người và củng cố các mối quan hệ. Tương tự, các cuộc cách mạng diễn ra trong lĩnh vực công nghệ sinh học và trí thông minh nhân tạo giúp định nghĩa lại con người là gì bằng cách hạ thấp những giới hạn hiện tại về tuổi thọ, sức khỏe, nhận thức và năng lực.

Thứ năm, tác động đối với giáo dục, đào tạo. Cuộc CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS toàn cầu đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng của NLĐ. Những kỹ năng của NLĐ có thể được phân thành 3 nhóm: (1) Các kỹ năng liên quan đến nhận thức; (2) Các kỹ năng về thể chất; và (3) Các kỹ năng về xã hội. Các kỹ năng liên quan đến nhận thức bao gồm: Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tự phê bình (self-reflection); khả năng sáng tạo tri thức, hay chiến lược học tập.

Các kỹ năng về thể chất bao gồm: Kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng về cuộc sống, kỹ năng số. Các kỹ năng về xã hội bao gồm: Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ, ứng xử. Xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu cũng yêu cầu NLĐ có những kỹ năng mang tính toàn cầu hơn như sử dụng thành thạo nhiều hơn một ngôn ngữ, có khả năng thích nghi và hội nhập với các nền văn hóa khác nhau.

Giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng trong bối cảnh CMCN lần thứ tư cũng có những yêu cầu và đặc thù - “giáo dục 4.0”. Hình 1 mô tả các thành phần của giáo dục 4.0. Theo đó, các yếu tố của giáo dục 4.0 được thể hiện qua các vấn đề như các hệ thống hỗ trợ đào tạo thông qua việc thực hành bằng các ứng dụng, đặc biệt là các ứng dụng ảo dựa trên công nghệ thông tin (CNTT).

Việc ứng dụng CNTT đặc biệt là thực tại ảo hay thực tại tăng cường trong giáo dục - đào tạo đã và đang mang lại hiệu quả cụ thể, người học có thể trực quan hóa các ứng dụng cũng như kiến thức một cách dễ dàng hơn. Giáo dục 4.0 chuyển dần từ đào tạo đại trà sang đào tạo có chủ đích và đào tạo cho từng cá nhân dựa trên cơ sở sáng tạo và giải phóng tiềm lực, năng lực hay động lực của người học.

Thứ sáu, vấn đề an ninh, quốc phòng. Cuộc CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế, tác động tới cả bản chất và khả năng xảy ra xung đột. Lịch sử chiến tranh và an ninh quốc tế là lịch sử của sự sáng tạo về công nghệ, ngày nay cũng không phải ngoại lệ.

Các cuộc xung đột hiện nay giữa các quốc gia đang ngày càng “lai tạp” về bản chất, kết hợp các kỹ năng chiến đấu truyền thống với các yếu tố có liên quan trước đó với các đối tượng phi nhà nước. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, giữa chiến binh và dân thường, thậm chí là giữa bạo lực và phi bạo lực (chẳng hạn như chiến tranh mạng) đang trở nên ngày càng mong manh.

Thứ bảy, vấn đề an ninh và an toàn thông tin (ATTT). Giống như xã hội thực, xã hội trên thế giới ảo cũng có những mặt đối lập, có mặt tích cực và có mặt tiêu cực. Một trong các vấn đề quan trọng của an ninh, ATTT trên không gian mạng là chủ quyền, đảm bảo an ninh quốc gia trên không gian mạng đang là các vấn đề cấp thiết hiện nay. Chủ quyền không gian mạng là các thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời của quốc gia với không gian mạng. Chủ quyền này bao gồm quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình (lãnh thổ ảo) và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như TPP, FTA với EU, Liên minh kinh tế Á - Âu..., việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những cải cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất.

Sớm nhận diện được thời cơ và thách thức do cuộc Cách mạng lần thứ tư đem lại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư.

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch như Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020, ban hành Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định CĐS là “chìa khóa” để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; Quyết định số 942/QĐ- TTg, ngày 15/6/2020, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và mới đây là Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tất cả là nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội, giảm thiểu rủi ro mà cuộc CMCN lần thứ tư đem lại phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Về phía Chính phủ, dưới tác động của cuộc cách mạng này, công tác điều hành của Chính phủ của Việt Nam cũng sẽ có được sức mạnh công nghệ mới để tăng quyền kiểm soát, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. Song cũng như các chính phủ khác trên thế giới, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách tiếp cận hiện tại của mình để hoạch định và thực hiện chính sách, trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của người dân trong quá trình này. Điều này sẽ càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam đang tiến vào giai đoạn phát triển mới rất quan trọng đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quyết tâm cao của Chính phủ nhằm công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cơ hội

Cuộc CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS quốc gia đã mở ra những cơ hội có thể tranh thủ để thúc đẩy sự phát triển của của Việt Nam. Cụ thể là:

- Cuộc CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS quốc gia có thể tạo ra lợi thế của những nước đi sau như Việt Nam so với các nước phát triển do không bị hạn chế bởi quy mô cồng kềnh, quán tính lớn; tạo điều kiện cho Việt Nam bứt phá nhanh chóng, vượt qua các quốc gia khác cho dù xuất phát sau;

- Việc ứng dụng những công nghệ mới cho phép thúc đẩy năng suất lao động và tạo khả năng nâng cao mức thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân;

- Khả năng biến đổi các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị cho doanh nghiệp trong nước;

- Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, những phát triển về công nghệ có thể rút ngắn (cũng có thể gia tăng) khoảng cách chênh lệch về tiềm lực của các thế lực các quốc gia khác nhau.

CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS toàn cầu cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, cụ thể là:

- Thách thức trong việc phải có nhận thức đầy đủ về bản chất, tác động của CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS quốc gia và khả năng tư duy, quản lý điều phối tích hợp các yếu tố công nghệ, phi công nghệ, giữa thực và ảo, giữa con người và máy móc;

- Nghiên cứu và phát triển trở thành chìa khóa quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội; cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa nghiên cứu khoa học và sản xuất;

- Gia tăng bức xúc xã hội do sự thâm nhập của các công nghệ kỹ thuật số và các động lực của việc chia sẻ thông tin tiêu biểu của truyền thông xã hội;

- Đặt ra những vấn đề lớn về giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, rủi ro công nghệ;

- Thêm vào đó, cuộc CMCN lần thứ tư diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh chắc chắn sẽ đặt Việt Nam trước nguy cơ tụt hậu hơn nữa trong phát triển so với thế giới và rơi vào thế bị động trong đối phó với những mặt trái của cuộc cách mạng này.

Trong điều kiện thực tiễn hiện nay, Việt Nam cần tận dụng những sức mạnh sẵn có và nắm lấy cơ hội để tham gia vào cuộc CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để làm được điều này, cần hình thành một tầm nhìn toàn diện và thống nhất mang tính toàn cầu về cách thức công nghệ tác động tới cuộc sống cũng như định hình lại môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người Việt Nam.

Chính phủ cần nhanh chóng tận dụng những cơ hội và thế mạnh để đột phá vươn tầm quốc tế, vượt lên những thách thức mới với đội ngũ lao động có kỹ năng trình độ đẳng cấp quốc tế trong các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ mới, hiện đại theo đặc trưng của cuộc CMCN lần thứ tư và tiến trình CĐS quốc gia, làm tiên phong thúc đẩy đưa đất nước đi lên trở thành quốc gia khởi nghiệp, tiên tiến, hiện đại...

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)

TS. Trần Quang Diệu, Hà Thị Thu Hằng