Chuyển đổi số là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế nhanh

Ý kiến chuyên gia - Ngày đăng : 09:45, 22/01/2023

Nhân dịp Năm mới 2023, Phóng viên Tạp chí Thông tin và Truyền thông phỏng vấn Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc - Tư vấn cấp cao, Bondcritic (Singapore) về chuyển đổi số (CĐS) và tăng trưởng kinh tế.
Ý kiến chuyên gia

Chuyển đổi số là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế nhanh

Lê Hưng (thực hiện) 22/01/2023 09:45

Nhân dịp Năm mới 2023, Phóng viên Tạp chí Thông tin và Truyền thông phỏng vấn Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc - Tư vấn cấp cao, Bondcritic (Singapore) về chuyển đổi số (CĐS) và tăng trưởng kinh tế.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của CĐS trong thúc đẩy phát triển kinh tế?

p1_bai04_ts_phanminhngoc_02.jpg

Chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc làm tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam từ 1994 đến 1997. Từ 1997 đến 2004 ông học Thạc sĩ và làm Tiến sĩ tại Nhật Bản theo Chương trình học bổng của Chính phủ Nhật. Ông nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế quốc tế tại Đại học Kyushu (Nhật Bản) năm 2005. Trước khi tốt nghiệp tiến sĩ, năm 2004, ông dành được vị trí giảng viên và nghiên cứu viên tại Đại học Kyushu cho đến năm 2007. Từ 2007 đến 2019, ông làm tại 2 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và MUFG tại Singapore. Từ tháng 5/2020 đến nay, ông là Tư vấn cấp cao của Bondcritic (Singapore).

TS. Phan Minh Ngọc: Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên của những đổi mới công nghệ thú vị. Các công nghệ số và sự CĐS đang tạo ra những đổi thay to lớn. Những bước tiến mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và các phát minh, sáng tạo liên quan đang giúp mở rộng biên giới của cuộc cách mạng số.

CĐS - sự ứng dụng các mô hình kinh doanh trực tuyến (online) và sự chuyển dịch chung các hoạt động kinh tế và xã hội sang hình thức online, được đặc biệt đẩy mạnh trong thời dịch COVID-19 - đã làm thay đổi cách thức vận hành của các nền kinh tế, cách thức tiến hành kinh doanh, và cách thức tương tác xã hội. Việc khai thác dữ liệu đã tạo điều kiện cho sự ra đời các thành phố thông minh mới cũng như mô hình mới của nền kinh tế hoạt động trên nền tảng là dữ liệu. Tương lai đang xảy đến nhanh hơn dự tính.

CĐS còn mở ra các cơ hội mới cho hợp tác quốc tế để thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng cho kỷ nguyên công nghiệp, tận dụng được các thị trường mới tạo ra bởi các nền tảng số và đẩy mạnh khai thác các dịch vụ được cung ứng nhanh chóng hơn nhờ các công nghệ thông minh.

Trên phạm vi thế giới, CĐS ngày càng trở nên một động cơ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững, với ước tính trên 30% GDP sẽ phụ thuộc vào các công nghệ số vào năm 2030.

Theo ông, tác động của CĐS lên kinh tế Việt Nam năm 2023 và những năm tới sẽ như thế nào?

TS. Phan Minh Ngọc: Các công nghệ mới và việc chuyển sang ứng dụng rộng rãi chúng trên các mặt kinh tế và xã hội hứa hẹn những lợi ích to lớn thông qua những cơ hội và kênh truyền dẫn mới tạo ra. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng tham gia thành công vào công cuộc đổi mới sáng tạo và trào lưu chuyển đổi số của thế giới.

Nhiều nước đã bị bỏ lại phía sau và sự tụt hậu này diễn ra ở nhiều ngành nghề, doanh nghiệp (DN), lực lượng lao động và các giai tầng xã hội.

Chưa có một nghiên cứu đánh giá sâu rộng và toàn diện về xu hướng CĐS và tác động của nó lên nền kinh tế và xã hội của Việt Nam trong những năm qua để nêu bật được vai trò thiết yếu của đổi mới công nghệ và CĐS trong việc phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững ở Việt Nam cho đến nay. Những đánh giá hiện nay, nếu có, thường chỉ là các mục tiêu lượng hóa tác động của CĐS, kiểu như kinh tế số sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong GDP vào năm nào đó trong tương lai, sẽ có bao nhiêu tỉnh thành áp dụng chính phủ điện tử, chính phủ số...

Tuy công cuộc CĐS đang được tích cực vận động áp dụng và đẩy mạnh ở nước ta nhưng trong một số ngành, lĩnh vực, kể cả khu vực công - là khu vực đóng vai trò, dẫn dắt, đi đầu trong CĐS nhờ vai trò và tiềm lực tài chính, công nghệ của nó so với các khu vực và các chủ thể kinh tế khác - vẫn còn đây đó những nốt trầm.

Một ví dụ mới gần đây minh họa rõ nét tình trạng tụt hậu của khu vực công trong CĐS là việc thu thập thông tin phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Công an TP. Hồ Chí Minh (HCM) được tiến hành theo kiểu thủ công, thông qua việc điền thông tin, kèm bản photo giấy đăng ký xe. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã có bài viết chỉ ra sự “kỳ kỳ” của cách làm thủ công này và đặt câu hỏi tại sao Công an TP. HCM không tận dụng các hệ thống công nghệ có sẵn? Điều này xảy ra bất chấp Chính phủ lẫn chính quyền TP. HCM đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức để xây dựng các hệ thống công nghệ để quản lý nhiều lĩnh vực trong xu hướng xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử (https://thesaigontimes.vn/co-i... thu-thap-du-lieu-tot-hon-la-phat-phieu-ghi-tay/).

Trước đây thì có những ví dụ điển hình khác về vấn đề khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện, chẳng hạn như việc phát triển và sử dụng các ứng dụng/app khai báo liên quan đến COVID-19. Đã có nhiều app như vậy được đưa ra áp dụng nhưng hiệu quả, liên thông dữ liệu để quản lý tại thời điểm dịch bệnh như thế nào thì chúng ta đều đã rõ.

Như vậy, ít hay nhiều vẫn còn một khoảng cách từ chủ trương, chính sách đến thực hiện trong công cuộc CĐS, nhất là ở những lĩnh vực, bộ phận mà việc số hóa hiển nhiên phải đi đầu ở Việt Nam trong các năm qua. Bởi vậy, vấn đề với CĐS ở Việt Nam có lẽ không phải, không còn là liệu nó sẽ có tác động như thế nào (tích cực hay tiêu cực), ở mức độ nào lên tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong năm tới và những năm sau đó, mà là chúng ta liệu có tiến hành CĐS, ứng dụng các công nghệ và giải pháp mới, thông minh một cách sâu rộng, nhất quán và hợp lý được hay không.

Vậy chúng ta cần làm gì để đẩy nhanh CĐS?

TS. Phan Minh Ngọc: Như trên đã nói, ngay khu vực công cũng đã chưa thể hiện tốt vai trò định hướng, dẫn dắt, và đi đầu trong công cuộc CĐS của Việt Nam. Trong khi đó, hầu như là một ý niệm chung rằng chuyển đổi số là cần thiết và mang lại lợi ích thiết thực cho khu vực DN, và, do đó, sự chú ý của dư luận cũng như của các cơ quan hoạch định chính sách cũng chỉ tập trung vào khu vực này. Đây là một sai lầm phổ biến, cần khắc phục ngay. Điều quan trọng không kém là CĐS trong khu vực công phải được đẩy mạnh, diễn ra triệt để để ít nhất không kéo tụt sự tiến bộ trong CĐS ở khu vực tư, chưa nói đến việc dẫn dắt, đi đầu của nó.

Ngay trong việc CĐS ở cấp DN, mặc dù được Nhà nước vận động, khuyến khích áp dụng nhưng vai trò của Nhà nước vẫn chưa rõ nét, theo phản ánh của giới DN.

Khi thực hiện CĐS, DN phải đối mặt với nhiều khó khăn và trở ngại như thiếu nhân lực và kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ; cần kinh phí lớn để đầu tư vào các dự án CĐS trong khi năng lực tài chính của DN có hạn; chưa có cơ quan, tổ chức tư vấn, hỗ trợ DN hoạch định, đánh giá, lựa chọn, và xử lý các vấn đề trục trặc liên quan đến các giải pháp ứng dụng số hóa phù hợp với đặc thù của từng DN...

Tất nhiên, nếu để “bàn tay thị trường” phát huy tác dụng trong việc buộc các DN phải tự “bơi”, tự CĐS để tiếp tục tồn tại và phát triển thì cũng sẽ có nhiều DN vượt qua được những trở ngại, khó khăn này ở một cấp độ nào đó. Đổi lại, sẽ có nhiều DN, ngành và lĩnh vực bị tụt hậu, không thể theo kịp, tạo ra một nền kinh tế, xã hội phân tầng, ốm yếu.

Để khắc phục tình trạng này cần có sự điều tiết, hỗ trợ của Nhà nước, đóng vai trò bà đỡ cho CĐS trên quy mô quốc gia, giúp DN đối phó một cách hữu hiệu các trở ngại và khó khăn nêu trên.

Ông nhấn mạnh đến vai trò bà đỡ, điều tiết, hỗ trợ của Nhà nước với CĐS. Nhưng trong bối cảnh Nhà nước cũng bị hạn chế về nhân lực và vật lực, vậy thì, theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu nhất?

TS. Phan Minh Ngọc: Thực ra không chỉ Nhà nước Việt Nam mới trong tình trạng này mà đây là tình trạng chung của nhiều nước, kể cả nhiều nước phát triển. Nên điều cần thiết ở đây là phải thiết kế và thực thi một chiến lược CĐS sao cho nguồn lực, vốn của Nhà nước chỉ là nguồn vốn “mồi” hoặc theo nguyên tắc vẫn được biết một cách nôm na là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, dựa theo kinh nghiệm của một số nước mà trong đó nổi bật là Singapore.

Chẳng hạn, về khó khăn tài chính đối với DN thực hiện CĐS thì Nhà nước có thể khắc phục bằng hình thức đồng tài trợ, trong đó Nhà nước hỗ trợ (cho không), ví dụ, 20% chi phí trực tiếp thực hiện CĐS của DN và phần còn lại thì DN phải tự xoay xở (có thể thông qua nguồn tài trợ từ ngân hàng thương mại theo các chương trình cho vay đặc biệt dành cho CĐS do Ngân hàng Nhà nước chủ trì).

Đồng thời, để đi đến được bước đồng tài trợ này thì DN phải lập được kế hoạch CĐS dưới sự tư vấn (nếu DN yêu cầu) của các chuyên gia CĐS lành nghề do Nhà nước sắp xếp, cung cấp. Đương nhiên là quá trình thực thi, giải ngân phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ để tránh thất thoát và các khoản đầu tư vô ích.

Nếu theo cách này thì chắc chắn sẽ có nhiều DN và tổ chức kinh tế cùng muốn thực hiện, và, do đó, cho dù Nhà nước chỉ phải bỏ ra một phần trong số nguồn lực cần thiết thì con số này vẫn có khả năng là quá lớn. Vậy, Nhà nước sẽ giải quyết bài toán khó về tài chính này như thế nào?

TS. Phan Minh Ngọc: Nhà nước hãy coi đây là một trong những chương trình, dự án đầu tư cấp bách và dành nguồn lực thích đáng cho nó. Tất nhiên là trong bối cảnh ngân sách vẫn thâm hụt lớn thì cần xác định đâu là dự án đầu tư cấp bách và cần thiết nhất mà trong đó chắc chắn phải có CĐS. Các dự án đầu tư công khác, nhất là cho các DN nhà nước thua lỗ, kém hoặc hiệu quả không rõ ràng... cần được gác lại, cắt bỏ.

Và cũng cần lưu ý rằng đầu tư công từ nhiều năm nay vẫn được thực hiện rất chậm trễ, kém hiệu quả, thậm chí không giải ngân được, bất chấp mọi sự đốc thúc của Chính phủ. Nên lúc này là thời điểm thích hợp nhất để mạnh dạn cơ cấu lại đầu tư công tạo đà thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến tăng trưởng mạnh và bền vững dựa trên khu vực kinh tế phi nhà nước hữu hiệu và năng động hơn nhờ tích cực CĐS. Và tất nhiên là CĐS trong khu vực công vẫn phải luôn đi trước một bước và là hình mẫu, là chất xúc tác cũng như động lực cho CĐS trong khu vực phi nhà nước.

Trân trọng cảm ơn Ông!

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)

Lê Hưng (thực hiện)