Công nghệ số góp phần giải bài toán phát triển của Việt Nam: Hãy bắt đầu từ khai thác dữ liệu khu vực công

Diễn đàn - Ngày đăng : 08:16, 02/02/2023

Nhìn lại năm 2022, tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 của Việt Nam là một điểm sáng trên bức tranh toàn cầu vẫn còn nhiều gam màu xám.
Diễn đàn

Công nghệ số góp phần giải bài toán phát triển của Việt Nam: Hãy bắt đầu từ khai thác dữ liệu khu vực công

Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông 02/02/2023 08:16

Nhìn lại năm 2022, tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 của Việt Nam là một điểm sáng trên bức tranh toàn cầu vẫn còn nhiều gam màu xám.

Bất ổn địa chính trị, xung đột vũ trang; lạm phát và đình trệ kinh tế là những khó khăn trước mắt mà thế giới đang vật lộn để ứng phó. Và vấn đề đặc biệt nghiêm trọng khác, không chỉ là thách thức mà đã thực sự là bài toán với Việt Nam: những ảnh hưởng hưởng ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Công nghệ số, với dữ liệu ở vị trí trung tâm đóng vai trò như thế nào để giúp nhân loại, giúp quốc gia, và Việt Nam xử lý những “bài toán lớn” nêu trên? Việt Nam có thể khởi đầu tiến trình đó bằng cách khai thác hiệu quả dữ liệu từ khu vực công.

cong-nghe-so-1.png

Biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và dữ liệu số

Xét trên bình diện toàn cầu, biến đổi khí hậu chắc chắn là một trong những thách thức lớn nhất đe dọa tồn vong của nhân loại. Bài toán phát triển kinh tế như thế nào để đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường sống trở thành bài toán đặc biệt hóc búa cho mọi quốc gia. Công nghệ kỹ thuật số và chuyển đổi số (CĐS) hứa hẹn là một phần lời giải nhờ vào tiềm năng đóng góp tăng năng suất lao động, giảm chi phí giao dịch, tăng hiệu quả quản trị ở mọi cấp độ, từ cá nhân đến tổ chức, doanh nghiệp (DN), lẫn cấp độ quốc gia và quản trị toàn cầu. Ở trung tâm toàn của toàn bộ cuộc cách mạng “số hóa” chính là “Dữ liệu”. Tiến trình CĐS rộng rãi hiện nay sẽ không đạt tới hiệu quả tối đa nếu không thành công trong khai thác dữ liệu số.

Các quốc gia phát triển sớm đi đầu trong ứng dụng công nghệ số - dù họ không sử dụng thuật ngữ “chuyển đổi số” đều sớm nhận thức được tầm quan trọng lớn lao của dữ liệu và sớm có chiến lược khai thác dữ liệu. Ở Việt Nam, năm 2022 cũng là dấu mốc quan trọng trong nhận thức về dữ liệu khi gần đây nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông chọn năm 2023 là Năm dữ liệu số.

Cụ thể hơn, với Việt Nam, trong khi vẫn là một nước đang phát triển, câu hỏi hóc búa đặt ra là làm sao vẫn tăng trưởng nhanh mà không tổn hại tới môi trường. Chi phí đầu tư cho công nghệ mới, từ năng lượng tái tạo cho đến các công nghệ thân thiện môi trường có mức phát thải thấp - mặc dù hấp dẫn nhưng đặt ra yêu cầu lớn về chi phí đầu tư. Chi phí đầu tư lớn nghĩa là đẩy giá thành sản phẩm lên và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Công nghệ số, dù không phải là toàn lời giải cho vấn đề, nhưng ở từng cấp độ vi mô, đóng góp cho nâng cao hiệu quả vận hành, giảm chi phí, đặc biệt là chi phí giao dịch - là đóng góp có ý nghĩa.

Như vậy, định hướng vĩ mô tiếp cận để xử lý bài toán ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững được đúc kết trong từ khóa “phát triển kinh tế xanh”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Từ định hướng vĩ mô đó, cần tiếp tục cụ thể hóa thành các hành động ở cấp độ vi mô. Dữ liệu giao thông là một ví dụ đơn giản để hình dung. Tối ưu hóa quãng đường di chuyển chính là một cách đóng góp thiết thực cho giảm phát thải từ hoạt động giao thông. Và tiến trình tối ưu hóa đó đạt được từ ứng dụng và khai thác dữ liệu một cách phù hợp.

KHAI THÁC DỮ LIỆU TỪ CAMERA GIAO THÔNG Ở VƯƠNG QUỐC ANH

Vương quốc Anh có hàng nghìn camera giao thông có thể truy cập công khai với các nhà cung cấp từ các cơ quan quốc gia như Highways England (1500 camera nằm trên hệ thống đường chính của Anh) và Traffic Wales; đến các cơ quan chức năng địa phương hơn như Giao thông vận tải Luân Đôn với hơn 900 máy ảnh và Hội đồng khu vực đọc (Reading Borough Council). Một camera giao thông ở Anh kiếm được gần 1 triệu bảng Anh tiền phạt chỉ sau 18 tháng. Nhưng ý nghĩa thực sự lại không nằm ở đó, mà lợi ích lớn hơn rất nhiều nằm ở khai thác dữ liệu.

Cục Vận tải London (TfL- Transport for London) đã hợp tác với ứng dụng bản đồ chỉ đường Waze của Google để gửi các thông báo an toàn trực tiếp đến người lái xe và người đi xe máy thông qua một hệ thống cảnh báo mới. Mạng lưới “Waze for Cities” đã thu hút sự tham gia của nhiều thành phố trên thế giới bao gồm Miami-Dade, West Palm Beach và thành phố Mexico. Các đối tác của mạng Waze for Cities có quyền truy cập vào công cụ để nhập thông tin về việc cấm đường và các sự kiện giao thông lớn hoặc các trường hợp khẩn cấp, đồng thời được tham gia các diễn đàn trực tuyến chỉ dành cho đối tác, nơi họ có thể thảo luận về các vấn đề chiến lược và hoạt động.

Ứng dụng theo dõi camera UK Roads - Traffic & Cameras (ứng dụng duy nhất hiển thị trực tiếp các sự cố giao thông, công trình làm đường và hơn 3.500 camera ở Anh, Scotland và xứ Wales) có mức phí sử dụng 1,99 bảng Anh.

Tác giả trích dẫn

Khai thác dữ liệu ở Việt Nam, Nhà nước đi trước để làm hình mẫu

“Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên” là hướng đi mà Nghị quyết Đại hội Đảng yêu cầu. Khu vực Nhà nước, với vai trò dẫn dắt của mình có thể đóng vai trò hình mẫu trong tiến trình ấy.

Một bộ máy hành chính hiệu quả, vượt ra ngoài những lợi ích trực tiếp nhìn thấy được từ sử dụng tài nguyên, đóng vai trò định hình chính sách, thúc đẩy và điều phối các hoạt động xã hội để tối ưu hóa vận hành của toàn bộ hệ thống kinh tế - xã hội. Đóng góp ở đây là từ góc độ gián tiếp, ở tầng bậc tổng quát nhất: hiệu quả quản trị quốc gia.

Vậy, hiện trạng hình thành hệ thống dữ liệu và khai thác dữ liệu trong những năm vừa qua ở khu vực nhà nước, phục vụ cho quản trị và điều hành quốc gia đang như thế nào?

Nhìn một cách tổng quát, công nghệ số và dữ liệu tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản trị công và thực thi các chức năng của nền hành chính nhà nước. Trong ngắn hạn và trung hạn, nếu khai thác được tiềm năng dữ liệu, sẽ giúp đổi mới hệ thống hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị - điều hành, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khối cơ quan công quyền; đồng thời giúp bộ máy nhà nước cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và DN.

Về dài hạn, nếu có chiến lược và lộ trình “mở” kho tài nguyên dữ liệu một cách hợp lý, khối dữ liệu từ khu vực công có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn lao, tạo thêm động lực tăng trưởng cho các DN khởi nghiệp, tạo việc làm và góp phần nâng cao hiệu suất của nền kinh tế.

Dù số lượng các trường hợp điển hình ứng dụng công nghệ số và khai thác dữ liệu còn khá ít ỏi, tuy nhiên thành công bước đầu của những ví dụ trải rộng từ cấp bộ, ngành đến các các địa phương minh chứng rõ ràng cho tiềm năng nêu trên. Ở cấp độ ngành, các ngành như Thuế, Bảo hiểm xã hội (BHX( Việt Nam “số hóa” hoàn chỉnh quy trình kê khai, nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, giúp DN không còn phải “tiếp xúc trực tiếp với chính quyền”.

Thí điểm Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn giúp ngành BHXH phát hiện ra các trường hợp gian lận trong chi trả bảo hiểm y tế. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng thí điểm bước đầu bước đầu về sử dụng dữ liệu để kiểm tra tính hợp lý và hợp lệ của chi trả hỗ trợ xã hội trong giai đoạn dịch COVID-19. Ở cấp độ địa phương, hệ thống dữ liệu báo cáo giúp TP. Hồ Chí Minh tự tin đề xuất thí điểm bỏ “tổ dân phố”.

Ở góc độ tăng cường tính tương tác, hiệu quả cung cấp thông tin từ chính quyền đến người dân, việc triển khai rộng rãi các ứng dụng thông minh, với các điển hình thành công như Huế, Tây Ninh, Đà Nẵng cho thấy tiềm năng lớn về nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương. Đi xa hơn, việc sử dụng “dữ liệu hiện trường” – tức dữ liệu phản ánh các ý kiến, yêu cầu từ người dân – cho phép tăng hiệu quả phục vụ của chính quyền, đặc biệt là với các vấn đề dân sinh sát sao với đời sống hàng ngày của người dân.

Ở cấp độ cao nhất - ứng dụng dữ liệu cho chức năng hoạch định chính sách và ra quyết định điều hành của lãnh đạo địa phương, dù chưa có ví dụ cụ thể về trường hợp thành công, nhưng TP. Hồ Chí Minh, với chiến lược dữ liệu của thành phố sắp sửa được ban hành, cho thấy những hứa hẹn đột phá.

Tuy tiềm năng là đầy hứa hẹn, nhưng hiện thực hóa những cơ hội mà công nghệ và dữ liệu mang lại không phải là công việc dễ dàng. Các thách thức lớn nhất mà Việt Nam, ở cấp quốc gia, cấp độ ngành, lẫn địa phương đối mặt bao gồm hai vấn đề chính: thiếu một tầm nhìn rõ ràng, đi kèm với một kế hoạch hành động cụ thể và có xác lập thứ tự ưu tiên hợp lý về khai thác dữ liệu; chưa ý thức được và có kế hoạch cụ thể cho vấn đề bảo vệ an toàn dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân của công dân.

Cần làm gì để khai thác được tài nguyên dữ liệu trong khu vực công?

Mặc dù đã làm tốt công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về CĐS, hình thành được tư duy cần xây dựng “chính phủ số” (ở cấp độ quốc gia, và “chính quyền số” ở cấp độ địa phương), nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn mơ hồ và lúng túng khi xác định các công việc cụ thể và thứ tự ưu tiên khi làm. Rủi ro lãng phí nguồn lực đầu tư và bỏ lỡ những cơ hội của công nghệ số vẫn là rủi ro hiện hữu.

Để vượt qua những thách thức kể trên, khu vực công ở Việt Nam cần gấp rút xác định được cách tiếp cận, xác lập được thứ tự ưu tiên phù hợp trong triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu và cách thức khai thác dữ liệu. Các công việc cụ thể cần làm gồm:

Thứ nhất, về mặt tiếp cận, cần xác lập được tầm nhìn và mục tiêu lấy dữ liệu làm trung tâm cho tiến trình “chuyển đổi số” ở các cơ quan nhà nước; hình thành văn hóa làm việc dựa trên dữ liệu. Đồng thời, coi an toàn và quyền riêng tư dữ liệu cá nhân của công dân là yếu tố đặc biệt quan trọng trong mọi công việc liên quan đến thu thập, xử lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu của cơ quan công quyền.

Thứ hai, mỗi ngành, mỗi địa phương cần có khung kiến trúc về dữ liệu; tiêu chuẩn của từng loại dữ liệu – để làm nền tảng cho xây dựng một “kho” dữ liệu quốc gia, địa phương. Trong đó, vai trò của các bộ, cụ thể Cơ quan chuyên trách công nghệ thông tin của mỗi bộ là đơn vị định chuẩn kiến trúc và cơ chế khai thác cho ngành.

Thứ ba, lộ trình “mở” dữ liệu để khai thác đi qua các bước, với thứ tự ưu tiên gồm: khai thác nội bộ giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong cùng ngành (chiều dọc); cùng địa phương (chiều ngang); “mở” có thu phí đối với một số giao dịch dữ liệu (ví dụ dịch vụ xác thực eKYC); và sau cùng là thí điểm Dữ liệu mở (open data).

Thứ tư, sự tham gia của khu vực tư nhân - tức các DN, đặc biệt là DN công nghệ là chìa khóa của tiến trình này. Muốn như vậy, tư duy “đầu tư” dự án công nghệ thông tin theo từng “dự án” cần phải được hủy bỏ để chuyển sang tư duy “mua” dịch vụ công nghệ của doanh nghiệp tư nhân. Điều này cho phép tăng tính hiệu quả của đầu tư, từ sử dụng dịch vụ “điện toán đám mây” cho lưu trữ dữ liệu và dễ dàng triển khai công nghệ khai thác dữ liệu, bao gồm công nghệ dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo.

cong-nghe-so-2.png

Cuối cùng, và cũng đặc biệt quan trọng, dữ liệu không thể mở ra để sử dụng bên ngoài khu vực nhà nước nếu không có một luật (và sau đó là quy định chi tiết dưới luật) về dữ liệu cá nhân. Do đó, xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân là nền tảng cho các bước đi dài hạn để khai thác được dữ liệu do khu vực công tạo ra, mà không tổn hại đến quyền riêng tư và sự an toàn của mỗi công dân.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2023)

Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông